Ngọc My -
Khoảng trống dưới gầm cầu thang thường được biến thành một phòng chức năng như phòng học, phòng ngủ, phòng làm việc... Ngoài ra, chủ nhà có thể đặt phòng bếp trong khoảng trống này để tận dụng không gian.
Tuỳ phần diện tích phía dưới cầu thang và phong cách nội thất chung của ngôi nhà, chủ nhà sẽ lựa chọn cách bố trí bếp, bàn ăn… cho hợp lý.
Sáng tạo cho góc nhỏ
Không gian dưới gầm cầu thang thường tạo cảm giác chật hẹp, thế nhưng chủ nhà không nên bỏ lỡ góc nhỏ này vì đây có thể là không gian thú vị cho việc bếp núc mỗi ngày. Chủ nhà có thể đặt tủ chén đĩa, xoong nồi… hoặc những vật dụng thường dùng để nấu ăn ở khu vực gầm cầu thang. Ngoài ra, hệ thống bếp lò hoặc chậu rửa cũng có thể bố trí ở vị trí hẹp này.
Khi muốn đặt bếp hay tủ đựng chén đĩa dưới gầm cầu thang, chủ nhà nên đo đạc diện tích của phần không gian này để chọn chiếc tủ chén hoặc loại bếp phù hợp, tránh trường hợp mua về nhưng những thiết bị này lại chiếm chỗ quá nhiều. Để tiết kiệm diện tích, những loại bếp có kích cỡ vừa phải, chậu rửa loại vừa, tủ chén kiểu dáng thanh mảnh… là một gợi ý.
Để tạo sự ngăn cách với những không gian khác như phòng khách, lối đi, chủ nhà nên sử dụng chất liệu tay vịn cầu thang bằng kính. Điều này cũng giúp không gian như rộng hơn và khu vực bếp dưới gầm cầu thang không tạo cảm giác ngột ngạt. Sử dụng kính để làm tay vịn cầu thang cũng là một xu hướng nội thất hiện nay.
Các món đồ nội thất đa năng
Khu vực gầm cầu thang còn có thể đặt một chiếc bàn ăn với kích thước tuỳ khoảng trống này là lớn hay nhỏ, tuỳ số lượng thành viên trong gia đình. Vì khoảng trống dưới gầm cầu thang thường có diện tích hạn chế nên chủ nhà nên ưu tiên chọn những chiếc bàn ăn kiểu dáng nhỏ gọn, đơn giản cộng với tính đa năng để có thể xếp gọn khi không cần dùng tới. Đồng thời, chủ nhà không nên để nhiều vật dụng linh tinh trên bàn ăn sẽ gây sự rối mắt và cảm giác chật chội. Bàn ăn nên là loại bàn có phần chân nhỏ gọn, màu sắc của bàn nhã nhặn để hài hoà với không gian.
Ngoài việc đặt bếp hay bàn ăn dưới gầm cầu thang, chủ nhà có thể đặt quầy bar ngay vị trí này. Chủ nhà có thể tham khảo cách trang trí quầy bar gia đình trên các tạp chí về nội thất hoặc nhờ nhân viên cửa hàng tư vấn. Cũng giống như bàn ăn và bếp, quầy bar nên thiết kế đơn giản, gắn đèn hợp lý.
Bên cạnh đó, việc đặt dưới gầm cầu thang chiếc tủ đa năng với nhiều ngăn nhỏ sẽ chứa đựng rất nhiều đồ dùng nhà bếp bên trong. Đây là ý tưởng nhằm tối ưu hóa không gian nhỏ hẹp. Tủ này có thể là loại tủ có cánh tủ đóng mở, hoặc chủ nhà cũng có thể lắp chiếc kệ tiện dụng và phủ ngoài bằng một tấm rèm ngắn. Nếu muốn linh hoạt hơn, một chiếc tủ hoặc kệ có gắn bánh xe dễ dàng di chuyển sẽ giúp chủ nhà thuận tiện trong việc bố trí hoặc thay đổi chức năng của khu vực dưới gầm cầu thang.
Để gầm cầu thang hữu ích
Nếu không gian bên dưới cầu thang đủ rộng, chủ nhà có thể tận dụng làm kệ bếp với hệ thống bếp kín và cả lộ thiên. Chiếc bàn đảo bếp đặt gần một chiếc tủ đựng chén đĩa bên dưới cầu thang sẽ giúp khâu chuẩn bị cho bữa ăn trở nên thuận tiện.
Chủ nhà cũng có thể chọn vị trí đặt tủ đựng chén đĩa, xoong nồi dưới gầm cầu thang và vuông góc với hệ thống bếp lò, bồn rửa cũng sẽ tiện lợi cho việc chuẩn bị nấu nướng, dọn dẹp sau khi ăn.
Một cách để tạo sự thu hút cho góc bếp dưới gầm cầu thang là chọn màu sắc tổng thể cho cầu thang và bếp đồng nhất. Nếu như màu trắng mang lại sự sáng sủa, tạo cảm giác rộng rãi cho không gian thì màu đỏ nhạt, màu nâu sáng tạo sự ấm cúng, thân thiện cho góc nhỏ này. Sự kết hợp các màu sắc với nhau như trắng và đen, màu gỗ mộc với đen hay màu trắng và màu gỗ tự nhiên… sẽ làm cho gian bếp đẹp mắt hơn.
Tuy nhiên, chủ nhà cần lưu ý không nhồi nhét quá nhiều thứ bên dưới cầu thang. Chẳng hạn, nếu đã có phòng bếp, không gian dưới gầm cầu thang chỉ nên dùng để đặt bàn ăn hoặc tủ đựng chén đĩa, hoặc kê một chiếc bàn để đặt trái cây, thực phẩm…