(SGTT) - Theo thông từ từ Bộ Y tế, tính từ 17:00 ngày 19-9 đến 17:00 ngày 20-9, trên hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.668 ca nhiễm trong nước, giảm 1.357 ca so với ngày trước đó và là mức thấp nhất trong một tháng trở lại đây; trong đó có 6.154 ca trong cộng đồng.
- TPHCM ban hành bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong hoạt động du lịch
- Các F0 đã bình phục chia sẻ kinh nghiệm vượt Covid-19
TPHCM có 5.171 ca, Bình Dương 1.410 ca, Đồng Nai 869 ca, Long An 268 ca, Tiền Giang 211 ca, Kiên Giang 175 ca, Đắk Lắk 113 ca, An Giang 100 ca, Cần Thơ 48 ca, Quảng Bình 35 ca, Tây Ninh 32 ca, Bình Thuận 28 ca, Đắk Nông 27 ca, Bình Định 23 ca, Khánh Hòa 19 ca, Đồng Tháp 19 ca, Quảng Ngãi 16 ca, Phú Yên 15 ca, Hậu Giang 10 ca, Cà Mau 10 ca, Hà Nội 9 ca, Ninh Thuận 9 ca, Bạc Liêu 8 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu 7 ca, Bình Phước 5 ca, Thừa Thiên Huế 5 ca, Sóc Trăng 5 ca, Vĩnh Long 4 ca, Hà Nam 3 ca, Đà Nẵng 3 ca, Quảng Nam 3 ca, Thanh Hóa 2 ca, các tỉnh Trà Vinh, Lâm Đồng, Bến Tre, Quảng Trị, Gia Lai, Bắc Ninh mỗi địa phương có 1 ca.
Kể từ ngày 27-4-2021 đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 691.285 ca, trong đó có 459.147 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 14 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước là Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định.
Có 6 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua, gồm Thái Bình, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai, Bắc Giang, Hà Tĩnh.
Trong ngày 20-9, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 6.821 ca.
Bộ Y tế đã quán triệt công tác xét nghiệm và một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội; đồng thời tiếp tục xây dựng hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch Covid-19” tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dựa theo các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, tham khảo kế hoạch, lộ trình mở cửa trở lại của các nước trên thế giới và các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Từ 21-9, Hà Nội gỡ bỏ giấy đi đường
Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, chiều nay, tại buổi họp báo thông tin về các giải pháp phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Chữ Xuân Dũng, phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cho biết trong thời gian sắp tới, Hà Nội sẽ bỏ giấy đi đường từ ngày 21-9.
Về vận chuyển hàng hóa trong nội đô sau ngày 21-9, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, cho biết sở đang nghiên cứu các giải pháp để tạo điều kiện tối đa, thuận lợi để đảm bảo hoạt động của các chuỗi cung ứng hàng hóa. Sở này cũng đang nghiên cứu để cho phép các shipper giao đồ ăn, hàng hóa được hoạt động trở lại để phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Cũng theo báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Văn Phong, Phó bí thư thành ủy Hà Nội, cho biết hiện nay, tình hình tiêm vắc-xin mũi 2 ở Hà Nội còn thấp, chỉ mới đạt 12%.
Hà Nội bắt đầu giãn cách xã hội theo tinh thần của Chỉ thị 16 từ ngày 24-7 tới nay, đạt được nhiều kết quả khá tích cực. Dẫn lời ông Phong, báo Tuổi trẻ thông tin, muốn trở lại bình thường mới, phải trên 70% mũi 1 và trên hoặc bằng 20% mũi 2, vì vậy hiện nay nguy cơ dịch bệnh vẫn đang rất cao. Dự kiến giữa tháng 11, Hà Nội sẽ phủ vắc-xin mũi 2 cho người dân, từ đó nghiên cứu việc cho học sinh trở lại trường.
TPHCM sẽ xét nghiệm cho shipper từ 6:00 đến 21:00
Theo báo điện tử Vnexpress, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương, tại buổi họp báo về công tác phòng chống Covid-19 chiều 20-9, cho biết hơn 800 trung tâm y tế ở phường, xã và lưu động sẽ lấy mẫu cho shipper ở khung giờ từ 6:00 đến 21:00 hàng ngày thay vì từ 5:00 đến 6:00 như trước.
Báo Tuổi trẻ thông tin thêm, theo ông Phương, những ngày trước khi khoảng 20.000 shipper hoạt động trên địa bàn, việc lấy mẫu ở khung giờ 5:00 – 6:00 tại các trạm y tế lưu động tạm ổn. Tuy nhiên, những ngày qua, số lượng shipper đăng ký mới tăng nên quá trình xét nghiệm cho shipper tại các phường, xã gặp khó khăn. Nhiều shipper phải xếp hàng rất lâu, các trạm y tế cũng bị động.
Vì thế, Sở Công thương TPHCM đã làm việc với Sở Y tế và Công an thành phố nhằm đưa ra biện pháp giải quyết. Theo đó, 312 trạm y tế ở phường xã thị trấn cùng với 500 trạm y tế lưu động sẽ tổ chức lấy mẫu cho các shipper kéo dài từ 6:00 đến 21:00.
Ngoài ra, từ ngày mai shipper có thể xét nghiệm ở bất cứ trung tâm y tế nào chứ không bắt buộc lấy tại nơi mình cư trú.
Trước đó, từ ngày 26-7, TPHCM yêu cầu shipper chỉ hoạt động tại một quận huyện để thuận tiện cho quản lý, cũng như ngừa nguy cơ lây lan dịch. Các shipper khi giao hàng phải có bảng tên bằng thẻ cứng kèm hình, nhận diện bằng QR code, xét nghiệm âm tính nCoV.
Từ ngày 16-9, chính quyền thành phố cho shipper hoạt động liên quận, huyện từ 6:00 đến 21:00 với điều kiện đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch và thực hiện xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày một lần. Thành phố chi trả xét nghiệm đến hết 30-9.
Ngoài ra, nhân viên doanh nghiệp cũng được thực hiện giao nhận hàng, song chỉ đi trong một quận huyện, phải xét nghiệm mẫu gộp 3, tần suất 2 ngày một lần, kinh phí do doanh nghiệp trả.
Nguyễn Nam tổng hợp