(SGTT) - Giờ đây, ai trong chúng ta cũng mong Việt Nam sớm ngăn chặn được dịch bệnh, không còn những ngày giãn cách và mọi thứ dần trở lại bình thường. Có lẽ nếu hết dịch, những người đam mê xê dịch như tôi sẽ lên đặt ngay một chuyến bay đến Đà Nẵng, đi dạo quanh Cầu Tình yêu nằm bên bờ sông Hàn hay đi lên cáp treo lên Bà Nà, tận hưởng tiết trời se lạnh với lớp sương mù mờ ảo.
Tôi sống tại thành phố Nha Trang, một thành phố biển yên bình và xinh đẹp. Khi TPHCM và cả Phú Yên bắt đầu có nhiều ca Covid-19, Nha Trang vẫn yên bình. Tuy nhiên, những ca bệnh đầu tiên tại thành phố biển bắt đầu bùng phát, một số khu vực bị cách ly, phong tỏa.
Thời điểm này, đường phố ở Nha Trang vẫn rộn ràng, biển chỉ giăng dây cấm để xe, mọi người vẫn tắm biển. Trải qua 2 tháng, số ca nhiễm Covid-19 đều tăng lên mỗi ngày. Thành phố cũng đã qua 3 đợt áp dụng Chỉ thị 16, phong tỏa 17/27 xã, phường và tiếp tục giãn cách xã hội trong 7 ngày để xét nghiệm tầm soát.
Không phải chỉ Nha Trang mà cả TPHCM, các tỉnh miền Nam, Tây Nguyên, Hà Nội, Đà Nẵng… cũng lần lượt áp dụng lệnh giãn cách xã hội. Giờ đây, những chốt chặn trên mọi nẻo đường hay các khu phong tỏa giăng dây đỏ đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống đời thường.
Thời điểm này tại Nha Trang, các chợ, cửa hàng tạp hóa tạm đóng cửa, người dân mua thực phẩm qua hình thức online. Cuộc sống chỉ mong sớm ngăn chặn được dịch bệnh, không còn những ngày giãn cách và mọi thứ dần trở lại bình thường. Đó cũng là mong muốn của tất cả mọi người trên mảnh đất Việt Nam xinh đẹp này.
Khi lướt trang mạng xã hội Facebook, chắc hẳn sẽ gặp những dòng trạng thái với câu hỏi: “Hết dịch bạn sẽ làm gì đầu tiên?” Câu hỏi ấy vẫn chưa trả lời được bởi khó ai nghĩ được rằng sẽ có những ngày chúng ta rơi vào tình trạng không có việc làm, chỉ quanh quẩn trong nhà. Mỗi ngày trôi qua với lối sinh hoạt đơn giản, cũng như hạn chế coi những bản tin buồn để tâm trạng lạc quan hơn.
Sự biến động của xã hội thấy rõ những khó khăn của người dân; đặc biệt là người nghèo ở các xóm trọ. Họ loay hoay với vấn đề thất nghiệp, không có tiền trả tiền nhà… với hy vọng như bao người là hết dịch để thành phố mở giãn cách, có công việc làm trở lại.
Tình cờ xem một video trên mạng xã hội, kể về những món ăn quen sẽ ăn sau khi hết giãn cách; những món ăn ngày trước chỉ cần đi ra đầu ngõ, sẽ có thể bắt gặp như bún bò, bún cá, bún thịt nướng, cơm tấm, cơm gà, phở bò, bánh cuốn, mì Quảng… Chắc chắn sẽ đi ăn một bữa cho thỏa lòng sau bao ngày không được ăn những món ăn đường phố đó.
Một số người khác không đòi hỏi điều gì to lớn, chỉ là phóng xe ra biển, ngồi ở một chiếc ghế đá nào đó, phóng xa tầm mắt ngắm bãi biển cát trắng mịn với làn nước trong xanh đang vỗ sóng và để những ngọn gió mơn man mái tóc.
Có người nhớ Đà Lạt, nhớ vu vơ những hàng thông đang vươn trên bầu trời xanh và hồi tưởng lại chuyến đi phượt bằng xe máy, đi lên ngọn đèo Khánh Lê để đón gió trời của thành phố cao nguyên.
Nếu hết dịch, những người đam mê xê dịch như tôi sẽ lên đặt ngay một chuyến bay đến Đà Nẵng, đi dạo quanh Cầu tình yêu nằm bên bờ sông Hàn trong đêm những ngọn đèn chong mở hay đi cáp treo lên Bà Nà, tận hưởng tiết trời se lạnh với lớp sương mù mờ ảo.
Buổi chiều lung linh nắng trên con đường trước nhà, thỉnh thoảng mới có một vài chiếc xe qua lại. Màn đêm buông xuống, thành phố có lệnh không được ra đường để lại đâu đó trên các tuyến phố là những ngọn đèn vàng đìu hiu, vắng lặng. Bạn bè nhắn tin hỏi tôi: “Hết dịch anh sẽ làm gì?”.
Tôi trả lời, chỉ mong hết dịch.
Khuê Việt Trường