(SGTT) - Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, khiến việc học tập của các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn gặp khá nhiều khó khăn. Hiểu rõ điều đó, "Lớp học Cầu vồng" - một dự án từ thiện phi lợi nhuận, đã linh động trong việc chuyển đổi các hoạt động trực tiếp sang giảng dạy online miễn phí các môn văn hóa và kỹ năng cho trẻ khuyết tật.
- Những người trẻ tham gia chống dịch và hành trình thanh xuân đầy ý nghĩa
- Nữ sinh Trà Vinh về quê, nấu nước mát mỗi ngày cho tuyến đầu chống dịch
- Theo chân một tình nguyện viên giúp dân đi chợ hộ trong mùa dịch
Lan tỏa tri trức giữa mùa giãn cách
Dự án "Lớp học Cầu vồng” là tổ chức từ thiện phi lợi nhuận giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn cả về vật chất và tinh thần. Hiện dự án đang duy trì hoạt động những lớp học văn hóa cho các trẻ em nghèo cũng như giúp đỡ các em nhỏ khuyết tật, bị chậm phát triển hay tự kỷ ở khu vực miền Bắc.
Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ giảng dạy tiếng Anh cho các bệnh nhân chấn thương cột sống, khiếm thị. Mỗi lớp học của dự án đều được đặt những cái tên vô cùng ý nghĩa như lớp học Phúc xá, Bright Future, Hàn gắn, Vùng cao, Cánh Diều...
Tùy vào tính chất của từng lớp, các học viên sẽ được học các môn văn hóa bao gồm Toán, Ngữ văn, tiếng Anh hoặc các kỹ năng cho trẻ em khuyết tật. Tình nguyện viên (TNV) khi đăng ký tham gia giảng dạy tại dự án đều sẽ được hướng dẫn cụ thể và nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình nhất từ các TNV khác.
Trước khi dịch bệnh bùng phát, TNV của lớp học sẽ giảng dạy trực tiếp tại các địa điểm được chỉ định hoặc các trung tâm bảo vệ trẻ em như: Rồng Xanh, Bốn Mùa, nhà tình thương Bloom House… Tuy nhiên, khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương, việc giảng dạy được chuyển sang hình thức online đối với một số lớp học.
Theo các TNV của dự án này, giảng dạy online vẫn còn khá nhiều mới mẻ. Song với họ, niềm hạnh phúc khi được giúp đỡ các em nhỏ và cô chú, anh chị có hoàn cảnh khó khăn là điều vô cùng trân quý.
Đoàn Thị Thu Hà (22 tuổi), đang sống tại Hà Nội, tham gia gắn bó với dự án khoảng 1 năm trước. Về cơ duyên đến với lớp học thiện nguyện này, chị chia sẻ: “Năm vừa rồi, tôi có tìm hiểu thông tin các lớp học thiện nguyện hoặc các tổ chức giáo dục miễn phí cho trẻ em. Lúc đó, dịch Covid-19 đang dần xuất hiện. Nhận thấy cuộc sống của nhiều người gặp khó khăn và đặc biệt, các em nhỏ với những mảnh đời bất hạnh lại chịu nhiều thiệt thòi hơn. Vì vậy, tôi cũng muốn góp một phần kiến thức để giúp đỡ các em nhỏ”.
Hiện tại, chị Thu Hà đang phụ trách lớp học Bright Future (lớp học dành cho trẻ em khiếm thị) ở khu vực Hà Nội. Theo cô gái 9x này, khi chuyển sang dạy online, lớp học cũng đã gặp nhiều trở ngại. “Trải nghiệm về dạy online thật sự khá bỡ ngỡ với tôi. Lần đầu tôi dạy online nên tôi thường gặp các sự cố về kỹ thuật. Những hôm học viên hoặc tôi gặp trục trặc kỹ thuật, buộc lòng phải bỏ buổi học đó và bù sang ngày khác”, Hà chia sẻ.
Tuy nhiên, cô nàng cũng cho biết cuộc sống của học viên gặp nhiều khó khăn nhưng các em rất chăm học. Các em tiếp thu kiến thức qua những bài giảng online rất tốt, không kém gì khi học trực tiếp.
"Cho đi chính là nhận lại"
Với sứ mệnh “cho đi chính là nhận lại”, các TNV tại dự án này luôn dành sự tận tâm tuyệt đối với công tác giảng dạy. Dịch bệnh khiến việc học tập của các học viên gặp nhiều trở ngại nhưng các bạn luôn cố gắng tạo điều kiện giúp các buổi học luôn sinh động và dễ dàng được học viên tiếp nhận.
Nguyễn Thị Thư (sinh năm 2001) hiện đang sống tại Hải Dương, là một trong các TNV hỗ trợ giảng dạy tại lớp học tiếng Anh online cho trẻ khiếm thị tại khu vực Hà Nội. “Vì từ trước đến giờ, tôi chưa từng tiếp xúc hay giảng dạy cho người khiếm thị nào. Tôi sợ rằng bản thân sẽ không thể làm tốt công việc này”, Thư bày tỏ.
Trước khi dịch bệnh bùng phát, Thư và học viên của mình dễ dàng tương tác và cân chỉnh thời gian học hơn. “Mắt em ấy rất yếu nên khi học đến một mức nào đó thì chúng tôi phải tạm ngưng để mắt được nghỉ ngơi. Giờ đây, khi học online, em phải nhìn màn hình máy tính trong thời gian dài. Tôi đã rất lo lắng và luôn hỏi thăm em khi nào mệt thì có thể nghỉ ngơi. Vì vậy, khoảng thời gian đầu chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn”, Thư kể lại.
“Với tôi, việc dạy online cũng có những bất lợi nhất định. Tuy nhiên, tôi luôn có những cách để khiến lớp học sinh động hơn. Chúng tôi cùng nhau xem các phim tiếng Anh cho thiếu nhi và bàn luận về bộ phim. Những lúc như vậy, tôi và các em nhỏ có dịp trò chuyện cùng nhau và lắng nghe nhau nhiều hơn. Chính nhờ vậy, chúng tôi ngày càng trở nên gần gũi hơn. Thông qua những lần giảng dạy, tôi nhận thấy vốn kiến thức của mình đã được cải thiện hơn rất nhiều”, Thư chia sẻ.
Các TNV không chỉ cho đi tri thức mà còn nhận lại cho mình những bài học về ý chí vượt qua nghịch cảnh và sự ham học hỏi từ các học viên. Anh Lê Duy Quý (sinh năm 1995), hiện đang sống tại Hà Nội, cũng là một trong những TNV gắn bó lâu nhất với gần 4 năm hoạt động tại dự án.
Hiện tại, Duy Quý đang đảm nhận lớp tiếng Anh online cho trẻ em nông thôn. Anh cho biết, việc giảng dạy đã cho Quý rất nhiều trải nghiệm. Ngoài việc dạy và học tiếng anh, những thành viên trong lớp thường chia sẻ với nhau về những câu chuyện cuộc sống. Từ đó, mọi người càng trở nên gần gũi hơn.
“Những câu chuyện, lời chia sẻ chân thành khiến tôi vô cùng cảm động và khâm phục nghị lực sống của họ. Thỉnh thoảng, tôi thường được nhận những lời cảm ơn từ học viên. Đó chính là động lực lớn nhất giúp tôi cố gắng làm tốt hơn mỗi ngày”, Duy Quý chia sẻ thêm.
Bảo Trâm
Ảnh: NVCC
Bài viết như liều vắc xin cho tâm hồn vậy, cảm ơn tác giả và nhóm từ thiện đã mang đến thông điệp ý nghĩa này!
Bạn bình luận hay quá ! Chúc một ngày tốt lành !
Bài viết thật xúc động. Cảm ơn tác giả rất nhiều !!
Các bạn trẻ giỏi và dễ thương quá. Thật ý nghĩa