(SGTT) - “Cồng chiêng là cái quý giá nhất của Tây Nguyên nói chung và đồng bào dân tộc Ba Na nói riêng, thiêng liêng lắm, nên không thể để mất và quên nó được. Tôi luôn tâm niệm còn khỏe ngày nào là phải truyền dạy cho các thế hệ trẻ biết đến âm nhạc dân tộc, để các cháu yêu quý mà trân trọng, giữ gìn”, nghệ nhân A Biu chia sẻ.
- Du lịch giữa mùa dịch: Một ngày làm người Cơ Tu tại làng du lịch cộng đồng Ta Lang
- Du lịch giữa mùa dịch: Đến Sóc Trăng dự Lễ cúng trăng mỗi năm một lần của người dân tộc Khmer
Nay đã ngoài 60 nhưng hàng ngày nghệ nhân ưu tú A Biu vẫn cùng với các con cháu trong gia đình tổ chức chương trình ca hát, biểu diễn nhạc cụ dân tộc để phục vụ khách tham với mong muốn giới thiệu bản sắc văn hóa Ba Na đến du khách. Đồng thời, ông tổ chức các buổi truyền dạy nhạc cụ dân tộc cho học sinh các trường tại địa phương, đó là cách thức mà ông chọn để có thể vừa lưu giữ, vừa truyền ngọn lửa yêu thích âm nhạc dân tộc, lan tỏa các giá trị văn hóa đến cộng đồng.
Cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 7km về hướng huyện Sa Thầy, chúng tôi đã tìm đến nhà nghệ nhân cồng chiêng A Biu, ở làng Klech, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum.
Vừa đến cổng nhà chúng tôi thật sự ấn tượng bởi nơi đây hội tụ đầy đủ những nét đặc trưng, mang đậm chất của người Ba Na: như ngôi nhà sàn truyền thống, cây nêu, máng nước, nhà sàn, cồng, chiêng, chóe, cung tên, giáo mác… Thiết nghĩ, có lẽ chủ nhà phải thật sự đam mê, tâm huyết với những giá trị văn hóa dân tộc thì mới có thể bày trí ngôi nhà đậm chất Tây Nguyên đến vậy.
Trước nhà là một khoảng sân có cây nêu treo đầy cồng chiêng, trống, đàn T’rưng, nơi nghệ nhân A Biu thường trình diễn mỗi khi khách du lịch tới tham quan. Đến đây, du khách sẽ được nghe những câu chuyện về đất, người, bản sắc văn hóa Ba Na, thưởng thức tiếng cồng, tiếng chiêng và những bài hát dân ca tha thiết.
Du khách sẽ được hóa thân thành những chàng trai, cô gái trong trang phục thổ cẩm truyền thống của đồng bào Ba Na và trải nghiệm: đánh đàn T’rưng, múa xoang, đánh cồng, chơi chiêng… dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân A Biu. Đồng thời, du khách còn được thưởng thức ẩm thực truyền thống của người Ba Na do chính người trong gia đình ông chế biến mang hương vị đặc trưng của người Ba Na như gà nướng, cơm lam, măng chua, cà đắng trộn…
Nghệ nhân A Biu tâm sự “Mình làm du lịch không phải để lấy tiền mà để chia sẻ đam mê, giới thiệu cho mọi người biết về con người và cuộc sống của người và văn hóa của người Ba Na là như vậy, mọi người đến đây thoải mái, vui vẻ như đang ở chính ngôi nhà của họ là mình vui rồi”.
Với tâm nguyện bảo tồn, lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa của người Ba Na nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên nói chung từ năm 2003, nghệ nhân A Biu bắt đầu hành trình sưu tầm cổ vật, ché chiêng… Ông kể “Lúc đầu mượn bộ chiêng của thôn để tập đánh và làm quen với các bài chiêng rồi sau đó ông bỏ công sức đi sưu tầm chiêng khắp nơi từ Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk… Bất cứ nơi nào có người bán chiêng thì ông đều tìm đến để mua.
Nhớ lại lần mua bộ chiêng đầu tiên, nghệ nhận ABiu tâm sự “Lúc đó không có nhiều tiền nên tôi chỉ mua được chiêng cũ đã bể và hư nhiều, mua về tôi đi hàn và tìm các nghệ nhân nhờ họ chỉnh sửa lại. Khó khăn nhất là việc chỉnh lại âm thanh của chiêng sao cho đúng với âm thanh gốc trước đây. Sau nhiều năm, tôi đã có thể tự chỉnh lại các âm thanh của chiêng bị phô hoặc hư”.
Nhắc chuyện mua chiêng, vợ nghệ nhân A Biu kể lại câu chuyện ông đã lén dắt con bò duy nhất ở nhà để đem đi bán, chỉ vì muốn mua bằng được bộ chiêng Klang Brong hay còn gọi là Chiêng Đại Bàng (bộ cồng chiêng này có cái cồng lớn, người nghệ nhân khi làm ra đã khắc vân nổi hình cánh chim đại bàng lên đó). Đây là một trong những bộ chiêng quý của người Ba Na.
Nghệ nhân A Biu đã sưu tầm được tổng cộng 11 bộ cồng chiêng và nhiều đồ vật cổ như ché ghè, nồi đồng… Những bộ cồng chiêng sưu tầm được, ông đã chia sẻ lại cho các huyện lân cận của Kon Tum, hiện ông còn giữ 5 bộ.
Nghệ nhân A Biu được biết đến với tài nghệ đánh cồng chiêng điêu luyện, thông thường khi chơi một bản nhạc hoàn chỉnh bởi một bộ chiêng, phải có sự kết hợp của trên mười người, nhưng với nghệ nhân A Biu, ông có thể một mình chơi được cả bộ chiêng. Ngoài ra, nghệ nhân A Biu còn biết chơi các nhạc cụ hiện đại khác một cách thuần thục.
Nguyễn Thanh Hằng