(SGTT) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, ngày 31-8, Việt Nam ghi nhận 12.591 ca nhiễm Covid-19 trong nước ở 42 tỉnh thành, giảm 1.628 ca so với hôm qua; 10.044 người khỏi bệnh. Hôm nay chưa ghi nhận ca tử vong.
- TPHCM dừng cấp giấy nhận diện có mã QR cho xe từ 1-9
- TPHCM: Hơn 1,2 triệu người đã được nhận gói hỗ trợ Covid-19
TPHCM có 5.444 ca, Bình Dương 4.530 ca, Đồng Nai 634 ca, Long An 587 ca, Tiền Giang 214 ca, Đồng Tháp 138 ca, Đà Nẵng 123 ca, Tây Ninh 118 ca, Kiên Giang 99 ca, Nghệ An 81 ca, Hà Nội 77 ca, Khánh Hòa 66 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu 64 ca, Bình Thuận 59 ca, Cần Thơ 53 ca, Quảng Bình 47 ca, Quảng Ngãi 40 ca, Thừa Thiên Huế 25 ca, Phú Yên 23 ca, Bình Phước 22 ca, An Giang 17 ca, Đắk Lắk 17 ca, Trà Vinh 14 ca, Bến Tre 13 ca, Hậu Giang 11 ca, Bình Định 8 ca, Thanh Hóa 8 ca, Vĩnh Long 7 ca, Phú Thọ 6 ca, Ninh Thuận 6 ca, Sơn La 6 ca, Bạc Liêu 5 ca, Lạng Sơn 5 ca, Lâm Đồng 4 ca, Đắk Nông 4 ca, Quảng Nam 3 ca, Quảng Trị 3 ca, Gia Lai 3 ca, Kon Tum 2 ca, Hà Tĩnh 2 ca, Ninh Bình 2 ca, Bắc Ninh 1 ca; trong đó có 7.231 ca trong cộng đồng.
Như vậy trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 1.628 ca. Số ca tại TPHCM giảm 445, Bình Dương giảm 1.520 ca, Đồng Nai tăng 143 ca, Long An tăng 63 ca, Tiền Giang giảm 7 ca.
Kể từ ngày 27-4 đến nay, số ca nhiễm Covid-19 mới ghi nhận trong nước là 457.882 ca, trong đó có 236.086 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 7 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang.
TPHCM: Đề xuất tiêm vắc-xin cho hơn 642.000 học sinh trung học
Để học sinh trở lại học tập trực tiếp tại trường vào học kỳ 2, Sở Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có tờ trình đề nghị UBND thành phố tổ chức tiêm vắc-xin cho hơn 642.000 học sinh từ 12-18 tuổi.
Báo điện tử Vnexpress, dẫn lời ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GDĐT TPHCM cho biết, khoảng 80% giáo viên thành phố đã được tiêm vắc-xin mũi 1. Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát, giáo viên và học sinh được tiêm ngừa đầy đủ thì có thể tổ chức dạy trực tiếp.
Báo Tuổi trẻ thông tin thêm, việc tiêm vắc-xin cần tổ chức trước khi kết thúc học kỳ 1 để học sinh có thể đến trường học tập trực tiếp vào học kỳ 2.
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, việc này nhằm đảm bảo tốt nhất công tác giáo dục toàn diện; đáp ứng mục đích, yêu cầu và nội dung chương trình năm học; đặc biệt đối với học sinh khó khăn về cơ sở vật chất hoặc không có người thân hỗ trợ trong khi học tập trực tuyến.
Đồng thời, việc tiêm vắc-xin cho học sinh từ 12-18 tuổi cũng nhằm đảm bảo cho học sinh thành phố được an toàn, an tâm; tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ học tập, rèn luyện, giữ vững chất lượng giáo dục trước tình hình dịch đang diễn biến phức tạp.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết toàn ngành giáo dục và đào tạo, triển khai năm học mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Y tế phối hợp Bộ GD-ĐT triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ em để năm học mới diễn ra an toàn.
Dựa trên cơ sở khoa học, quy định về độ tuổi, Bộ Y tế được yêu cầu xem xét vắc-xin nào được nhiều nước tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên để thời gian tới khi nhập về có thể phân bổ và tiêm.
Hà Nội đưa vào vận hành bệnh viện điều trị Covid-19 mới
Hôm nay 31-8, Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 (gọi tắt là bệnh viện điều trị Covid-19), với quy mô 500 giường bệnh tại Hà Nội đã đi vào hoạt động.
Đây là bệnh viện tuyến cuối trong bậc thang điều trị người bệnh Covid-19 tại khu vực Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh và Lạng Sơn.
Theo báo điện tử Vnexpress, bệnh viện ở phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, diện tích 3,5 héc ta, là cơ sở 2 của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chia thành 17 đơn nguyên, mỗi đơn nguyên gồm 30 buồng bệnh, trong đó có 15 buồng áp lực âm.
Đây là bệnh viện Covid-19 đi đầu sử dụng hệ thống điều hòa không khí một chiều cho phòng điều trị bệnh nhân Covid-19. Đầu mỗi giường bệnh có hệ thống hút khí thải từ bệnh nhân. Một màng lọc chuyên dụng được đặt tại lỗ hút khí để giữ lại virus, sau đó tia cực tím sẽ xử lý số virus này.
Nguyễn Nam tổng hợp