Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết cần chuẩn bị tư tưởng để chung sống, thích ứng với tình hình mới của Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và khó dự báo với Việt Nam, cũng như toàn thế giới.
- Bộ Y tế hướng dẫn phòng ngừa và quản lý nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm Covid-19
- Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 đa tầng tiếp nhận 2.000 lọ thuốc Remdesivir
- Từ 30-8, shipper được hoạt động trong 'vùng đỏ' tại TPHCM
Nghiên cứu di dời một số người dân từ “vùng đỏ” sang nơi an toàn
Thông điệp này được Thủ tướng nêu tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 với 1.060 xã, phường, thị trấn, 209 quận, huyện, thị xã của 20 tỉnh, thành phố diễn ra sáng 29-8.
Thủ tướng cho biết tình hình dịch bệnh trên thế giới khiến cả các quốc gia có điều kiện và tiềm lực kinh tế lớn vẫn bị động, quá tải về hệ thống y tế. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương phải nhận thức, xác định tính chất phức tạp, khốc liệt, khó lường, khó dự báo của dịch bệnh.
“Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Theo đó, phương châm được Thủ tướng đề ra gồm 2 thông điệp "Phòng là cơ bản, chiến lược lâu dài; Chống là quan trọng, thường xuyên".
Về việc triển khai phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng đã lưu ý các tỉnh, huyện, xã phải cần triển khai thực hiện một số công việc.
Với việc thực hiện giải pháp giãn cách xã hội, Thủ tướng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm với phương châm lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch. Ngoài ra, người dân “ai ở đâu ở đó”, thực hiện cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường.
Với chính sách an sinh xã hội, cần quan tâm 3 đối tượng gồm: người có điều kiện kinh tế nhưng cần giúp đỡ; hộ gia đình gặp khó khăn, bị đứt bữa; người lang thang, cơ nhỡ.
Với công tác tiếp nhận và điều trị người nhiễm Covid-19, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm việc người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Bên cạnh đó, cần phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực, phân loại, điều trị, chăm sóc phù hợp ở các tuyến, không để quá tải tuyến trên nhằm giảm số bệnh nhân tử vong và ca bệnh nặng.
Với hoạt động tiêm chủng, cần tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 một cách khoa học, an toàn, hiệu quả, toàn diện với tinh thần “Vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất”, theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngoài ra, cần tiêm vắc-xin và xét nghiệm cho các shipper để bổ sung lực lượng vận chuyển, cung ứng hàng hóa cho người dân.
Với hoạt động vận tải, lưu thông hàng hoá, các địa phương chỉ kiểm tra xe chở hàng tại điểm đi, điểm đến và bảo đảm các quy định an toàn phòng, chống dịch, theo chỉ đạo của Thủ tướng. Thêm vào đó, không ban hành quy định riêng và bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp.
Với việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện, Thủ tướng cho rằng các địa phương cần động viên, khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
Đáng chú ý, ông còn yêu cầu các địa phương nghiên cứu di dời, sơ tán một số người dân từ những nơi có mật độ dân số cao trong “vùng đỏ” sang những nơi an toàn, thông thoáng để giảm mật độ người tập trung trong một khu vực. Cụ thể, có thể sử dụng doanh trại quân đội, trường học, cơ sở lưu trú cho việc này, theo Thủ tướng.
“Đây là kinh nghiệm đã được thực hiện tốt tại một số tỉnh phía Bắc và TPHCM đã triển khai”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.
Sáu tỉnh đang dần kiểm soát dịch bệnh
Về diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết TPHCM, Bình Dương vẫn là ‘điểm nóng’ với số ca mắc mới duy trì mức cao – khoảng 50% ghi nhận tại cộng đồng.
Với TPHCM, báo cáo của Bộ Y tế cho biết có 29,3% số ca F0 được điều trị ở tầng 1, 66% tại tầng 2 và 4,7% tại tầng 3. Tỷ lệ khỏi/chuyển tuyến dưới sau khi vào ICU (tầng 3) là 37,3%, còn tỷ lệ tử vong là 29%.
Với Long An, Tiền Giang, số ca mắc tại cộng đồng đã có xu hướng giảm nhưng vẫn đang ở mức cao, khoảng 30-50%.
Với các tỉnh còn lại tại thuộc khu vực miền Nam, tình hình dịch đang từng bước được kiểm soát khi số ca mắc được phát hiện qua sàng lọc tại cộng đồng ở mức 7-15% và có xu hướng giảm dần.
“Các tỉnh như Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Bình Phước, Sóc Trăng, Bến Tre có số ca mắc tại cộng đồng thấp, trung bình dưới 20 ca mỗi ngày, đa số rõ nguồn lây”, báo cáo của Bộ Y tế cho biết.
Tại Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên, dịch bệnh cơ bản vẫn đang trong tầm kiểm soát do thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội sớm, kịp thời. Nhưng nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn tiềm ẩn.
Về tình hình tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, cả nước đã tiêm được 19.223.460 liều vắc-xin tính tới ngày 28-8.
Với 19 tỉnh, thành phía Nam, Chính phủ đã cấp 12.306.010 liều vắc-xin tính đến 26-8. Các tỉnh này đã triển khai tiêm chủng được 10.551.088 liều, đạt tỷ lệ 85,7%. Trong đó TPHCM đã triển khai tiêm chủng được 5.786.586 liều, đạt tỷ lệ 81,6%.
Ngoài ra, ngành y tế đã huy động hơn 16.000 y, bác sĩ và cán bộ y tế và trang thiết bị, vật tư để hỗ trợ cho khu vực phía Nam.
Hoàng Thắng
Theo Kinh tế Sài Gòn Online