Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Du lịch giữa mùa dịch: Nét hoang sơ vẹn nguyên tại bãi đá Lò Thung

Du lịchHành trình - Điểm đếnDu lịch giữa mùa dịch: Nét hoang sơ vẹn nguyên tại bãi...
(SGTT) - Hàng trăm tảng đá lớn đa dạng hình thù chồng lên nhau, bên cạnh đó là các cụm đá nhẵn thín, lâu lâu trên mặt điểm thêm nhiều lỗ lớn nhỏ, trông chẳng khác nào những tảng băng bị đục khoét. Rồi những dòng chảy len lỏi vào giữa các phiến đá, lâu lâu vụt lên trên tựa như một con thác nhỏ giữa sông. Đó chính là bãi đá Lò Thung, thắng tích hoang sơ ở huyện Tiên Phước (Quảng Nam).

Lò Thung nằm ở giữa hai làng của xã Tiên Cảnh và xã Tiên An, được bao quanh bởi đồi núi nhấp nhô bốn bề. Thắng tích đá này tọa lạc trên sông Đá Giăng, một phụ lưu nhỏ của sông Tiên bắt nguồn từ những dãy núi phía Nam.

Người dân quanh Lò Thung truyền tai nhau một câu chuyện từ bao đời rằng, xưa có ông khổng lồ gánh đất, gánh đá xây làng Thạnh Bình (ở phía trên Lò Thung), có một lần bị đứt gánh, đá rơi xuống đoạn sông này vỡ bể ra, làm nên Lò Thung. Dấu chân “ông khổng lồ” đi qua chính là những vết lõm sâu trên đá ở nơi đây.

Người dân nơi đây cũng kể lại, năm 1964, tại Lò Thung đã có một biến động lớn, đó là trận lũ lịch sử ở miền Trung. Sự việc xảy ra lúc giữa đêm, người quanh vùng nghe tiếng sấm vang động tựa bom rền, đến sáng, họ thấy những giàn đá chồng chất ở Lò Thung bị sụp đổ, gãy nứt nằm tràn ra như hiện nay.

Để đến bên những tảng đá lớn của Lò Thung, du khách phải lội qua nhiều đoạn nước ngập đến thắt lưng. Tâm điểm của thắng tích đá này chính là cửa nước ngầm hay còn gọi là “hang nước”, cùng với ngổn ngang đá tảng đa dạng hình thù, số nằm riêng, số chồng xếp lên nhau, trông Lò Thung như một sân khấu để trình diễn những tư thế ngoạn mục của đá.

Trên cả một quần thể đá ấy điểm thêm nhiều lỗ cối lớn nhỏ, đây chính là dấu chân của người khổng lồ theo lời kể, trông chúng như hình lõm của máng xối, đặt chân lên đó, du khách sẽ cảm nhận rõ sự nhẵn nhụi, mịn mát. Cũng có những tảng đá hiền hòa giữa “vương quốc đá ngoạn mục” này, đó là những thớt đá lớn bằng phẳng nằm rải rác như những chiếc bàn, sẵn sàng cho du khách duỗi mình ngắm sông nước, đồi núi, mây trời.

Nhiều doi đất nhỏ len sâu vào tận giữa dòng, nhờ đá chắn giữ đã cho Lò Thung có những “tiểu ốc đảo”, hay đúng hơn là những “hòn non bộ” với cỏ cây, hoa lá soi hình bên dòng chảy. Hai bên bờ còn điểm tô thêm sắc trắng ngà của những bông hoa rù rì.

Lò Thung còn có cả những doi cát vàng mịn, tinh sạch thích hợp để nhoài người lên đó chốc lát, sau đó ra giữa dòng sông tắm cho thỏa thích và tận hưởng trọn vẹn nét hoang sơ mà thiên nhiên ban tặng nơi đây.

Một góc Lò Thung bên dưới thác nước.
Lỗ nhỏ xuyên qua một tảng đá có hình đầu cọp dưới sự xói chảy của dòng nước.
Dấu chân “ông khổng lồ” theo truyền thuyết của người dân quanh Lò Thung. Phần gót chân là chỗ lõm sâu màu đen sậm.
Thác nước ngầm, kề bên là những tảng đá bị đánh sập hồi trận lũ lịch sử năm Giáp Thìn (1964)
Những tảng đá lớn bằng phẳng như chiếc bàn ở Lò Thung.
Hoa cây rù rì lá kim làm đẹp thêm cảnh trí Lò Thung.
Những tiểu ốc đảo đầy cỏ cây bên dòng nước trong xanh.
Những viền cát vàng tinh khôi bên sông nước.
Những cánh cò yên ả bên sông.
Làng Bình Yên sống chan hòa, nên thơ bên cạnh Lò Thung .

Huỳnh Văn Mỹ


Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục