(SGTT) - Đến Tiền Giang, không thể nào bỏ qua Vĩnh Tràng, ngôi chùa cổ lớn nhất của tỉnh với diện tích khoảng 14.000m². Chùa được xây dựng chủ yếu từ xi măng và các loại gỗ quý. Chùa Vĩnh Tràng là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc độc đáo mang phong cách Á, Âu đan xen vào những nét truyền thống của Việt Nam.
- Du lịch giữa mùa dịch: Chiêm ngưỡng ngôi chùa hiện đại bậc nhất ở Xứ sở Kim chi
- Du lịch giữa mùa dịch: Một lần đến chùa Hương
Chùa Vĩnh Tràng tọa lạc trên đường Nguyễn Trung Trực, ấp Mỹ An, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang, cách trung tâm thành phố Mỹ Tho 4km và cách TPHCM khoảng 75km.
Ngôi chùa được xây dựng lần đầu vào thế kỷ 19, ban đầu, chùa chỉ là một am nhỏ. Cái tên Vĩnh Tràng ngụ ý: “Vĩnh cửu đối sơn hà, trường tồn tề thiên địa”, nghĩa là một ngôi chùa trường tồn mãi về sau.
Bên trong chánh điện, chùa có 60 pho tượng Phật đúc bằng đồng và gỗ mít từ đầu thế kỷ 20 và được sơn son thếp vàng óng ánh. Phía ngoài khuôn viên chùa có một số tượng Phật nổi bật như tượng Phật Di Lặc khổng lồ nặng 250 tấn, cao 20m, dài 27m; một tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn dài 35m nặng 250 tấn và một tượng phật A Di Đà cao 18m nặng 150 tấn.
Trải qua khoảng thời gian khá dài, cũng có nhiều nơi trong chùa Vĩnh Tràng bị xuống cấp cần được trùng tu, nhưng những nét cổ kính của ngôi chùa này dường như vẫn được giữ vẹn nguyên. Hằng năm, chùa Vĩnh Tràng vẫn là điểm đến tâm linh quen thuộc của nhiều người Tiền Giang nói riêng và du khách thập phương nói chung.
Nam Phạm