(SGT) – Số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 2.767 ca sau 24 giờ. Bình Dương và TP.HCM là hai địa phương có số lượng ca mới tăng cao.
- Sự thực về thông tin tử vong do tiêm vắc-xin Trung Quốc
- Bình Dương ghi nhận ca nhiễm cao nhất nước, TPHCM siết chặt giãn cách
- Dừng shipper giao hàng tại thành phố Thủ Đức và 7 quận, huyện từ 0:00 ngày 23-8
Tính từ 18:30 ngày 20-8 đến 18:00 ngày 21-8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 22 ca nhập cảnh và 11.299 ca ghi nhận trong nước (7.428 ca cộng đồng).
Hai tỉnh, thành phố có thêm ca nhiễm ở ngưỡng 4 con số là Bình Dương (4.505) và TPHCM (4.084). Các địa phương có số lượng ca mới ở ngưỡng 3 con số: Tiền Giang (589), Đồng Nai (551), Long An (393), Đà Nẵng (197), Đồng Tháp (109), Cần Thơ (100).
Thống kê số ca mới ở các địa phương khác: Tây Ninh (83), Hà Nội (76), Khánh Hòa (76), An Giang (71), Nghệ An (60), Bà Rịa - Vũng Tàu (57), Phú Yên (45), Kiên Giang (43), Bình Thuận (43), Bến Tre (42), Đắk Lắk (32), Quảng Nam (32), Trà Vinh (24), Hậu Giang (12), Gia Lai (11), Lâm Đồng (10), Bình Phước (8), Lạng Sơn (7), Cà Mau (6), Thừa Thiên Huế (6), Quảng Bình (4), Ninh Thuận (4), Bắc Ninh (3), Quảng Ngãi (3), Thanh Hóa (3), Hà Tĩnh (3), Ninh Bình (2), Bắc Giang (2), Nam Định (1), Hải Dương (1), Phú Thọ (1).
Ngày 21-8, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Bình Dương đăng ký bổ sung 2.118 ca được lấy mẫu từ các ngày trước trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19.
Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 2.767 ca. Cụ thể, Bình Dương tăng 2.400 ca, TPHCM tăng 709 ca, Tiền Giang tăng 222 ca, Đồng Nai giảm 135 ca, Long An tăng 26 ca.
Như vậy, hôm nay (21-8) đánh dấu ngày ghi nhận số ca nhiễm trong nước cao nhất kể từ đầu dịch với 13.417 ca. Ngày có số ca nhiễm cao thứ hai là ngày 20-8 với 10.650 ca, ngày có số ca nhiễm cao thứ ba là 19-8 với 10.639 ca. Trong số các ca mắc Covid-19 hôm nay, có 5.989 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa (tăng 1.471 ca), 7.428 ca đang điều tra dịch tễ (tăng 1.296 ca).
Từ 0:00 ngày 23-8, những ai được phép ra đường?
Theo Tuổi trẻ Online, UBND TPHCM có công văn về việc tăng cường kiểm soát các nhóm được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Theo đó, từ 0:00 ngày 23-8-2021 đến ngày 6-9-2021, tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của thành phố, trung ương đóng trên địa bàn TPHCM thực hiện phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến" (tối đa 1/4 tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị) và phải có mặt tại cơ quan, đơn vị trước 0:00 giờ ngày 23-8.
Các nhóm được phép đi đường theo công văn số 2718 của UBND TPHCM:
- Người đi tiêm vắc xin, cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
- Nhân viên các hệ thống siêu thị, cửa hàng bình ổn, cửa hàng tiện lợi được lưu thông để chuẩn bị công tác hậu cần, sắp xếp hàng hóa và vệ sinh, khử khuẩn khu vực kinh doanh.
- Các tổ bay đi công tác theo kế hoạch của chuyến bay đã được cấp phép và cán bộ, người lao động của các đơn vị trực thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam khu vực phía Nam để thực hiện nhiệm vụ phục vụ các chuyến bay chở hàng, trang thiết bị y tế, vắc xin.
- Nhân viên của các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp các dịch vụ thiết yếu (lương thực thực phẩm, thiết bị, vật tư y tế); nhân viên giao hàng các thiết bị, vật tư y tế như bình oxy cho người mắc Covid-19 đang cách ly, điều trị tại nhà (các ca bệnh không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ), các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.
- Nhân viên của các đơn vị cung cấp suất ăn cho các bếp ăn từ thiện, các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly, bệnh viện, các cơ sở y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.
- Cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn thành phố, bao gồm cả công tác phát hành báo.
- Dịch vụ vận chuyển bưu chính và lực lượng thực hiện nhiệm vụ cung ứng dịch vụ bưu chính KT1 (phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, văn bản mật).
- Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; lực lượng xử lý sự cố về: điện, nước, hệ thống thông tin, công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật.
Dấu hiệu nhận diện: Giấy đi đường; Đồng phục đối với các ngành có đồng phục ngành và công nhân thực hiện các dịch vụ công ích. Riêng công chức, viên chức và các nhóm lực lượng tham gia, hỗ trợ phòng chống dịch khác thì mặc áo nhận diện do thành phố cấp.
Thuốc điều trị Covid-19 giả sản xuất trong nhà vệ sinh ở TPHCM
Theo VTC News, ngày 21-8, phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TPHCM - cho biết vừa phát hiện, triệt xóa một đường dây sản xuất, buôn bán thuốc điều trị Covid-19 giả, thu giữ lượng lớn tang vật với ước tính lên đến nhiều tỷ đồng.
Trước đó, ngày 20-8, trinh sát phát hiện Nguyễn Đức Thuận (sinh năm 1975, thường trú tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chở thùng carton nghi vấn chứa thuốc tân dược giả nên kiểm tra.
Qua kiểm tra, công an phát hiện bên trong thùng carton có 150 hộp thuốc điều trị Covid-19 hiệu TERPINCODEIN. Thuận khai nhận là thuốc tân dược giả do Thuận tự mua nguyên liệu, đem về sản xuất rồi bán ra thị trường kiếm lời.
Khám xét khẩn cấp tại 3 địa điểm là nơi sản xuất, tàng trữ, buôn bán thuốc tân dược giả tại các quận Phú Nhuận, Tân Bình, Quận 8 công an thu giữ hơn 630.000 viên thuốc tân dược giả các loại và công cụ, phương tiện sản xuất. Trong đó có 3.116 hộp thuốc phòng, chữa trị COVID-19 giả các nhẫn hiệu Neo –Cordion, Angmentin, 2,5kg viên thuốc màu trắng không nhãn hiệu dùng để sản xuất thuốc Fugacar giả; 100 vi Neo-codien; 100 lọ thuốc Staragan 500 loại 200 viên/ lọ; 50 lọ thuốc staragan đã bóc nhãn hiệu….
Đáng chú ý, khu vực sản xuất thuốc giả là nhà vệ sinh dơ bẩn. Thuốc được để ngay dưới nền nhà. Ngoài bắt giữ Thuận, công an đang triệu tập làm việc đối với 8 nguời có liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán thuốc phòng, chữa trị Covid-19 giả.
Gần 5,3 triệu người TPHCM được tiêm vắc-xin, hơn 177.000 người tiêm đủ 2 mũi
Ngày 21-8, theo thống kê tại Cổng thông tin Covid-19 TPHCM từ ngày 27-4 đến 18:00 ngày 20-8 cho thấy, 8 quận, huyện cơ bản hoàn thành mục tiêu bao phủ vắc-xin mũi 1 cho 80% người trên 18 tuổi, gồm quận 1, Phú Nhuận, huyện Cần Giờ, quận 11, quận 5, quận 6, quận 7 và thành phố Thủ Đức.
Các quận, huyện tốc độ tiêm chậm, chưa đạt 50% tổng số dân trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 là quận Gò Vấp, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Phú, huyện Nhà Bè.
Theo dữ liệu từ Cổng thông tin tiêm chủng vắc-xin Covid-19 (thuộc Trung tâm Phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia) sáng 21-8, hiện 75,95% người từ 18 tuổi trở lên tại TPHCM tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin. Để TPHCM đạt tỷ lệ bao phủ người từ 18 tuổi trở lên có đủ 2 mũi vắc-xin, thành phố cần hơn 13 triệu liều vắc-xin.
Minh Thảo tổng hợp