(SGTT) - Những cơn mưa trong ngày giãn cách làm tôi nhớ tới hình ảnh anh tên là Đoàn Văn Mai, một tình nguyện viên không ngại mưa nắng hay vất vả, cùng bạn bè đồng hương âm thầm nhận những nông sản mà bà con miền Trung gửi vào tặng miền Nam.
- Việt Nam đã tiêm hơn 9,4 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19
- Ở nhà mùa dịch: Tôi nhận ra cuộc sống là để “cho đi nhiều hơn”
- Ở nhà mùa dịch: Bạn trẻ Việt “chuyền tay” khẩu trang, nhảy vũ điệu chống dịch từ mọi miền Tổ quốc
Anh Đoàn Văn Mai quê ở xã Tam Thành, Phú Ninh, Quảng Nam. Ngày thường anh phụ gia đình bán mì quảng. Căn nhà đang thuê vốn để bán mì nhưng do tình hình dịch căng thẳng nên quán ăn đóng cửa. Thay vào đó, anh dùng căn nhà này để làm cái kho nhận hàng của miền Trung gửi vào tiếp tế cho người dân TPHCM ở tâm dịch. Anh thu xếp nhà cửa gọn gàng để chứa những bao gạo, mì quảng khô hay trái bí, trái bầu, rau muống… Rồi cả nhà anh cùng ngồi nhặt bỏ những lá hư, bó rau lại và chia ra nhiều phần quà nhỏ để gửi cho bà con trong khu phong tỏa.
Anh cùng những người bạn của mình là tài xế Võ Văn Long (quê Quảng Ngãi) và tài xế Lương Văn Hùng (quê Quảng Nam), thay phiên nhau chở lương thực rong rủi khắp các con hẻm, khu phố bằng chiếc xe 4 bánh để từng bó rau, từng trái bầu, trái bí đến tận tay người dân gặp khó khăn.
Anh Mai còn cho bà con số điện thoại của mình và kết nối zalo để kịp thời hỗ trợ những người cần. Hầu như anh không có ngày nào được nghỉ. Anh dậy từ rất sớm để nhận hàng, sắp xếp lương thực, thực phẩm gửi cho bà con. Anh nói: "Bà con ở quê đã vất vả, gói ghém những trái bí, bầu cho miền Nam, thì anh phải cố gắng sao cho sớm nhất để bà con trong Nam nhận phần thực phẩm còn tươi ngon”.
Nông sản nhà trồng của bà con xã Tam Thành và xã Tam Xuân 1 (Quảng Nam) hỗ trợ, dưới sự giúp đỡ của Ủy ban nhân dân, các tình nguyện viên quê nhà đã vận chuyển thành công những chuyến hàng thực phẩm đến miền Nam. Còn anh Mai là cầu nối đưa thực phẩm từ quê đến đúng địa chỉ những người cần. Hành động của anh khiến những người con xa quê đều cảm động.
Tình hình dịch bệnh sẽ còn kéo dài, những người khó khăn đang kẹt tại TPHCM còn rất nhiều. Họ, những người công nhân hay lao động tự do đã mất việc làm phải ngồi nhà, cần lắm những người như anh Mai để có lương thực sống qua ngày.
Thay mặt người dân ở miền Nam, tôi chân thành cảm ơn những chuyến xe hàng lương thực ý nghĩa, quý báu trong dịch này, cảm ơn bà con miền Trung đã gói ghém tình yêu thương gửi đến những đứa con xa quê.
Phạm Thị Sen