Dạo qua một số chợ nông thôn ở ĐBSCL, người đi chợ sẽ dễ dàng bắt gặp các loại cá non được bày bán khắp nơi, nhiều nhất là cá ròng ròng (tức cá lóc con) được bán với giá 100.000-180.000 đồng/kg. Ngoài ròng ròng, rô tăm tích (cá rô non), cá sặt non là những loại cá thường được bán nhiều. Cá non được người tiêu dùng rất thích mặc dù giá hơi cao, họ mua về để chế biến các món ăn dân dã. Việc cá non bị đánh bắt vô tội vạ khiến nguồn cá tự nhiên dần bị cạn kiệt.
Trước đây, khi chưa có kỹ thuật ép cá giống, nuôi cá công nghiệp như hiện nay nên vào mùa sinh sản cá non, người dân thường tạo môi trường thuận lợi cho cá phát triển. Nhưng khi công nghệ nuôi cá công nghiệp phát triển, cộng với việc thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp, tăng vụ và dùng nhiều thuốc hóa học đã khiến một số người dân lại tận diệt nguồn cá non tự nhiên. Việc đánh bắt cá non đồng nghĩa với việc tận diệt nguồn lợi thủy sản bởi cá non chính là nguồn cá giống có vai trò tái cân bằng nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Nguyên nhân cá non được đánh bắt và tiêu thụ tràn lan, trước hết là do ý thức hạn chế của cả người đánh bắt, người bán lẫn người tiêu dùng. Mặt khác, do cá non có giá khá đắt, tiêu thụ lớn nên không ngăn được người dân khai thác, nhất là những hộ nghèo ở nông thôn, kinh tế gia đình đang gặp khó khăn. Ngoài ra, các cơ quan chức năng đã không mạnh tay trong việc xử phạt hành vi vi phạm này. Việc xử lý nếu có thì chỉ mới dùng lại ở việc tịch thu phương tiện đánh bắt và thả cá non trở về sông rạch tự nhiên nên sự răn đe chưa đủ mạnh và hiệu quả thấp.
Để hạn chế và tiến đến chấm dứt nạn khai thác, buôn bán cá non tràn lan như hiện nay, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm minh đối với người vi phạm. Đồng thời, tích cực tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Hoàng Danh (Cai Lậy, Tiền Giang)