(SGTT) – Khi bạn căng thẳng, stress lâu ngày, những lo lắng ấy không chỉ ám ảnh trong tưởng tượng mà chúng còn len lỏi vào cả những giấc mơ của bạn. Nếu tình trạng này kéo dài, bạn sẽ rất dễ mắc các bệnh liên quan đến cả sức khỏe lẫn tâm lý.
- Thắc mắc mùa dịch: Nguy cơ tái phát bệnh trầm cảm trong thời gian giãn cách xã hội
- Thắc mắc mùa dịch: Có thai, đeo khẩu trang bị mụn thì làm sao?
Cụ thể, trong chương trình Thắc mắc mùa dịch, có hai trường hợp của bạn đọc bị tình trạng trên và đang cần tư vấn từ bác sĩ tâm lý.
Trường hợp đầu tiên, bạn đọc cho biết “Hay theo dõi thông tin về các ca tử vong do Covid-19, ban đầu tôi chỉ nghĩ theo dõi để biết thêm tin tức mà phòng tránh thôi. Nhưng dạo gần đây, tôi hay thường tự tưởng tượng ra tôi và người nhà sẽ chết vì Covid-19 như thế nào, rồi sợ hãi”.
Trường hợp tiếp theo, bạn đọc cho hay “Tôi là thành viên của một đoàn từ thiện, dịch này, chúng tôi lại càng hoạt động nhiều hơn để giúp đỡ bà con. Con gái tôi lo lắng cho sức khỏe của tôi nên kêu tôi đi xét nghiệm Covid-19. Dù khi đi làm, tôi có tuân thủ 5k, nhưng tôi vẫn rất lo lắng, tới mức căng thẳng. Mà tôi lại thường bị triệu chứng, nếu căng thẳng quá, sẽ nằm mơ bị người khác đuổi giết, hoặc nằm mơ thấy ma. Tâm trạng hiện tại của tôi đang rất tệ”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Thanh, giảng viên Khoa Tâm lý học, trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH), thành viên sáng lập dự án "Hỗ trợ nâng đỡ tâm lý cho y bác sĩ và người bị cách ly y tế”, nhận định rằng, hai trường hợp trên đã gặp những bất ổn về mặt tâm lý.
Cụ thể, đối với trường hợp đầu tiên, Tiến sĩ Vân Thanh cho biết, thỉnh thoảng mình tiếp cận với những tin tức tiêu cực, sẽ giúp chúng ta có khả năng đề phòng tốt hơn. Nhưng nếu, chúng ta liên tục theo dõi những thông tin tiêu cực ấy, lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng tự kỷ ám thị, khiến bạn luôn suy nghĩ về những điều tiêu cực.
Để cách khắc phục tình trạng này, Tiến sĩ Vân Thanh đã đưa ra lời khuyên rằng, bạn nên nhìn “bức tranh Covid-19” một cách toàn diện, có thể là các câu chuyện cảm động về lực lượng y tế, về các loại vắc-xin, về cách nâng cao đề kháng… bạn không nên chỉ quá chú ý vào những ca tử vong mà lo sợ. Đặc biệt, không được “trao lòng tin” nhầm cho những trang báo, trang mạng xã hội không uy tín, không chính thống để tránh có những nhận thức sai lệch.
Đối với trường hợp thứ hai, Tiến sĩ Thanh lý giải, khi con người ta đối diện với một nỗi sợ, cơ thể sẽ tự sinh ra một loại phản ứng, trong khoa học gọi đó là “phản ứng chống trả hay bỏ chạy” (Fight-or-Flight). Nói cho rõ hơn, thì khi con người ta gặp điều sợ hãi, nếu tâm lý chúng ta vững vàng, ta sẽ chống trả, và ngược lại, chúng ta sẽ sợ hãi. Vì vậy, việc bạn lo lắng và nằm mơ thấy ác mộng, đó là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu không có một giấc ngủ đủ sau trong thời gian dài, thì không những tâm lý mà cả sức khỏe của bạn đều bị ảnh hưởng.
Do đó, đối với trường hợp thứ hai, Tiến sĩ Vân Thanh khuyên bạn đọc nên tạm thời ngưng công việc từ thiện lại, để tập trung nghỉ ngơi, thư giãn nhằm khôi phục tâm lý. Bên cạnh đó, bạn đọc nên thường xuyên cập nhật, nắm bắt chính xác hiệu quả của các phương pháp phòng chống dịch bệnh, để có kiến thức chắc chắn về dịch Covid-19, tránh tình trạng mông lung, hoang mang.
Phùng My