(SGTT) - “Khi điều trị tại nhà, bệnh nhân Covid-19 có được uống thuốc kháng sinh không? Hoặc người dân phải làm gì nếu xuất hiện triệu chứng tê quanh môi, lưỡi kèm cảm giác ngứa họng và các biểu hiện đó có phải là phản ứng phụ nguy hiểm sau tiêm vắc-xin không?”. Đây là một trong số các câu hỏi được nhiều bạn đọc gửi đến nhất trong chương trình “Thắc mắc mùa dịch” của Sài Gòn Tiếp Thị.
- Thắc mắc mùa dịch: Có thể tiêm 2 loại vắc-xin Covid-19 khác nhau được không?
- Thắc mắc mùa dịch: Nguy cơ mắc các chứng rối loạn tâm thần trong đại dịch
- Thắc mắc mùa dịch: Người khỏi Covid-19 có nguy cơ tái nhiễm không?
Ngứa họng, tê lưỡi sau tiêm vắc-xin Covid-19
Theo tài liệu hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được ban hành ngày 26-7, Bộ Y tế quy định thời gian để người dân tự theo dõi sức khỏe là 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu.
Tài liệu hướng dẫn chỉ rõ, dấu hiệu tê quanh môi, lưỡi, họng bị ngứa, căng cứng, nghẹn, khó nói sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 trong thời gian theo dõi là biểu hiện người dân cần liên hệ với đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện.
Ngoài ra, một số dấu hiệu nguy hiểm khác bao gồm:
- Ở da: Phát ban, nổi mẩn đỏ, tím tái, đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da.
- Về thần kinh: Có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật.
- Về tim mạch: Đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất.
- Đường tiêu hóa: Nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy.
- Đường hô hấp: Khó thở, thở rít, khò khè, tím tái.
- Toàn thân: Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.
Bên cạnh đó, khi về nhà, người mới tiêm cần có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm vắc-xin. Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm, người dân hãy tiếp tục theo dõi; đặc biệt lưu ý là không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng. Nếu sưng to và nhanh, người bệnh cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế.
Khi ở nhà, người tiêm cần thường xuyên đo thân nhiệt. Nếu có sốt nhưng dưới 38,5 độ C, hãy cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước, không để nhiễm lạnh, đo lại thân nhiệt sau 30 phút.
Trường hợp bị sốt từ 38,5 độ trở lên, hãy sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng, người bệnh cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.
Hai loại thuốc F0 không tự ý dùng khi điều trị Covid-19 tại nhà
Theo Tiến sĩ Hanan Balkhy, Trợ lý Tổng Giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc kháng sinh và thuốc chứa steroid là hai loại thuốc người bệnh Covid-19 khi điều trị tại nhà tuyệt đối không tự ý sử dụng.
Chuyên gia của WHO khuyến cáo, khi điều trị Covid-19 ở nhà, người bệnh cần giữ tinh thần thoải mái, lạc quan và uống thuốc theo kê đơn, hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, người bệnh nên chú ý giữ khoảng cách trên 2m và luôn mang khẩu trang để hạn chế lây thêm cho thành viên khác trong gia đình.
Để hiểu rõ hơn về hai loại thuốc này, bạn đọc cùng đón xem số phát sóng mới nhất của chương trình “Thắc mắc mùa dịch”, từ đó có những thông tin cần thiết giúp xử lý các phản ứng phụ không mong muốn, cũng như chăm sóc sức khỏe trước và sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Minh Thảo