(SGTT) - Gia đình anh chắc lo lắng lắm phải không ạ? - Người nhà tôi vẫn chưa biết tôi nhiễm bệnh. Sợ mọi người lo, nên tôi không dám nói.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi nghẹn ngào vì câu trả lời của bác sĩ Thống.

Làm tất cả mọi việc, từ theo dõi bệnh nhân đến dọn dẹp nhà vệ sinh

Anh Lâm Quyết Thống, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, 28 tuổi, ngụ tại quận 11, TPHCM là một trong những bác sĩ tham gia công tác chống dịch tại Trung tâm y tế quận 6. Gần 2 tháng qua, nơi tiếp nhận và điều trị bệnh nhân trở thành nơi ở của anh Thống và nhiều bác sĩ, nhân viên y tế khác. Từ khi TPHCM bước vào giai đoạn căng thẳng, số người nhiễm Covid-19 cũng tăng lên nhanh chóng, đội ngũ y tế hỗ trợ và điều trị cho bệnh nhân phải làm việc với công suất gấp đôi.

Trong lúc cuộc chiến chống đại dịch chống Covid-19 đang đầy khó khăn và cam go, bác sĩ Thống không thể đứng ngoài cuộc.

“Tôi học ngành y, vậy nên công việc của tôi là phải cứu người. Thật ra lúc đăng ký tham gia hỗ trợ công tác chống dịch, bản thân tôi chỉ nghĩ mình muốn phụ mọi người một tay. Còn sức khỏe thì mình đi thôi”, anh Thống chia sẻ.

Suốt 2 tháng nay, kể từ khi “cuộc chiến” điều trị Covid-19 đang diễn ra ác liệt, bác sĩ Thống quyết dốc hết sức mình cho việc hỗ trợ. “Tuy chuyên môn của tôi là khám, chữa bệnh về tai - mũi - họng, nhưng tôi nghĩ bản thân hỗ trợ được công việc gì thì tôi sẽ làm. Từ việc theo dõi bệnh nhân, hỗ trợ bác sĩ, lấy mẫu xét nghiệm đến việc sửa đèn, ống nước, tôi cũng làm tất”, anh Thống kể.

Suốt 2 tháng nay, kể từ khi “cuộc chiến” điều trị Covid-19 đang diễn ra ác liệt, bác sĩ Thống quyết dốc hết sức mình cho việc hỗ trợ. Ảnh: NVCC

Trong khoảng thời gian thực hiện công tác chống dịch, anh nghẹn ngào khi nhìn thấy hình ảnh của những cô, chú lớn tuổi mắc bệnh. Tuổi già, sức yếu, mắc Covid-19 thì người thân không thể nào vào thăm, mỗi lúc như vậy mình đều dốc hết mình để chăm sóc cho các ông, bà chu đáo nhất có thể. Xem họ cũng như người thân, vì vào khu điều trị, đâu có người thân hay ai ở cạnh”, bác sĩ Thống nghẹn ngào.

Thấy mọi người quá tải công việc, anh Thống luôn sẵn sàng hỗ trợ mọi người, từ việc nhỏ, đến những việc lớn hơn.

Dược sĩ Huỳnh Thị Thanh Đào, cán bộ Trung tâm y tế quận 6, nơi bác sĩ Thống tham gia hỗ trợ, tậm sư: “Anh Thống sẵn sàng làm mọi công việc, từ việc chăm sóc bệnh nhân, người trong khu cách ly, sửa điện, nước, nhà vệ sinh… cho người bệnh điều trị”.

Suốt hai tháng qua, anh Thống vẫn miệt mài với công việc hỗ trợ cho người dân. Giữa lúc tâm dịch diễn biến phức tạp, thì anh phát hiện mình đã bị nhiễm bệnh.

“Phải luôn lạc quan, được sống ngày nào là cống hiến hết. Nếu mệt thì năm nghỉ thôi”, anh Thống cười, nói.

Lúc nghe mình nhiễm bệnh, nước mắt chỉ tuôn thôi!

Biết mình đã mắc Covid-19, anh Thống nghẹn ngào, “Lúc đó nước mắt tự nhiên tuôn ra không thể ngăn được. Thấy tủi thân, thấy sợ nhiều thứ lắm”.

Hôm mắc bệnh, bác sĩ Thống đang ở tại nơi làm việc, mặc dù cơ thể bắt đầu sốt, nhưng kết quả kiểm tra nhanh trong lần đầu tiên, thì nhận kết quả âm tính. Vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, mãi cho đến tối ngày hôm sau, anh bị suy hô hấp phải cấp cứu ngay. Cũng may có anh chị, đồng nghiệp tại Trung tâm y tế hỗ trợ kịp thời.

Đội ngũ y tế hỗ trợ và điều trị cho bệnh nhân phải làm việc với công suất gấp đôi. Ảnh: NVCC

Anh chia sẻ thêm, khi quyết định đăng ký tham gia hỗ trợ công tác chống dịch, bản thân đã từng nghĩ đến trường hợp xấu nhất là mình sẽ nhiễm bệnh. Tuy có lo lắng, nhưng với anh, nhiệm vụ giúp đỡ người bệnh trong giai đoạn này là điều quan trọng nhất. “Không ngờ chỉ mới gần 2 tháng thôi mình đã nhiễm bệnh. Lúc đó thấy yếu lòng lắm, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy hối hận về công việc mà mình đã làm”, bác sĩ Thống bày tỏ.

Quê ở Kiên Giang, anh sống và làm việc, học tập tại TPHCM một mình gần 10 năm. Lúc mắc bệnh, vì không muốn gia đình phải lo lắng, anh Thống nghẹn ngào giấu bệnh.

“Không có người thân bên cạnh, tôi tủi thân nhiều lắm. May mắn, tôi có anh chị, đồng nghiệp trong bệnh viện động viên. Tới bây giờ thì cũng còn buồn, nhưng bản thân tôi luôn tự nhủ mình phải thật lạc quan, mau khỏe bệnh để còn phụ giúp mọi người”, anh Thống tâm sự.

Hiện tại anh Thống đang điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương, quận 10. Trong khu điều trị, anh Thống chung phòng với 8 người nhiễm bệnh khác nữa. Mặc dù không giao tiếp với nhau nhiều, nhưng mỗi người luôn tự nhủ phải cố gắng, giữ tinh thần lạc quan để chiến thắng bệnh tật.

Hiện tại, anh Thống cho biết mình tình trạng sức khỏe của mình đang diễn biến tốt. Thời gian đầu anh thường bị hụt hơi, khó thở, nhưng sau 1 tuần điều trị vừa rồi, anh cho biết: “Tôi thấy mình khỏe hơn, đến nay không còn tình trạng khó thở nữa”.

So với mấy ngày đầu khi nói chuyện cùng anh Thống, đến nay giọng nói của anh đã to, rõ hơn hẳn. Anh cười, nói: “Khoảng thời gian trước, tôi buồn khi thấy đồng nghiệp của mình đang phải nỗ lựa làm trăm ngàn việc ngoài kia. Nhưng tới giờ tôi thấy khỏe hơn nhiều rồi, bác sĩ cũng cho biết tôi sẽ sớm được xuất viện. Khỏi bệnh, tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ anh,chị trong công tác chống dịch”.

Uyển Cầm

1 BÌNH LUẬN

  1. Cảm ơn tác giả Uyển Cầm đã viết bài rất cảm động, giúp mọi người hiểu được vất vả và đồng cảm với nhân viên y tế trong thời gian khó khăn này. Tuy nhiên Thống quê ở Kiên Giang chứ không phải ở Tiền Giang, mình không có ý chỉ trích chỉ là thông tin về nhân vật chính nếu không bị nhầm lẫn thì mình nghĩ khi Thống đọc được bài của Uyển Cầm sẽ thấy vui hơn, cảm thấy được trân trọng và đỡ hụt hẫn hơn Uyển Cầm nhé. Mong Uyển Cầm tiếp tục đồng hành cùng nhân viên y tế chúng tôi trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây