Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Người ở vùng thực hiện Chỉ thị số 16 không được ra khỏi nơi cư trú sau ngày 31-7

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 có thể thực hiện biện pháp cao hơn, tuyệt đối không để người dân ra khỏi nơi cư trú từ sau ngày hôm nay (31-7) cho đến hết giãn cách.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17-7 vừa qua sẽ áp dụng thêm 14 ngày nữa.

Kéo dài thời gian thực hiện Chỉ thị 16, người dân không rời nơi cư trú

Theo công điện do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả các biện pháp cụ thể phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã ban hành trong thời gian qua.

Kiểm tra ra vào tại một khu vực phong tỏa, cách ly y tế phòng chống dịch ở quận 7, TPHCM. Ảnh: Minh Duy

Các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 phải thực hiện nghiêm, nhất quán theo phương châm chỉ có thể thực hiện cao hơn, sớm hơn phù hợp theo tình hình thực tiễn tại địa phương.

Tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”. Tuyệt đối không để người dân ra khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31-7 cho đến hết thời gian giãn cách, trừ những người được chính quyền cho phép.

Lãnh đạo tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để người dân tự ý di chuyển ra khỏi địa phương.

Với người dân đã rời khỏi tỉnh xuất phát đến địa bàn tỉnh khác thì các tỉnh liên quan phải tổ chức đón, đưa về địa phương đích đến bảo đảm an toàn.

Tổ chức xét nghiệm, vận chuyển bằng xe ca, có thể bố trí xe tải chở theo xe gắn máy của người dân nếu người dân di chuyển bằng xe gắn máy. Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh và tổ chức đưa đón người dân.

Tổ chức tốt mạng lưới chăm sóc, điều trị người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 theo các tầng điều trị; tập trung và ưu tiên năng lực, nâng cao chất lượng điều trị, đặc biệt là đối với các bệnh nhân diễn tiến nặng, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.

Thủ tướng quyết định tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày, kể từ ngày kết thúc giãn cách theo Công văn số 969/TTg-KGVX) với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện giãn cách xã hội theo Công văn số 969.

Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nếu đã kiểm soát được dịch bệnh, các tỉnh có thể nới lỏng giãn cách theo từng khu vực trong nội bộ tỉnh.

Với khu vực liên tỉnh, cần có thỏa thuận, thống nhất với các tỉnh liên quan và phải báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trước khi quyết định.

Sẵn sàng chi viện cho TPHCM và các tỉnh có nhiều ca mắc

Với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn đồng thời phối hợp, hỗ trợ, chi viện phù hợp cho TPHCM và các địa phương đang có dịch diễn biến phức tạp.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu vận động, kiểm soát người dân ở TPHCM cùng các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội không được rời địa bàn

Tổ chức hỗ trợ cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ. Tổ chức hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân.

Các địa phương tổ chức tiêm vắc-xin nhanh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xin cho, lựa chọn vắc-xin, lợi dụng chức trách để tiêm cho người không đúng đối tượng và các tiêu cực khác trong việc tiêm vắc-xin.

Người đứng đầu các cấp chính quyền chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có việc tiêm vắc-xin.

Thêm vào đó, phải tăng cường huy động cán bộ y tế, đặc biệt là lực lượng hồi sức cấp cứu, không phân biệt hệ thống công - tư tham gia phòng, chống dịch và sẵn sàng chi viện cho các địa phương đang có số lượng ca mắc lớn như TPHCM.

Các địa phương cần chú trọng chăm lo động viên tinh thần, đảm bảo phương tiện phòng hộ, hỗ trợ vật chất với lực lượng y tế và các lực lượng trực tiếp chống dịch.

Thêm vào đó là xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm vật tư, thiết bị y tế; phương án đảm bảo sản xuất đời sống, an sinh xã hội, trật tự xã hội theo các kịch bản dịch bệnh, sẵn sàng cho tình huống dịch diễn biến xấu.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thúc đẩy nhanh việc sản xuất, cung ứng vắc-xin, thuốc phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Minh Duy

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Sau ca đậu mùa khỉ đầu tiên, HCDC cảnh báo nguy...

0
Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), sau khi phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại TPHCM,...

TPHCM ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên

0
Thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết thành phố đã phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên. Hiện ca bệnh...

Người nhập cảnh nghi ngờ hoặc mắc đậu mùa khỉ sẽ...

0
(SGTT) - Theo đại diện của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), khi nhập cảnh từ vùng có dịch hoặc không có...

Kích hoạt đo thân nhiệt tại cửa khẩu để giám sát...

0
Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, để phát hiện sớm các ca bệnh, Bộ Y tế...

Bàn chuyện có nên cách ly tập trung khi mắc đậu...

0
(SGTT) - Để tránh tình trạng lây lan rộng bệnh đậu mùa khỉ, việc cách ly tối thiểu 14 ngày là điều cần thiết....

Những dấu ấn đáng nhớ của du lịch Việt Nam năm...

0
(SGTT) - Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến du lịch Việt Nam trong năm 2021. Hãy cùng Sài Gòn Tiếp Thị...

Kết nối