(SGTT) - Các hạt ô nhiễm không khí từ những sản phẩm vật dụng gia đình bao gồm nước sơn, thuốc trừ sâu, khói xe cộ... gây ra hơn 900.000 ca tử vong sớm mỗi năm trên thế giới.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Colorado, Mỹ đã tính toán tác động của ô nhiễm không khí tạo nên bởi khí hữu cơ thứ cấp do con người gây ra - các hạt nhỏ hình thành từ các chất hóa học thải ra từ các hoạt động của con người.
Theo đó, ước tính từ 340.000 đến 900.000 ca tử vong sớm có liên quan đến các hạt này mỗi năm. Benjamin Nault, đồng tác giả của nghiên cứu, cảnh báo: "Số ca tử vong như ước tính tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Vì lý do này, nhiều quốc gia đã đưa ra các quy định để hạn chế số lượng các hạt này đi vào bầu khí quyển".
Chúng đến từ các nguồn "trực tiếp", chẳng hạn như nhà máy điện và khí thải diesel, cũng như từ các nguồn "gián tiếp", như phát thải lưu huỳnh và nitơ điôxin từ nhiên liệu hóa thạch. Tiến sĩ Nault giải thích: "Trước đây, để giảm tỷ lệ tử vong sớm, nên nhắm mục tiêu vào các nhà máy nhiệt điện than hoặc lĩnh vực giao thông vận tải. Nhưng giờ đây, các sản phẩm tẩy rửa và sơn cũng như các hóa chất hằng ngày cũng gây ô nhiễm trầm trọng".
Trong nghiên cứu, nhóm đã phân tích dữ liệu từ 11 nghiên cứu trước đó trong hai thập kỷ qua, bao gồm cả lượng khí thải từ Bắc Kinh (Trung Quốc), London (Anh) và thành phố New York (Mỹ). Phân tích cho thấy, trong tất cả nghiên cứu, việc tạo ra các khí hữu cơ thứ cấp có mối tương quan chặt chẽ với các hạt phát ra từ hoạt động của con người.
Chúng bao gồm các hạt được tạo ra từ ống xả của xe cộ, từ nhiên liệu nấu ăn như gỗ và than, từ sơn nhà, sản phẩm tẩy rửa và các hóa chất khác. Jose-Luis Jimenez, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Bởi vì tác động này ít thấy nên không là mục tiêu để kiểm soát".
Vậy nên việc hạn chế ô nhiễm từ các đồ dùng gia đình là việc làm cấp thiết mà các quốc gia cần chung tay xây dựng. Từ đó, tạo nên một môi trường xanh-sạch-đẹp cho thế hệ bây giờ và mai sau.
Nguyễn Hưng
Theo newsbust.in