Thứ ba, Tháng tư 22, 2025

Ngân hàng trước thách thức fintech

Chánh Tài -

Sự trỗi dậy của các công ty công nghệ tài chính (fintech) đang khiến nhiều ngân hàng ở khu vực Đông Nam Á gấp rút đổi mới công nghệ để ngăn chặn nguy cơ mất thị phần trên thị trường thanh toán số, theo Financial Times.

Làn sóng fintech

Hãy tượng tượng bạn đang viếng thăm đảo Bali, Indonesia. Bạn đi chơi trên bãi biển giữa cái nắng nhiệt đới và cảm thấy khát nước. Bạn đến một người bán dạo để mua một trái dừa. Khi bạn móc tờ tiền rupiah từ ví ra để thanh toán, người bán dạo nói: “tôi đã hết tiền lẻ, bạn có muốn trả bằng Go-Pay không?”

Đây là viễn cảnh đang khiến các ngân hàng Indonesia lo lắng khi các ứng dụng thanh toán di động từ các công ty khởi nghiệp (start-up) fintech trở nên phổ biến, xuất hiện ở mọi nơi, thay thế cho tiền mặt và bỏ qua hệ thống thanh toán ngân hàng. Nỗi lo lắng này không chỉ riêng cho các ngân hàng ở Indonesia, nơi ví điện tử Go-Pay của công ty khởi nghiệp gọi xe Go-Jek đang thúc đẩy nhanh sự đón nhận thanh toán di động.

Ở những nước khác tại Đông Nam Á, các ngân hàng cũng đối mặt với áp lực tương tự khi chứng kiến ví điện tử Alipay của Alibaba hay WeChat Pay của tập đoàn Tencent đang thay thế tiền mặt ở nhiều thành phố ở Trung Quốc.

Những nỗ lực của các ngân hàng Đông Nam Á nhằm thúc đẩy cuộc chuyển đổi thanh toán phi tiền mặt chỉ gặt hái được thành công hạn chế. Tiền mặt vẫn là “vua” ngay ở đất nước có trình độ công nghệ cao như Singapore. Công nghệ, chứ không phải tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ của ngân hàng của người dân, mới là yếu tố quyết định đối với sự phổ biến của hình thức thanh toán phi tiền mặt. Thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và máy đọc thẻ đã xuất hiện từ lâu nhưng không mang lại hiệu quả cao trong việc thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt.

Cuộc khảo sát của bộ phận phân tích FT Confidential Research của Financial Times với 5.000 người ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam vào tháng 9 cho thấy, ít nhất 70% người tham gia khảo sát đã tiếp cận các hệ thống thanh toán phi tiền mặt. Tuy nhiên, tiền mặt vẫn là sự lựa chọn số một của những người trả lời khảo sát vì tính tiện dụng của nó.

Trong khi đó, mối đe dọa từ các start-up công nghệ tài chính đã hiển hiện rõ ràng trong khu vực. Cuộc khảo sát của FT Confidential Research cho thấy tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng các phương thức thanh toán di động đã vượt tỷ lệ sử dụng các phương thức thanh toán bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ.

Ngân hàng OCBC của Singapore đang thử nghiệm dịch vụ thanh toán di động Pay Anyone. Ảnh: OCBC
Ngân hàng OCBC của Singapore đang thử nghiệm dịch vụ thanh toán di động Pay Anyone. Ảnh: OCBC

Chạy theo QR

Để ứng phó mối đe dọa fintech, các ngân hàng Đông Nam Á đang chạy đua đầu tư cho các công nghệ mới. Để thay thế các máy đọc thẻ tốn kém, các ngân hàng Đông Nam Á đã thử nghiệm các công nghệ thanh toán mới như mã phản hồi nhanh (QR Code) và công nghệ giao tiếp tầm ngắn (NFC). Sau thành công Alipay và WeChat Pay ở Trung Quốc, các ngân hàng ở Đông Nam Á tập trung vào công nghệ mã QR.

Công nghệ này sử dụng một mã vạch hai chiều có thể quét được bằng camera của smartphone để kích hoạt tiến trình thanh toán điện tử.

Việc sử dụng mã QR để thanh toán di động không phải là điều mới mẻ. Mã QR khởi nguồn ở Nhật Bản vào năm 2000, nhưng nó không nhanh chóng phổ biến toàn cầu vì smartphone ở Nhật Bản được xem là quá cao cấp vào lúc đó và hệ thống thanh toán di động này chỉ được áp dụng trên một số mạng di động của Nhật Bản.

Công nghệ mã QR có lợi thế hơn công nghệ NFC vì nó ít tốn kém hơn cũng như linh hoạt và phổ biến hơn. Các ông lớn công nghệ tài chính Trung Quốc đã thổi sức sống mới cho công nghệ mã QR và giờ đây các ngân hàng Đông Nam Á đang học hỏi.

OCBC, ngân hàng lớn thứ hai Đông Nam Á tính theo giá trị tài sản, có trụ sở ở Singapore, đang thử nghiệm dịch vụ thanh toán bằng mã QR ở 1.000 cơ sở kinh doanh từ các cửa hàng thời trang cho đến các nhà hàng. Khách hàng chỉ cần mở ứng dụng di động Pay Anyone của OCBC trên smartphone rồi quét mã QR in trên hóa đơn để xác nhận thanh toán.

Ngân hàng thương mại Kasikornbank của Thái Lan cũng đã khai trương dịch vụ thanh toán dựa vào công nghệ mã QR thông qua ứng dụng di động K-Plus Shop trên smartphone ở 10.000 cửa hàng vào hồi tháng 8-2017. Indonesia dự kiến bắt nhịp sớm khi có ít nhất năm ngân hàng lớn đang thử nghiệm công nghệ này. Ngân hàng lớn nhất Indonesia BCA dự kiến sẽ tung dịch vụ thanh toán di động bằng cách quét mã QR vào năm sau.

Cạnh tranh khốc liệt

Vẫn còn quá sớm để dự báo các ngân hàng Đông Nam Á sẽ tiến triển ra sao trong cuộc chạy đua thanh toán di động. Không chỉ cạnh tranh với các công ty công nghệ tài chính nước ngoài và trong nước, các ngân hàng ở trong khu vực còn đối mặt với các dịch vụ ví điện tử của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động như Global Telecom và Smart Communication ở Philippines, hay Telkomsel ở Indonesia.

Cuộc khảo sát của FT Confidential Research cũng cho thấy các sản phẩm công nghệ tài chính trong nước như MoMo (Việt Nam),  Dragonpay (Philippines) hay Go-Pay (Indonesia) đang ở các vị trí dẫn dầu đầu trong thị trường thanh toán di động trực tuyến ở các nước đó, nơi tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ ngân hàng còn tương đối thấp.

GrabPay, ứng dụng thanh toán di động của hãng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á Grab, đang có sự hiện hiện rộng lớn nhất trong khu vực nhưng chỉ được sử dụng để thanh toán tiền cước vận chuyển và chuyển tiền. Gần đây, Grab cho phép người dùng GrabPay thanh toán ở 25 nhà hàng và quán ăn ở Singapore.

Alibaba đã mang Alipay đến Đông Nam Á sau khi mua lượng cổ phần kiểm soát ở công ty thương mại điện tử Lazada vào năm ngoái và gần đây mua cổ phần thiểu số ở công ty thương mại điện tử lớn nhất Indonesia Tokopedia. Tuy nhiên, Alipay vẫn chưa tạo ra tác động lớn chỉ vì nó là sản phẩm còn mới mẻ trong khu vực.

Paypal, một dịch vụ thanh toán điện tử khác đến từ bên ngoài khu vực, đã duy trì sự hiện diện tương đối rộng rãi ở Đông Nam Á và có tỷ lệ người sử dụng cao. Tuy nhiên, dịch vụ này nói chung chỉ bó hẹp trong hoạt động mua sắm trên mạng, chứ không áp dụng ở các cửa hàng truyền thống.

Mặc dù các thách thức như vậy, các ngân hàng trong khu vực có thể lạc quan khi số khách hàng đang sử dụng các sản phẩm số của họ ngày càng tăng. Tính trung bình, có 39,7% số người trả lời cuộc khảo sát của FT Confidential Research cho biết  họ đang sử dụng các dịch vụ ngân hàng di động và internet.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Sẽ xử lý cơ sở, nhân viên đăng kiểm gây khó...

0
(SGTT) - Trước tình trạng nhận nhiều phản ánh của người dân về một số trung tâm đăng kiểm sách nhiễu, tiêu cực, Cục...

Cục An toàn thực phẩm bày cách tránh mua phải sản...

0
(SGTT) - Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ban hành Công văn số 790/ATTP-SP hướng dẫn người dân kiểm tra...

Bộ Công Thương thu hồi quyền cấp chứng nhận xuất xứ...

0
(SGTT) - Bộ Công Thương thu hồi quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy chứng nhận hàng hóa không thay đổi...

Gamuda Land trồng cây tại TPHCM và Hải Phòng, cam kết...

0
(SGTT) - Vừa qua, Gamuda Land Việt Nam (GLVN) tổ chức hai hoạt động trồng cây tại TP Thủ Đức (TPHCM) và Làng trẻ...

Giá vàng miếng lên 122,5 triệu đồng/lượng

0
(SGTT) - Sau khi tăng 4 triệu đồng/lượng vào hôm qua, sáng nay (22-4), giá vàng miếng SJC tăng thêm 4,5 triệu đồng mỗi...

Bữa trưa lành mạnh với salad xoài ngò rí

0
(SGTT) – Kết hợp khéo léo thịt xoài và ngò rí, đầu bếp một số quán ăn, nhà hàng đã tạo nên phiên bản...

Kết nối