Thứ tư, Tháng tư 16, 2025

Loay hoay tìm lối ra, vào Tân Sơn Nhất

Lê Anh-

Để giải tỏa ách tắc giao thông tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, một số chuyên gia đề xuất cần xây thêm các tuyến đường, đồng thời áp dụng hình thức thu phí ra vào sân bay. Đề xuất này được đưa ra tại buổi hội thảo tìm giải pháp giải tỏa ách tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất diễn ra ngày 7-11 tại TPHCM.

sanbayTại buổi hội thảo ngày 7-11, một số chuyên gia đề xuất cần xây thêm các tuyến đường, đồng thời áp dụng hình thức thu phí ra vào sân bay.  Ảnh: Lê Anh

Làm thêm đường

Theo Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam, đến năm 2018, lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất có thể đạt mốc 40 triệu người/năm. Do hạ tầng không đáp ứng đồng bộ với tốc độ phát triển nên dẫn đến ùn tắc cả trong và ngoài sân bay.

Bên cạnh các giải pháp đã được các cơ quan chức năng đưa ra trước đó, tại buổi hội thảo trên, một số chuyên gia đã đề xuất các giải pháp mới để “cứu” sân bay Tân Sơn Nhất.

Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên phó kiến trúc sư trưởng TPHCM, cho rằng vấn đề mở rộng sân bay và hệ thống giao thông khu vực sân bay đã được bàn nhiều và đã có nhiều phương án kỹ thuât được thực hiện. Tuy nhiên, vấn đề giao thông ở khu vực này không chỉ do lưu lượng vận tải ra vào sân bay mà còn liên quan đến lượng xe rất lớn đi xuyên qua sân bay.

Theo ông Cương, trong thời gian chờ sân bay Long Thành và các tuyến đường sắt theo quy hoạch, một trong những giải pháp ít tốn kém là sử dụng đất quốc phòng để mở tuyến đường vào sân bay. Ông Cương cho rằng, cần mở đường song song với đường Cộng Hòa nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông giữa trung tâm thành phố với khu vực tây bắc. Một khi đã có thêm hướng để đi sẽ giải tỏa cho các tuyến đường xung quanh sân bay.

Đề xuất thứ hai được ông Cương đưa ra là tạm ngưng khai thác đoạn đường sắt từ Gò Vấp đến Hòa Hưng để mở tuyến đường bộ trên mặt đất dọc theo hành lang đường sắt. Khi mở được tuyến đường bộ có lộ giới 30 mét đi từ quảng trường Dân Chủ qua Hòa Hưng nối với đường Phạm văn Đồng thì sẽ giải quyết được nhiều mục tiêu phát triển của thành phố và ngành đường sắt.

Theo ông Cương, đối với thành phố, đây là tuyến giao thông lớn chia sẻ gành nặng cho đường Trường Sơn. Ngoài ra, khi tuyến đường này được hình thành sẽ chia sẻ đáng kể lượng xe đi từ Gò Vấp, Thủ Đức về các quận trung tâm thành phố. Tuyến đường này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng đoạn đường sắt trên cao từ Bình Triệu đến Hòa Hưng và xây ga Bình Triệu.

Cũng đề xuất giải pháp xây cầu và đường, đại diện Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cho rằng, hiện nay cầu vượt chữ Y trước cổng sân bay mới chỉ giải quyết được chiều từ đường Trường Sơn vào sân bay. Vì vậy, cần đầu tư thêm nhánh cầu đi một chiều theo hướng đường Bạch Đằng qua đường Trường Sơn. Nhánh cầu này sẽ phục vụ cho hướng đi đông bắc – tây nam từ đường Bạch Đằng sang đường trường Sơn mà không liên quan tới sân bay. Điều này sẽ giải quyết tốt nhất cho việc hạn chế tập trung lượng xe ở cửa ngõ để vào sân bay.

Đối với nút giao đầu công viên Hoàng Văn Thụ, cần xây hai cầu vượt, một cầu trên đường Phan Thúc Duyện bắc qua đường Trần Quốc Hoàn, một cầu đi từ đường Trường Sơn tới đường Nguyễn Văn Trỗi.

Ông Nguyễn Trọng Hòa, chuyên viên cao cấp của Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, cũng đề xuất giải pháp trước mắt cần kéo dài cầu vượt trên đường Trường Sơn thành đường trên cao hai chiều qua khu vực công viên Hoàng Văn Thụ tới vị trí hợp lý thì đáp xuống đường Nguyễn Văn Trỗi. Khi xây dựng tuyến đường này, giao thông tại khu vực công viên Hoàng Văn Thụ sẽ được cải thiện nhiều. Riêng đường đô thị tại khu vực sân bay vẫn cho vận hành như hiện nay.

Theo ông Hòa, để giải quyết kẹt xe khu vực sân bay, giải pháp tổng thể cần xây một đường vành đai chuyên dụng trên mặt đất kết hợp với trên cao khép kín vòng quanh sân bay. Đường vành đai này được kết nối với các hướng tiếp cận từ các trục đường nối với đường vành đai 2 hiện nay. Khi đó hành khách đi từ tất cả các cửa ngõ sẽ dễ dàng tiếp cận với sân bay. Tuyến đường này chủ yếu chạy sát hàng rào sân bay ở những đoạn cho phép và có thể vòng rộng ra một số khu vực xung quanh sân bay, những nơi có thể xây dựng được. Các xe khi đi lên tuyến đường này chỉ để tiếp cận các nhà ga trong sân bay và sẽ bị thu phí.

Trong giai đoạn đầu tuyến đường này không nhất thiết phải khép kín mà chỉ cần hình thành một cánh cung từ nhà ga mới số 3 qua nhà ga số 2 để tới nhà ga số 1 hiện hữu theo hướng phía Tây (hướng đường Cộng Hòa) của sân bay.

[box] “Người dân đóng thuế cho việc mở đường, việc đi đường nào là quyền lựa chọn của người dân”.

Ông Nguyễn Trọng Hòa, chuyên viên cao cấp của Viện nghiên cứu phát triển TPHCM. [/box]

Tính chuyện thu phí

Ông Nguyễn Hữu Nguyên ở Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, nếu chỉ chú trọng các giải pháp kỹ thuật về cầu đường mà coi nhẹ hoặc không đồng bộ với các giải pháp ứng dụng công nghệ, kiểm soát, điều phối giao thông thì các dự án cũng khó phát huy tác dụng và hiệu quả.

Bên cạnh các giải pháp xây cầu và đường, ông Nguyên đề xuất tạm thời cho thu phí ở hai đầu đường Trường Sơn. Nếu xe nào đi vào sân bay khi ra được trả lại phí, còn xe nào không vào sân bay thì phải đóng phí vì được đi đường tắt. Đây chỉ là giải pháp tạm thời sau khi hoàn thành các dự án dẫn vào Tân Sơn Nhất thì phải dỡ bỏ việc thu phí.

Phản biện lại ý kiến của ông Nguyên, ông Hòa của Viện nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng giải pháp này khó khả thi vì không thể cấm việc lựa chọn đi lại của người dân. “Người dân đóng thuế cho việc mở đường, việc đi đường nào là quyền lựa chọn của người dân” ông Hòa nói.

Ông Lê Dương Lâm, một chuyên gia giao thông, đề xuất không nên mở thêm đường trên cao hay đi ngầm ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất vì chỉ khuyến khích xe cá nhân  đi vào sân bay. Theo ông Lâm, nên ưu tiên hàng đầu cho giao thông công cộng sức chở lớn để sử dụng hiệu quả nhất hạ tầng hiện có. Ngoài ra, nên ưu tiên tích hợp các giải pháp phần mềm tích hợp công nghệ vừa tiết kiệm chi phí đầu tư vừa có tính bền vững thực hiện nhanh, hiệu quả cao, kết nối và xử lý thời gian thực.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Dấu xưa nơi làng cổ Cự Đà

0
(SGTT) - Làng cổ Cự Đà hình thành cách đây hơn 400 năm. Trải qua bao biến động thăng trầm, ngôi làng vẫn giữ...

Giá vàng miếng, vàng nhẫn lập đỉnh mới với 111 triệu...

0
(SGTT) - Giá vàng sáng nay (16-4) tiếp đà tăng, mỗi lượng vàng miếng và nhẫn trơn sáng nay tăng mạnh 2,5-5 triệu đồng,...

TPHCM dự kiến sáp nhập còn 78 phường và 24 xã

0
(SGTT) - Dựa trên Nghị quyết 60-NQ/TW, TPHCM đề xuất sắp xếp 273 phường, xã, thị trấn hiện tại thành 102 đơn vị hành...

Góc khuất của một Hội An sạch và xanh

0
(SGTT) - Hội An, trong mắt của du khách trong nước và quốc tế, là một đô thị cổ yên bình, cổ kính, sạch...

Giá vàng lên sát mốc 110 triệu đồng/lượng

0
(SGTT) - Sáng nay (16-4), giá vàng miếng tại một số nơi tăng thêm gần 2 triệu đồng/lượng, lên sát mốc 110 triệu đồng/lượng...

Đổi vị bữa trưa văn phòng với bò xào lá lốt

0
(SGTT) – Thay vì để nguyên lá cuốn thịt bò như cách chế biến quen thuộc, lá lốt hôm nay được xắt nhuyễn vừa...

Kết nối