Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Chợ đầu mối rối với heo không đeo vòng

Vũ Yến-

Theo văn bản chỉ đạo của UBND TPHCM, từ ngày 16-10 không cho phép thịt heo không đeo vòng nhận diện và không có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc nhập hai chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và Bình Điền. Tuy nhiên, ngay ngày đầu tiên áp dụng quyết định này, hai ngôi chợ đầu mối này đã gặp rắc rối.

Thương lái gây sức ép

Trong đêm 15, rạng sáng ngày 16-10, đoàn công tác của Sở Công Thương TPHCM đã kiểm tra tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) và Hóc Môn (quận Hóc Môn).

Tại chợ đầu mối Bình Điền, ban quản lý chợ cho biết tính tới lúc 0g15 có 22 xe heo vào chợ với số lượng khoảng 400 con nhưng chỉ có 4 xe có đầy đủ thông tin truy xuất, nghĩa là có thông tin của trang trại, cơ sở giết mổ. Số heo không đủ thông tin bị ban quản lý phối hợp với các đơn vị chức năng chặn lại và không cho đội bốc vác chuyển vào chợ.

Tuy nhiên, nhiều thương lái đã tập trung, lớn tiếng, gây áp lực lên ban quản lý chợ. Thậm chí, một số trường hợp tự đưa heo vào chợ, buộc ban quản lý chợ phải xin ý kiến Sở Công Thương.

Theo các thương lái, heo vẫn có giấy chứng nhận kiểm dịch, niêm phong xe theo quy định của Luật Thú y. Còn heo không có thông tin về nơi giết mổ, thương lái giải thích là do trình độ thấp, chủ yếu là lao động phổ thông nên khó khăn trong việc sử dụng thiết bị và lực lượng thú y từ tỉnh chưa hỗ trợ kích hoạt.

Dưới áp lực của thương lái, cơ quan quản lý buộc phải “xả cửa” cho các xe heo không đạt yêu cầu trên nhập chợ. Thậm chí, ban đầu dự định tới 2 giờ mới “xả trại” nhưng khoảng 1g15 đã quyết định cho heo vào kinh doanh bình thường.

Còn tại chợ Hóc Môn, tính đến 2 giờ ngày 16-10, trong tổng số 150 xe chở heo tới chợ, chỉ có 15 xe là đáp ứng đầy đủ thông tin. Theo thống kê của Sở Công Thương TPHCM, trong tổng số 9.776 con heo chuyển về thành phố tiêu thụ trong đêm 15 rạng sáng 16-10, chỉ có 2.905 con heo về chợ đầu mối có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc.

Cũng theo số liệu từ Sở Công Thương TPHCM, mức tiêu thụ thịt heo của toàn thành phố khoảng 10.000 con/ngày, trong đó 1.700 con vào kênh tiêu thụ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi), 8.300 con tập trung chủ yếu tại hai chợ đầu mối là Hóc Môn và Bình Điền.

Tuy nhiên, từ khi đề án được triển khai tại hai chợ đầu mối này (1-3-2017) đến nay, số lượng heo được kích hoạt cung cấp thông tin tại cơ sở chăn nuôi khá lớn (trung bình chiếm 85%) nhưng khi về đến cơ sở giết mổ thì số lượng đó giảm dần (tương đương khoảng 65%). Nói cách khác, lẽ ra thông tin phải được kích hoạt qua tất cả các kênh, nhưng nhiều lò mổ làm chưa đúng quy trình, nghĩa là không kích hoạt thông tin.

 hinh1Kiểm tra thịt heo trước khi chuyển lên xe chở tới chợ đầu mối tại trung tâm giết mổ gia súc ở quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh: Vũ Yến

Điểm nghẽn cơ sở giết mổ

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết việc xả cửa cho heo vào hai chợ đầu mối trong đêm 15, rạng sáng ngày 16-10 chỉ là biện pháp tình thế. Sự việc sẽ được ban quản lý đề án báo cáo lên UBND TPHCM. Đồng thời, ban quản lý hai chợ, đặc biệt là chợ Bình Điền sẽ làm việc lại với các thương nhân, tiểu thương để việc thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc đạt kết quả như mong đợi.

Theo ông Hòa, đề án thành công ở kênh phân phối hiện đại là do các đơn vị này ý thức tầm quan trọng của thương hiệu, của vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Họ chủ động tìm nguồn hàng đảm bảo từ các công ty giết mổ, kinh doanh lớn, chẳng hạn như Vissan.

Còn ở kênh phân phối truyền thống có sự tham gia của nhiều chủ thể bao gồm trang trại chăn nuôi, thương lái, thương nhân ở chợ. Hiện nay, thương lái là đối tượng kinh doanh không thuộc quyền quản lý của cơ quan chức năng nào. Vì vậy, sắp tới, để được kinh doanh thương lái cũng phải có giấy phép kinh doanh. Vấn đề này đang được các cơ quan chức năng bàn thảo.

Cũng theo ông Hòa, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay của đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo là sự thiếu tham gia của các cơ sở giết mổ. Ở thời điểm trước khi lò mổ Xuyên Á chưa bị tạm đóng cửa, heo về hai chợ đầu mối chủ yếu được mổ tại các lò mổ có công suất lớn của TPHCM (công suất 6.000 con/ngày), còn lại (2.000 - 2.500 con từ lò mổ của các tỉnh). Còn hiện nay, đa số heo được mổ từ các cơ sở ở tỉnh. Hiện lò mổ Bình Tân (TPHCM) đang bổ sung mổ thêm 3.500 con/đêm và một số cơ sở giết mổ tại Hóc Môn bổ sung thêm 1.500 con/đêm.

Đại diện chợ đầu mối Bình Điền cho biết, mỗi đêm có khoảng 3.000 con heo nhập chợ, hầu hết là heo có nguồn gốc nhưng đó là truy xuất… bằng tay, bằng giấy của thú y chứ không truy xuất theo quy định của đề án. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu thông tin là do một số thương nhân, thương lái chưa tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin, một phần là sợ tốn thêm chi phí.

Nhiều người cho rằng, TPHCM nên có biện pháp từ gốc, tức là kiểm soát chất lượng cũng như truy xuất được thông tin từ người chăn nuôi, từ lò mổ ở tỉnh chứ không phải kiểm soát chất lượng ở ngay cửa chợ đầu mối.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Người lao động được nghỉ 22 ngày dịp lễ, tết trong...

0
(SGTT) - Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với các phương án nghỉ lễ, tết trong năm 2025 do Bộ Lao động -...

TPHCM không lo thiếu vé tàu, xe dịp Tết Nguyên đán...

0
(SGTT) - Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, số lượng hành khách đi lại dịp Tết 2025 sẽ tăng 20% so với năm...

Lâm Đồng khuyến cáo du khách cẩn trọng khi đặt phòng...

0
(SGTT) - Ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng lưu ý, khách du lịch không nên đặt phòng qua những tài khoản không rõ ràng...

Rực rỡ sắc màu Giáng sinh tại thủ đô nước Áo

0
(SGTT) - Từ cuối tháng 11, Vienna – thủ đô của Áo đã ngập tràn sắc màu Giáng sinh truyền thống, thu hút du...

Thanh ngọt nồi lẩu mực nhồi thịt trưa cuối tuần

0
(SGTT) - Khác với các loại lẩu mực thông thường, món lẩu mực hôm nay trở nên đặc biệt hơn nhờ mực nguyên con...

Những tấm lòng vàng trao gửi di sản vô giá cho...

0
Trong khuôn khổ Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11), trước điện Thái Hòa tại Đại Nội, nhiều cá nhân trong nước và...

Kết nối