Thái Hà-
Trò chơi điện tử đang lấn lướt trò chơi truyền thống trước thực trạng ngày càng có nhiều trẻ em dùng các thiết bị di động để giải trí. Ở một vài nơi trên thế giới, có công ty sản xuất đồ chơi phải nộp đơn xin phá sản trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn.
Ngày càng có nhiều trẻ em dùng các thiết bị di động để giải trí, thay vì trò chơi truyền thống.
Cắt giảm nhân sự
Để giữ được sự chú ý của các khách hàng nhỏ tuổi, Lego đã thêm vào các dòng sản phẩm mới với sự trợ giúp của các nhân vật truyện tranh, phim ảnh nổi tiếng như Batman, Darth Vader, Harry Potter. Nhưng điều đó dường như không đủ, công ty sản xuất đồ chơi có gốc từ Đan Mạch này vừa tuyên bố cắt giảm 1.400 việc làm vì cả doanh số và lợi nhuận của họ trong nửa đầu năm 2017 đều sụt giảm. Trong nửa đầu năm 2017, doanh thu của Lego là 2,39 tỉ đô la Mỹ so với 2,51 tỉ đô la nửa đầu năm 2016.
Việc cắt giảm người của Lego cho thấy ngành sản xuất đồ chơi đang cạnh tranh dữ dội. Lego không chỉ cạnh tranh với các đối thủ truyền thống như Mattel, Hasbro, mà còn với các hãng công nghệ như Sony và Microsoft sở hữu trò chơi điện tử Minecraft, hay những người khổng lồ khác trong ngành game như Nintendo, Activision Blizzard.
Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều trẻ em dùng các thiết bị di động để giải trí. Mới đây, hệ thống siêu thị chuyên bán đồ chơi Toys R Us vừa đệ đơn xin phá sản, vì cạnh tranh không lại với Walmart hay Amazon.
Tổng doanh thu thị trường đồ chơi trên toàn thế giới năm 2016 là khoảng 100 tỉ đô la Mỹ, theo Hiệp hội các nhà sản xuất đồ chơi Mỹ. Mỹ vẫn là nước tiêu thụ đồ chơi hàng đầu thế giới. Trung bình mỗi năm, các bậc cha mẹ chi 482 đô la mua đồ chơi cho một đứa trẻ tuổi từ 1 đến 9. Trong số các hãng sản xuất đồ chơi truyền thống, Lego đứng thứ hai thế giới với doanh thu năm 2016 là 5,4 tỉ đô la, xếp sau Mattel của Mỹ với 5,46 tỉ đô la và xếp trên Namco Bandai của Nhật Bản, Hasbro và Jakks Pacific của Mỹ.
Vấn đề các hãng này đang đối mặt hiện nay là tìm những nguồn thu mới để bù đắp vào sự suy giảm của các thị trường truyền thống. Hãng Mattel với các sản phẩm như búp bê Barbie và bộ sưu tập ô tô Hot Wheels mới đây đã thuê một nhân sự cao cấp từ Google về làm tổng giám đốc với hy vọng sẽ có những bước đột phá mới. Doanh số bán Barbie của Mattel liên tục giảm trong 5 năm gần đây.
Tại thị trường Trung Quốc, nơi có quá trình đô thị hóa nhanh, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn là cơ hội phát triển đối với Lego. Hiện tại, văn phòng của Lego ở Thượng Hải có 200 người làm việc, so với 80 người vào năm 2014. Người Trung Quốc rất cạnh tranh trong việc học hành, nên hướng chủ đạo của Lego là giới thiệu các loại đồ chơi mang tính giáo dục như Lego Boost ở thị trường này.
Doanh thu tăng ở các thị trường mới nổi như Trung Quốc cũng không đủ cân bằng sự sụt giảm ở các thị trường truyền thống như châu Âu. Trả lời phỏng vấn tờ The New York Time, ông Jorgen Vig Knudstorp, Chủ tịch Lego, nói rằng phải mất hai năm nữa công ty mới tăng trưởng trở lại, và việc cắt 1.400 việc làm, tương đương với 8% toàn bộ nhân sự của Lego là cần thiết.
Nhật Bản, thị trường tiêu thụ đồ chơi lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc, cũng liên tục suy giảm trong vài năm qua, nguyên nhân lớn nhất là dân số già, lứa tuổi 0-14 sụt giảm nghiêm trọng. Nếu như năm 1960, lứa 0-14 chiếm 30% dân số thì hiện nay chỉ chiếm 13% dân số. Các hãng đồ chơi Mattel, Bandai, Takaratomy đang làm ăn rất khó.
Tìm hướng đi mới
Các sản phẩm cổ điển của Lego như bộ xếp nhà Lego City, bộ xếp máy móc, kỹ thuật, xây dựng Lego Duplo, Lego Technic gần đây bị các công ty làm đồ chơi về xây dựng khác như Mega Brands từ Canada cạnh tranh mạnh. Để tìm nguồn thu mới, Lego đã nhảy sang ký hợp đồng nhượng quyền các nhân vật truyện tranh nổi tiếng và tiến vào cả lĩnh vực làm phim.
Năm 2014, Lego hợp tác với hãng Warner Bros. cho ra đời phim “The Lego Movie”. Với khoản tiền đầu tư khoảng 60 triệu đô la, bộ phim thu tiền bán vé được 469,2 triệu đô la. Phim tiếp theo “The Lego Batman Movie” thu được ít hơn, 311,8 triệu đô la. Phim thứ ba “The Lego Ninjago Movie” sẽ phát hành trong tháng này.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích thị trường phim, tham vọng của Lego trong ngành công nghiệp phim có thể kết thúc trong thất bại vì trẻ con sẽ mau chán với kiểu lấy nhân vật truyện tranh quen thuộc ra để trình bày nó dưới dạng là những mẩu lego.
Ngày 12-5-2017, tập phim mới về chiến tranh các vì sao “Star Wars: The Last Jedi” được khởi chiếu. Theo thông lệ, vào ngày 1-9 hàng năm trước khi ra công chiếu các bộ phim, các hãng đều đưa các sản phẩm ăn theo phim ảnh ra trình làng. Năm 2015, khi đưa tập phim “Star Wars: The Force Awakens”, hãng Disney đã thu được 700 triệu đô la từ các sản phẩm đồ chơi dựa trên các nhân vật Star Wars.
Nhưng ngày ra mắt 1-9-2017, các sản phẩm ăn theo tập phim “Star Wars: The Last Jedi” không được hào hứng lắm. Các sản phẩm hợp tác giữa Disney với Lego, Hasbro… bị cho là đặt giá bán cao, không gây nhiều ấn tượng.