Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Doanh nghiệp phát hành và chiếu phim kiệt quệ với Covid-19

Tình trạng rạp chiếu liên tục "đóng băng" từ năm 2020 đến nay do các đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 khiến các đơn vị phát hành và chiếu phim kiệt quệ. Một số doanh nghiệp bi quan khi cho rằng tình trạng này còn kéo dài sẽ dẫn đến phá sản.
Rạp chiếu phim luôn là một trong số các điểm dịch vụ phải tạm ngừng hoạt động nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh mỗi khi dịch bùng phát. Ảnh minh họa: Trần Linh

Từ đầu năm đến nay có hai mùa kinh doanh lớn đối với các cụm rạp chiếu phim đó là Tết Nguyên đán và mùa hè, nhưng cả hai mùa này đều rơi vào hai đợt bùng phát của dịch Covid-19 khiến các loại hình dịch vụ này phải tạm đóng cửa nhằm phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, khiến những nhà đầu tư điêu đứng vì thua lỗ.

Đơn cử trường hợp CGV - hệ thống cụm rạp quy mô lớn có mặt tại hơn 30 tỉnh thành, trong đó tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội, đã trải qua một mùa thất thu vào dịp Tết Nguyên đán 2021. Với thị trường TPHCM được xem là lớn nhất và chiếm khoảng 40% tổng số cụm rạp của doanh nghiệp Hàn Quốc này ở Việt Nam, CGV đã có một mùa kinh doanh ảm đạm từ những ngày giáp Tết Nguyên đán, khi TPHCM ghi nhận những ca bệnh Covid-19 và sau đó áp dụng các biện pháp tạm ngừng hoạt động các cơ sở massage, xông hơi, rạp chiếu phim, sân khấu ca nhạc, sân khấu kịch, kinh doanh trò chơi điện tử...

Mùa hè đến, đợt bùng phát thứ 4 của dịch Covid-19 và dịch bệnh lan rộng tại nhiều tỉnh thành cũng khiến CGV phải tạm ngừng việc kinh doanh tại nhiều thành phố lớn trên cả nước. Chỉ còn 4 trong số hơn 80 cụm rạp trên cả nước còn sáng đèn, tại những địa phương không phải là điểm nóng về phòng chống dịch.

Tình trạng của CGV cũng là câu chuyện phổ biến tại các doanh nghiệp phát hành và chiếu phim khác ở Việt Nam, khi dịch Covid-19 trong hơn một năm rưỡi qua đã ngày càng vắt kiệt nguồn lực của doanh nghiệp, đẩy họ đến nguy cơ phá sản.

Gần đây, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chiếu phim và phát hành phim đã gửi văn bản kiến nghị lên Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du Lịch, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đề nghị được hỗ trợ để vượt qua cơn khủng hoảng chưa từng có.

Ký tên trong văn bản ngoài đại diện 2 doanh nghiệp chiếu phim và phát hành phim lớn của Việt Nam là Thiên Ngân (Galaxy) và BHD Việt Nam, còn có 2 "ông lớn" nước ngoài vốn được coi là có tiềm lực kinh tế mạnh từ các tập đoàn mẹ ở Hàn Quốc là CGV và Lotte Cinema.

Văn bản dẫn ra các con số cho thấy mức tăng trưởng nhanh chóng của ngành công nghiệp chiếu, phát hành phim và cả làm phim của Việt Nam trong 10 năm từ 2010 đến 2020. Cụ thể, trong 10 năm, từ 2010-2019, số lượng rạp chiếu phim hiện đại tăng từ 90 lên 1.096 phòng chiếu (tăng 1.104%), số lượng lượt người xem tăng từ 7 triệu lên 57 triệu (tăng 714%), doanh thu tăng từ 540 tỉ đồng lên 4.147 tỉ đồng (tăng 668%), số lượng phim Việt Nam tăng từ 14 lên 45 phim/năm.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 1-2020, các doanh nghiệp lĩnh vực điện ảnh gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Lần đầu tiên sau nhiều năm, mùa phim tết vốn là thời điểm ăn khách nhất trong năm với phim Việt đã không thể diễn ra.

Mùa phim hè hiện cũng đang "đóng băng". “Doanh thu từ hoạt động chiếu phim và phát hành phim của các doanh nghiệp điện ảnh gần như bằng 0, trong khi các doanh nghiệp vẫn phải gồng gánh các chi phí như tiền thuê mặt bằng, lương, phúc lợi cho nhân viên nhằm góp phần duy trì an sinh xã hội nói chung và ổn định cuộc sống người lao động nói riêng”, văn bản chỉ rõ.

Các đề xuất được 4 nhà phát hành nêu trên đưa ra, nhấn mạnh đến việc hỗ trợ duy trì công việc cho hơn 10.000 lao động trong ngành, mong muốn khi rạp hoạt động trở lại, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp điện ảnh thông qua các chương trình quảng bá phim ảnh đến công chúng.

Việc giải quyết về khủng hoảng thanh toán được quan tâm hơn cả, bao gồm ban hành chính sách hỗ trợ nhằm tái cấu trúc nợ vay, giảm hoặc miễn lãi vay, hoặc cấp gói tín dụng ưu đãi mới; cấp tài trợ, gia hạn thời gian nộp các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp và phí công đoàn cho các doanh nghiệp ngành điện ảnh đến hết ngày 31-12-2021.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị giảm 50% thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp điện ảnh thu được và hoãn việc nộp thuế giá trị gia tăng phải nộp đến ngày 31-12-2021; miễn hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động của các doanh nghiệp điện ảnh; giảm 50% giá các dịch vụ tiện ích như điện, nước; có chính sách vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, qua đó tạo điều kiện để các đơn vị cho thuê mặt bằng miễn giảm tiền thuê, phí dịch vụ cho các đơn vị rạp chiếu phim trong thời gian phải đóng cửa vì dịch bệnh và ít nhất 6 tháng kể từ khi rạp hoạt động trở lại.

Đáng chú ý, 4 đơn vị nêu trên đề xuất được ghi nhận hoạt động chiếu phim phục vụ giải trí cũng là hoạt động thiết yếu trong thời điểm này, đặc biệt, hoạt động này càng trở nên cần thiết trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí, giải tỏa căng thẳng tâm lý. Từ đó, các đơn vị mong muốn Chính phủ sớm cho phép rạp chiếu hoạt động trở lại với điều kiện đảm bảo nguyên tắc 5K trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Ngành điện ảnh vốn đã sớm bị ảnh hưởng từ làn sóng Covid-19 đầu tiên, tuy nhiên các doanh nghiệp đã nỗ lực sống sót qua hơn một năm, đến đợt bùng phát dịch thứ 4 này, theo một số doanh nghiệp, họ gần như kiệt quệ. Trong hoàn cảnh hiện tại, nếu không có những công cụ hỗ trợ kịp thời thì doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ đều có thể đối diện với nguy cơ phá sản.

Để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân gặp khó khăn trong các vùng dịch tại TPHCM cũng như các tỉnh thành khác trên cả nước, các tổ chức, cá nhân có thể đồng hành cùng Chương trình “Saigon Times – Nối vòng tay lớn” với chủ đề “Đồng hành chống dịch” do Kinh tế Sài Gòn phát động. Chi tiết vui lòng xem tại đây.

Lê Hoàng

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ra rạp dịp lễ “giờ vàng” tha hồ chọn phim nội...

0
(SGTT) – Năm nay, phòng vé chứng kiến sự xuất hiện nhiều tựa phim nội và phim ngoại với các chủ đề “ăn khách”...

Kỹ xảo điện ảnh với phim trong nước bị ‘chê’, vì...

0
(SGTT) - Kỹ xảo điện ảnh có mặt ở Việt Nam từ khoảng hai thập niên qua, nhưng chỉ được biết đến là làm...

Phim Việt nỗ lực ‘dò tìm’ thị trường quốc tế phù...

0
(SGTT) - Năm 2023, phim Việt đã xuất hiện ở các phòng vé nhiều quốc gia, đây không chỉ là dư địa kế tiếp...

Nhà làm phim ‘chạy nước rút’, phim kinh dị tạo cú...

0
(SGTT) - Tổng doanh thu của ngành công nghiệp phim ảnh Việt Nam đã vượt qua con số 1.100 tỉ, phòng vé năm nay...

Phòng vé năm 2023 ‘lập đỉnh’ doanh thu, nhưng vẫn còn...

0
(SGTT) - Trong năm 2023, phòng vé liên tiếp xuất hiện các dự án đạt trăm tỉ, tuy số lượng phim Việt ra rạp...

Ra quốc tế, phim Việt bước vào đường dài ‘xuất khẩu’...

0
Có nhiều con đường để đưa phim Việt khai thác thị trường nước ngoài. Tuy vậy, để quảng bá nghệ thuật phim ảnh đến...

Kết nối