Chiều 9-10 vừa qua, khi Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố Nobel văn học năm nay rơi vào tay nhà văn Pháp Patrick Modiano, nhiều nhà phê bình văn học tại Mỹ ngỡ ngàng “không biết tay này là ai”. Trong khi đó, độc giả văn học Việt Nam thì đã biết đến “Marcel Proust thời đại chúng ta” từ nhiều năm trước...
Đã có bốn tiểu thuyết của nhà văn này được dịch ra tiếng Việt trong vòng 25 năm qua…
Không chỉ là người chuyển ngữ
Những năm đầu 1980, dịch giả Dương Tường được một người bạn tặng bản tiếng Pháp cuốn tiểu thuyết Les boulevards de ceinture của Patrick Modiano. Sau khi đọc xong, ông nghĩ phải dịch sang tiếng Việt để giới thiệu với độc giả trong nước một phong cách văn chương độc đáo. Vậy là ông lao vào dịch. Năm 1989, Les boulevards de ceinture xuất hiện bản tiếng Việt, với tựa Những đại lộ ngoại vi (NXB Tác phẩm mới)
Tuy sách không được đón nhận hồ hởi cho lắm, song, là một dịch giả xác tín với giá trị mà mình theo đuổi, Dương Tường tiếp tục tìm dịch một cuốn khác của Patrick Modiano: Rue des boutiques obscures sau khi cuốn sách này nhận giải thưởng Goncourt. Cuốn tiểu thuyết được xem là quan trọng nhất của Patrick Modiano xuất hiện phiên bản tiếng Việt có tựa Phố những cửa hiệu u tối (NXB Hội nhà văn, 2003) với chương trình hợp tác xuất bản Nguyễn Văn Vĩnh và sự hỗ trợ của Trung tâm Văn hóa và Hợp tác Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.
Trong quãng giữa hai bản dịch đó, cũng đã có một dịch giả khác, là Vũ Đình Phòng chuyển ngữ tiểu thuyết La Place de l’étoile (tựa tiếng Việt: Quảng trường ngôi sao, NXB Văn học, 2000). Và gần đây nhất, dịch giả Trần Bạch Lan đã dịch cuốn Dans le café de la jeunesse perdue của tác giả này sang tiếng Việt với tựa Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối (Nhã Nam & NXB Văn học, 3-2014)
Như vậy, với bốn cuốn tiểu thuyết được chọn dịch sang tiếng Việt, Patrick Modiano có thể nói là không mấy xa lạ với bạn đọc Việt Nam, nhờ công của các dịch giả giỏi, nhạy cảm với thời cuộc văn chương bên ngoài.
Việc các tác phẩm có giá trị được chọn dịch trước khi chủ nhân của chúng được vinh danh tại giải Nobel văn học cho thấy một điều: với những dịch giả lớn, phía sau vai trò dịch thuật là vị trí của một nhà phê bình trong việc thẩm định và tiến cử những giá trị văn học cho độc giả ở đất nước, cộng đồng ngôn ngữ của mình.
Không chỉ với Patrick Modiano
Trước nền văn học thế giới nói chung, thì nền dịch thuật tại Việt Nam còn khiêm tốn, manh mún và khá chìm khuất. Nhu cầu thị trường sách văn học dịch và sự giới hạn của công nghệ xuất bản cũng không đủ lớn mạnh để có thể tạo ra những cú hích cho đời sống dịch thuật phát triển. Nhưng điều thú vị là, hãy ngoái lại những giải văn học uy tín như Nobel, Goncourt hay Man Booker văn học trong vài năm gần đây, dễ dàng nhận thấy sự đóng góp của các dịch giả rất lớn trong việc dịch và giới thiệu đến người đọc trong nước rất nhiều tác phẩm xuất sắc trước khi tác giả của chúng được vinh danh hoặc cập nhật rất nhanh những tác phẩm đoạt giải đến tay người đọc. Chính điều này, cách nào đó làm cho đời sống xuất bản trong nước có sự kết nối với sinh khí xuất bản thế giới.
Chỉ tính riêng trường hợp giải Nobel văn học, nhờ “con mắt tinh đời” của những dịch giả mà người đọc Việt Nam những năm gần đây không phải ngỡ ngàng trước những tên tuổi như J.M. Coetzee, Jean-Maria Gustave Le Clézio, Mạc Ngôn hay Alice Munro… khi họ được xướng danh tại giải Nobel văn học.
Có người sẽ cho rằng, đó là một sự “ăn may”. Dĩ nhiên, cũng có yếu tố may mắn. Song điều quan trọng để một dịch giả có thể “luận anh hùng” ngay trước khi được thế giới tôn vinh, đòi hỏi một năng lực đặc biệt trong nắm bắt và đánh giá thông tin, khả năng thẩm định trực tiếp tác phẩm. Nó còn là sự hào hứng chia sẻ với người đọc những khám phá mới thông qua những dịch phẩm tốt.
Gần đây, công lao đó một phần được san sẻ cho những nhà kinh doanh sách, là các công ty sách tư nhân, nhà xuất bản đầy năng động. Với sự nhạy cảm và hiểu biết, họ đón bắt chuyển động trong dòng chảy xuất bản thế giới để chọn lọc những sản phẩm, thuyết phục công chúng bằng hệ giá trị riêng trước khi chúng được công nhận trên toàn cầu.
Nguyễn Huệ Nghi