(SGTT) - Bên cạnh yếu tố tập luyện thường xuyên để duy trì thể lực, vận động viên tham dự phải chuẩn bị những vật dụng và kỹ năng đi rừng. Trong khi đó, đối với nhà tổ chức giải cần đề cao tinh thần trách nhiệm và thể hiện tính chuyên nghiệp.
- Dalat Ultra Trail 2020 chính thức bị hủy do thời tiết xấu, 1 VĐV tử vong
- Hơn 1.600 vận động viên thi chạy marathon băng rừng giải LAAN Ultra Trail 2019
- Những vụ tai nạn đáng tiếc từ leo núi, chạy bộ địa hình
Nhà tổ chức phải chuyên nghiệp
Ông Võ Đức Trung, Giám đốc Phat Tire Ventures, một trong những đơn vị thực hiện các chương trình thể thao mạo hiểm cho biết, từ lâu các giải ultra trail (chạy bộ kết hợp leo địa hình) luôn hấp dẫn nhiều nhóm tham gia bởi nhiều lý do như tinh thần thể thao, yêu thiên nhiên, thích chinh phục bản thân, ham vui và thậm chí cả hiệu ứng đám đông...
“Dù bất cứ lý do gì thì cũng đáng ghi nhận bởi tạo môi trường thể thao lành mạnh cho giới trẻ”, ông Trung khẳng định. Vấn đề là nhà tổ chức phải chuyên nghiệp và có tinh thần trách nhiệm cao nếu không muốn xảy ra sự cố.
Theo đó, đối với đơn vị tổ chức, việc quan trọng đầu tiên là khảo sát tuyến và lập bảng đánh giá rủi ro về thời tiết biến động, những điểm có địa hình hiểm trở, sông suối và mật độ dòng chảy… cho toàn lộ trình. Từ đó, sẽ có được những đánh giá đúng về mức độ rủi ro và đề ra các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho vận động viên tham gia.
Theo ông Trung, thường các nhà tổ chức giải sẽ nhờ một số cá nhân hoặc đơn vị tại địa phương hỗ trợ, phối hợp trong các công đoạn khảo sát tuyến, hậu cần, thu dọn sau khi giải kết thúc...
“Phần lớn các nhà tổ chức chỉ xem đơn vị phối hợp là người chỉ đường. Sau khi vạch tuyến rồi là xong. Việc cứu nạn cứu hộ thì khoán cho đơn vị chức năng. Khi xảy ra tai nạn, sự cố thì tìm mọi cách đổ lỗi cho khách quan”, ông Trung khẳng định. Tuy nhiên, với nhà tổ chức chuyên nghiệp sẽ phải tính tới giải pháp hỗ trợ trong trường hợp xảy ra sự cố như bố trí người túc trực tại một số vị trí trọng yếu; dây giăng qua những đoạn hiểm trở, qua suối... Việc phối hợp giữa nhà tổ chức giải và những cá nhân, đơn vị tại địa phương phải rất chặt chẽ và ở tầm chuyên nghiệp.
Ông Trung cũng cho rằng, việc xảy ra sự cố trong quá trình tổ chức một hoạt động thể thao đông người trong địa hình rừng núi hiểm trở là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, có thể hạn chế tối đa hậu quả nếu nhà tổ chức có tính chuyên nghiệp cao, tuân thủ nghiêm túc toàn quy trình của loại hình này; đồng thời phối hợp toàn diện với những đơn vị hoặc cá nhân tại địa phương am tường địa hình và có nhiều kinh nghiệm với nhiều tình huống xảy ra.
Điều này ai cũng đồng tình nhưng trong thực tế có tôn trọng đúng mức hay không mới đáng nói. Bởi theo chia sẻ của ông Trung, thói quen làm việc qua loa, thiếu sâu sát và công việc phối hợp giữa các bên còn xuất hiện nhiều kẽ hở... hình như đã trở thành phổ biến. Vì thế, cần khắc phục những nhược điểm này nếu muốn tổ chức những giải thể thao dã ngoại, thể thao địa hình thành công và an toàn.
Người chạy cũng phải có kỹ năng
Trong khi đó, vận động viên Lê Văn Đồng (45 tuổi), người đã từng tham gia giải Dalat Ultra Trail 2020 cho rằng, kỹ năng và sức khỏe là yếu tố tiên quyết khi tham gia giải chạy. Theo anh Đồng, ultra trail không phải là giải chạy marathon đường phố thông thường.
“Chạy ultra trail đa phần vận động viên phải chạy một mình trong phần lớn hành trình. Chính vì thế, vận động viên tham gia phải có sự chuẩn bị kỹ càng không chỉ về thể lực mà cả những kỹ năng”, anh Đồng chia sẻ. Kỹ năng đó có thể từ chia sẻ kinh nghiệm của những người đã từng tham gia ở các mùa giải trước.
Cũng theo anh Đồng, hiện nay dù không chiếm đa số nhưng có nhiều người tham gia giải chạy ultra trail chỉ vì muốn thách thức bản thân, mang tâm lý “tự sướng” để check-in nên thường không chú trọng đến kỹ năng đi rừng, kỹ năng xử lý tình huống trong rừng một mình…
Chính vì thế, theo khuyến nghị của vận động viên này, những người mới tham gia giải chạy này lần đầu, cần liên hệ với đơn vị tổ chức để tìm hiểu thông tin. “Việc tìm hiểu đầy đủ thông tin bao gồm lộ trình thi đấu, những chuẩn bị để đảm bảo an toàn và cả những yêu cầu cần thiết trên đường chạy... sẽ giúp vận động viên có cái nhìn toàn diện”, anh Đồng khẳng định. Từ đó, xây dựng một kế hoạch phù hợp, đảm bảo an toàn cho hành trình của bản thân.
Đối với vận động viên tham gia giải ultra trail, bên cạnh việc luyện tập thường xuyên để duy trì sức khỏe và thể lực, anh Đồng cho rằng cần phải hiểu thêm về kỹ năng đi rừng. Cụ thể, người tham gia giải chạy phải biết kỹ năng đi đồi dốc, rừng núi…, học được những quy luật cơ bản của thiên nhiên như cách tránh bụi rậm, cách đi qua con suối sao cho an toàn để tránh bị nước cuốn…
Đường chạy trong ultra trail sẽ được làm dấu bằng những ký hiệu, ký tự khác nhau, tùy theo quy định của mỗi nhà tổ chức. Trước khi giải chạy diễn ra, nhà tổ chức sẽ phổ biến những điều này cho vận động viên. Vì thế, vận động viên phải có thói quen quan sát hành trình đường đi để tránh việc đi sai lộ trình hoặc lệch lộ trình quy định.
Vận động viên đã từng tham gia giải Tour de France năm 2019 cũng cho rằng, trước khi quyết định tham gia giải thể thao mạo hiểm hay ultra trail… người tham dự cần kiểm tra sức khỏe để đảm bảo không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như tiền sử bệnh tim, huyết áp… Ngoài ra, người tham gia giải chạy sẽ phải trang bị “túi cứu hộ” gồm các vật dụng như còi (tu huýt), áo phản quang, túi sơ cứu… Đây là những vật dụng làm bạn đồng hành suốt hành trình của vận động viên.
Vụ 21 vận động viên tử nạn do thời tiết trên đường đua ultra trail là một trong những thảm họa kinh hoàng của nền thể thao Trung Quốc. Theo báo chí Trung Quốc, điều kiện thi đấu của cuộc đua trở thành đề tài bàn tán nhiều nhất sau thảm họa. Theo báo cáo, cơn bão ập đến khu vực núi có các vận động viên đang đua vào lúc 1 giờ chiều 22-5-2021. Đoạn đường từ km 20-36 được cho là rất khó khăn và bị ảnh hưởng nặng nề của thời tiết xấu.