Thứ bảy, Tháng mười một 16, 2024

Artemia, kế sinh nhai của người dân “vùng nước mặn”

(SGTT) - Với đôi chân trần đạp lên cái nắng gắt gao, người dân Vĩnh Châu, Sóc Trăng phải lội bùn lội đất, túc trực từ đêm khuya cho đến khi mặt trời đã lên đỉnh để canh giờ vớt trứng bào xác artemia - loại ấu trùng được đánh giá cao về hàm lượng đạm và đem lại nguồn lợi kinh tế đáng kể.
Đôi chân trần không ngại bùn đất của người dân nuôi trồng artemia. Ảnh: Trúc Nhã

Nét đẹp lao động tần tảo và chịu khó

Artemia, loại sinh vật ngoại nhập nay đã trở thành giống bản địa tại Việt Nam, có vai trò là thức ăn trong nuôi trồng thủy sản. Cụ thể, artemia được sử dụng cho những đối tượng ương nuôi thủy sản như tôm, cua, cá cảnh, cá chẽm… Không những mang lại giá trị dinh dưỡng cao, trứng Artemia còn “có thể chuyển thành trạng thái bào xác (trứng nghỉ) - các trứng chứa phôi có thể ngủ đông, chỉ thức dậy khi gặp điều kiện thuận lợi”, GS. Patrick Sorgeloos, người sáng lập và cựu giám đốc Trung tâm khảo nghiệm Artemia, Đại học Ghent, Bỉ giải thích trong một bài viết về artemia trên tạp chí Aquaculture Asia Pacific vào năm 2019.

Sản xuất artemia ở Việt Nam là cần thiết vì nếu thiếu hụt hoặc không sử dụng artemia trong các trang trại giống thủy sản sẽ cho kết quả sản xuất giống thấp. Artemia là loài ăn lọc không chọn lựa, thức ăn thông thường là các loại phân sinh học như phân heo, phân gà và các loại thức ăn công nghiệp. Dù có thể tồn tại ở môi trường có độ mặn cao nhưng việc nuôi trồng artemia thực tế không dễ dàng và vẫn gặp nhiều rủi ro.

Mùa vụ artemia thường bắt đầu từ khoảng tháng giêng đến tháng năm, vì giai đoạn đó điều kiện thời tiết thuận lợi và phù hợp để thả giống.Trước khi thả giống, người dân phải làm bừa ao cho đến khi nước đủ mặn. Hình ảnh người lao động bừa ao đậm nét dân dã và khỏe khoắn, bác nông dân đi ngang qua nở nụ cười tươi rồi hô to: “Trâu nước đó cháu!”. Nét đẹp trên đồng ruộng giữa cái oi ả khiến cho công việc nặng nhọc dường như trở nên nhẹ nhàng hơn, đồng thời thể hiện sự mộc mạc, thân thương của người miền Tây nói chung và người dân Sóc Trăng nói riêng.

Nụ cười vẫn nở trên môi “chàng trâu nước” với thái độ lao động cần cù. Ảnh: Cát Tường
Nét đẹp lao động dân dã trên nền máy móc hiện đại. Ảnh: Trúc Nhã

Dù nắng nóng nhưng cái cực người dân ở đây vẫn có một thái độ lạc quan và sự hy vọng vào mùa vụ. Hộ gia đình bà Trần Thị Múa (70 tuổi) ngụ tại Biển Trên, Vĩnh Phước, Vĩnh Châu với hơn 30 năm nuôi trồng artemia, bà phấn khởi: “Hồi mấy năm trước thấy trứng ham lắm, có ngày vớt được mười ký trứng, mà nhờ trứng tui mới có tiền cưới vợ cho con trai”. Bà chia sẻ thêm: “Ban đêm nổi trứng sợ ăn trộm họ thấy họ vớt mình vớt không có trứng, hồi xưa một ký artemia mua được một chỉ vàng, có giá lắm. Có nhiều khi thức dậy không có gì hết trơn, có lúc mình ngủ quên mất tiu rồi người ta lại vớt hết”.

Con chó, “người bạn trung thành” luôn đồng hành cùng người dân trong quá trình nuôi trồng artemia. Ảnh: Trúc Nhã

Để thu được từng ký trứng artemia, bà con Vĩnh Châu, Sóc Trăng đã phải lao động vô cùng vất vả. “Mỗi đêm hai mẹ con thay phiên nhau, hễ có trứng nổi lên là vớt tới tầm tám chín giờ đêm, có khi nhiều trứng thì tui ở làm tới mười một, mười hai giờ đêm rồi tới lượt con trai tui ra canh chừng hết đêm. Trứng nó như hạt cát mịn vậy, cái trứng thì nó “thúi” mà nó là vàng không đó!”, bà Múa chất phác kể.

Trứng artemia của Vĩnh Châu được biết là có chất lượng cao nhất trên thế giới, với vai trò và giá trị mà trứng artemia mang lại, ngoài cung cấp cho các cơ sở sản xuất giống thủy sản lớn trong nước, đây còn là một mặt hàng xuất khẩu ra thị trường các quốc gia Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Nga. Giá trứng artemia chừng 1,2 triệu đồng/kg trứng tươi.

Từ tháng 1 đến tháng 3 là thời gian cao điểm artemia cho trứng, ngoài thu trứng người dân còn thu sinh khối hay còn gọi là bán con, giá 10.000-15.000 đồng/kg. Đôi khi việc cung cấp artemia của Vĩnh Châu cho các cơ sở sản xuất giống lệ thuộc vào giá con giống. Khi con giống thủy sản xuống giá, có nhiều cơ sở họ quyết định thu mua artemia của nước khác với giá thành rẻ hơn để cho con giống thủy sản ăn nhưng chất lượng thì vẫn được đảm bảo. Chỉ có một số cơ sở sản xuất giống thủy sản muốn nâng cao và bảo vệ uy tín thì họ vẫn luôn lựa chọn artemia Vĩnh Châu bởi họ coi trọng yếu tố chất lượng hàng đầu.

Cận cảnh artemia sinh khối với giá bán từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Ảnh: Trúc Nhã

Nắng nóng, dịch Covid-19, artemia giảm giá mạnh

Dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế nói chung, trong đó bà con Vĩnh Châu, Sóc Trăng gặp một phen “lao đao” vì đại dịch làm tắt đầu ra, khiến giá artemia giảm mạnh. Bên cạnh đó, artemia Vĩnh Châu lại phải cạnh tranh với những sản phẩm nhập khẩu giá rẻ dẫn đến thị trường tiêu thụ ứ đọng và gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, do thời tiết nắng nóng, sản lượng trứng artemia trung bình từ vài trăm ký giờ đây chỉ thu hoạch được vài chục ký. Theo Trạm Khuyến nông thị xã Vĩnh Châu, năm nay toàn thị xã thả nuôi 670 ha, diện tích thiệt hại tính đến nay là hơn 240 ha.

Những năm được mùa tại thời điểm này trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu thu về hàng chục tấn trứng, tuy nhiên năm nay do dịch Covid-19 và khó khăn về điều kiện thời tiết nên sản lượng chỉ đạt được khoảng 5 tấn. Hộ gia đình ông Hào cho biết: “Vào thời điểm này vài năm trước, nhà tui thu được gần 200 kg trứng, năm nay chỉ mới thu được 40-50 kg trứng, giá giảm 1,2 triệu đồng xuống còn 850.000 đồng/kg, cũng chật vật lắm!”.

Hết trứng, người dân bắt đầu kéo con để bán sinh khối. Ảnh: Trúc Nhã

Ông Lý Chí Hiếu, Trưởng Trạm Khuyến nông thị xã Vĩnh Châu chia sẻ về lý do thiệt hại: “Từ những ngày giáp Tết đến nay, nhiệt độ của vùng nuôi artemia giảm thấp, nhiều đêm nhiệt độ giảm còn 20-22 độ C, vượt ngưỡng chịu đựng của Artemia nên đã dẫn đến thiệt hại, năm nay tình hình bà con thả giống mật độ cao hơn quy chuẩn được khuyến cáo, về đêm trời đứng gió, artemia thiếu oxy dẫn đến hao hụt. Bên cạnh đó, bà con lạm dụng phân gà quá nhiều trong ao nuôi, artemia ăn không hết, đồng thời nhiệt độ thấp khiến phân sinh học khó phân hủy tạo thành khí độc trong ao dẫn đến thiệt hại”.

Thời tiết trái mùa là một trong những nỗi canh cánh của người nuôi trồng artemia. Artemia chết, trứng hư, giá giảm – những rủi ro và thách thức vẫn trực chờ. Nhiều hộ gắn bó với nghề nuôi artemia hàng chục năm vẫn quyết định không thả nuôi trong năm nay vì đứng trước tình thế khó khăn như trên, sự thua lỗ là điều khó tránh khỏi.

“Năm nay trứng ít lắm, mới vừa có ít trứng vớt là nó chết hết, mấy tháng gần đây nắng nóng, làm trứng hạn chế lại, không được nhiều như thời tiết tháng một tháng hai”, ông Hào lắc đầu.

Tuy nhiên, với chất lượng được đánh giá là cao nhất trên thế giới, artemia Vĩnh Châu vẫn là một mặt hàng có triển vọng thương mại, đặc biệt là xuất khẩu. Được biết, ngoài nuôi trồng artemia, trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu còn thu nuôi các loại thủy sản khác có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, cá... Theo lời kể của bà Múa, nuôi artemia vẫn là lựa chọn đáng ưu tiên vì ít rủi ro và ít vốn hơn so với các loại thủy sản khác.

Trúc Nhã

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Xuất khẩu thủy sản tăng tốc, dự báo vượt kế hoạch...

0
(SGTT) - Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 10 vừa qua, xuất khẩu thủy sản của nước...

Xuất siêu mặt hàng nông lâm thủy sản tăng hơn 62%

0
(SGTT) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính chung 10 tháng qua, giá trị xuất siêu mặt hàng nông lâm...

Nông dân Mỹ có thể phải bỏ 1/3 diện tích lúa...

0
Hạn hán nghiêm trọng trong nhiều năm khiến các nông dân ở vựa lúa mì của Mỹ chứng kiến vụ thu hoạch tồi tệ...

Nhiều địa phương thả hàng triệu con giống cá, tôm để...

0
Những ngày qua, ngành nông nghiệp của nhiều địa phương như Trà Vinh, Bạc Liêu, Đồng Nai… đã thả hàng triệu con giống tôm, cá...

Giao địa phương trực tiếp quản lý mã số vùng trồng

0
Theo văn bản vừa ban hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý mã số vùng trồng phục vụ...

Bình Phước: Khuyến cáo không chặt cao su, điều, cà phê...

0
Trước tình trạng người dân đổ xô chặt phá nhiều loại cây truyền thống như cao su, điều, tiêu, cà phê để trồng sầu...

Kết nối