(SGTT) - Các bậc cao niên ở các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số ven sông Đăk Bla, Pô Kô và Sê San đều tiếc nhớ những hùng vĩ một thời của những dòng sông, nơi trên đó những con thuyền độc mộc như minh chứng huy hoàng của thời gian băng qua những dòng thác dữ thuở nào.

Những chiếc thuyền độc mộc nằm bên sông đã in dấu thời gian.

Độc mộc miền di chỉ

Làng Lung Leng, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, Kon Tum như một “ốc đảo” nhỏ được lòng hồ thủy điện Plei Krông bao quanh. Ở đây, ngoài trồng sắn mỳ, trồng cây công nghiệp, sáng nào đàn ông trong làng cũng chèo thuyền độc mộc đi đánh bắt cá. Và ít ai biết rằng Làng Lung Leng còn là một di chỉ khảo cổ của cung cấp hệ thống di tích và hiện vật phong phú của một xã hội Tây Nguyên thời tiền sử.

Thuyền độc mộc trên sông.

Già A Hyơh người Ja Rai (ở làng Lung Leng) mấy mươi năm qua chứng kiến không ít lần những chiếc thuyền độc mộc được làm ra. Nghề đẽo thuyền độc mộc của Lung Leng có một thời cực thịnh.

Ngày trước, thuyền độc mộc là phương tiện chính giúp người dân bên dòng Sesan này đi được xa hơn và nhất là mỗi buổi chiều đi rẫy về, trên những khoang thuyền luôn đầy ắp sản vật mà thiên nhiên ban tặng. Với những người làng xưa kia, thuyền độc mộc là một phần tài sản như con trâu, chiếc ghè, bộ chiêng vậy.

Già A Hyơh mơ màng nhớ về những ngày huy hoàng xưa cũ. Già không biết mình đã bao nhiêu tuổi, chỉ nhớ mang máng chiếc thuyền độc mộc cuối cùng mà ông làm gần đây nhất cũng đã hai, ba năm. “Hôm đó có người làng bên qua nhờ mình làm chiếc thuyền độc mộc để xuôi dòng Pô Kô đánh con cá” - già A Hyơh nói. Qua bao mùa rẫy, đôi chân của già A Hyơh đã chậm, cái lưng đã bắt đầu mỏi nhưng người nghệ nhân già vẫn miệt mài cùng con trai vác rìu lên rừng rong ruổi cả tuần theo tiếng chim pơlang đi tìm cây gỗ, rồi mất mấy ngày hì hục đẽo đục, chiếc thuyền mới thơm mùi gỗ sao được làm lễ cúng Yàng và đưa xuống sông.

“Thuyền độc mộc không phải của riêng người Ja Rai mà hầu hết người dân tộc sống bên các dòng sông đều có. Tuy nhiên không phải ai cũng biết đẽo một chiếc thuyền thật đẹp”, già A Hyơh thủ thỉ.

Già kể chi tiết các bước để làm ra chiếc thuyền độc mộc khá công phu, từ việc chọn cây, tính kích thước, làm mũi, đuôi thuyền, khoét lòng, làm thân, làm đáy thuyền, làm cho thuyền đẹp, cân chỉnh thuyền, làm mái chèo thuyền. Cây pô ma và bằng lăng là 2 loại cây làm thuyền bền nhất. Khi làm bằng cây này, gỗ sẽ không bị nứt, gỗ nhẹ, nổi trên mặt nước mà không bị chìm. Chính vì chất lượng nên 1 chiếc thuyền độc mộc có tuổi thọ 5-10 năm, có chiếc “thọ” đến 20-30 năm.

Cây gỗ dùng để đẽo thuyền độc mộc phải đáp ứng các điều kiện như thân to với đường kính 0,6 -1m, có chiều cao 7-10m. Gỗ phải mềm dễ đẽo khi tươi và khi gỗ khô thì nhẹ, không cong vênh lúc phơi nắng cũng như lúc ngâm dưới nước. Nếu cây gỗ có vị trí gần khu dân cư, gần với sông hồ thì sẽ thuân lợi hơn cho quá trình vận chuyển, thử nghiệm khi làm xong thuyền.

Một trong những điều lưu ý là khi chọn cây gỗ đẽo thuyền là cây không bị bọng, không có nhiều mắt gỗ, nu gỗ. Những cây gỗ bị bọng thường dễ bị nứt khi thuyền sử dụng về sau này. Cây có nhiều mắt, nu rất khó đẽo. Dụng cụ để làm ra chiếc thuyền độc mộc trước đây chỉ có rìu, rựa và rìu ngang để làm. Phần đáy thuyền thường được bà con đẽo bằng, láng mặt, có độ dày 5cm trở lên. Đáy thuyền nhỏ, bằng sẽ tạo sự cân đối cho thuyền khi vận chuyển, giúp người chèo thuận lợi khi sử dụng.

Già A Hyơh bảo rằng rừng núi muôn vật đều có Yàng (thần linh). Rừng là nơi Yàng núi ngự trị, Yàng cây sinh sống, Yàng sông sinh ra, bởi thế để có gỗ đẽo thuyền độc mộc phải sắm lễ vật cúng Yàng. Một chiếc thuyền độc mộc làm ra cũng phải qua nhiều nghi lễ khác nhau như lễ cúng xin chặt cây, lễ cúng đưa cây về làng, cúng hạ thuyền... Theo già Pênh, nếu chặt cây không được sự đồng ý của Yàng sẽ gặp bất trắc, chiếc thuyền đang đẽo đục bỗng nhiên nứt toác, đổ vỡ hoặc khi sử dụng sẽ nhanh chóng hư hỏng.

Sau khi đẽo xong chiếc thuyền độc mộc, bước quan trọng là thử nghiệm thuyền trên sông nước để đảm bảo thuyền cân bằng, lướt sóng, vận chuyển dễ, an toàn; các nghệ nhân phải mang thuyền ra khu vực sông hồ để đánh giá, cân chỉnh. Sau khi đẽo xong, chiếc thuyền được lật úp và dùng sức nóng của lửa làm mịn máng thuyền. Thớ gỗ đẽo ra từ thân cây phải được dùng để nấu nồi cơm tỏ lòng thành với Yàng. Giữa sắc trời xanh ngắt của đại ngàn, trong tiếng réo sôi của miên man ghềnh thác, con thuyền vẫn lướt đi nhẹ nhàng như một cánh hoa ai thả trên sông.

Huyền thoại trên dòng trôi

Nhiều người dân ở Lung Leng vẫn còn giữ thuyền độc mộc của gia đình mình.

Ở xã Sa Bình này chỉ có thôn Lung Leng là còn có thuyền độc mộc. Thanh niên trong làng ai cũng biết đẽo thuyền, nhưng phần chỉnh thăng bằng và mũi, đuôi thuyền chỉ có vài người biết đến, trong đó tài nghệ nhất là già A Hyơh hay nghệ nhân A Nhơ –những nghệ nhân nổi tiếng trong việc làm thuyền độc mộc. Nếu như ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số đang chòng chành nỗi lo mai một thuyền độc mộc thì ở làng Lung Leng, nỗi lo ấy dường như đã vơi bớt phần nào. Ngoài khó khăn về nguyên liệu thì ở đây vẫn còn những người thợ, người truyền lửa làm thuyền như già A Hyơh, nghệ nhân A Nhơ và có những người trẻ hướng về nghề truyền thống như A Dứt, A Lưới, A Tuân.

Già A Hyơh chỉ tay về phía những chiếc thuyền độc mộc nằm dưới bến sông, nói với chúng tôi bằng giọng buồn tênh: “Với bà con dân làng nơi đây, bây giờ, chỉ còn ít gia đình dùng thuyền để đi đánh bắt cá trên sông. Có chăng chỉ còn trong những cuộc thi, lễ hội, trog dịp đua thuyền mùa Ningnơng mà thôi!”.

Việc đua thuyền trên các sông Đăk Bla, Kon Brãi, Pô Kô, Sê San có từ rất lâu, ban đầu là những cuộc đua tự phát giữa những thanh niên với nhau khi chèo thuyền qua sông để đến rẫy. Lớn hơn là cuộc đua theo lời thách đố giữa thanh niên làng này với làng kia trong mùa lễ hội. Đây là cơ sở để hình thành nên giải đua thuyền độc mộc truyền thống tỉnh Kon Tum vào dịp đầu xuân mới. Với trai làng, việc chèo thuyền giỏi, đánh bắt cá giỏi là một trong những tiêu chí để những cô gái lựa chọn làm đức lang quân. Vì vậy, việc trở thành tay chèo giỏi, đặc biệt hơn là một vận động viên đua thuyền giỏi luôn là mục tiêu phấn đấu của mỗi trai làng. Và thế là cứ về sau, nhữn mùa xuân lại là mùa mà dòng sông vang lên những khúc ca độc mộc huy hoàng.

Một thực tế hiện nay, là mặc dù có ý nghĩa đặc biệt, gắn liền với đời sống văn hóa của bà con dân tộc thiểu số sinh sống ven sông hồ của tỉnh Kon Tum, tuy nhiên do quá trình phát triển việc gìn giữ, bảo tồn nghề đẽo thuyền độc mộc và các hoạt động văn hóa liên quan đến thuyền độc mộc đã bị ảnh hưởng không nhỏ.

Cụ thể số lượng thuyền độc mộc ở các buôn làng giảm dần qua thời gian do hư hỏng trong quá trình sử dụng. Trong khi đó chủ trương quản lý, bảo vệ rừng được thực hiện nghiêm túc nên ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tìm kiếm, khai thác gỗ rừng để làm thuyền độc mộc của bà con. Theo thời gian rừng càng ngày càng lùi xa, gỗ lớn làm thuyền hiếm dần. Đặc biệt là sự xuất hiện của những chiếc xe máy đã khiến niềm vui sông nước nguội cạn. Người ta đua nhau bán thuyền. Mỗi con thuyền còn sử dụng được trên chục năm chỉ có giá vài trăm ngàn đồng đến 1 triệu đồng tùy lớn nhỏ. Vẫn biết là không thể khác mà già A Hyơh vẫn thấy buồn.

Từ xưa tới bây giờ, không chỉ là chiếc cầu nối đôi bờ, giúp bà con đồng bào các dân tộc thiểu số, hình ảnh chiếc thuyền độc mộc gắn với quá trình lao động, sản xuất của bà con đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo trong các loại hình nghệ thuật như thơ ca, âm nhạc, nhiếp ảnh, hội họa và cả tạc tượng. Đặc biệt, thuyền độc mộc còn là phương tiện độc đáo để phục vụ cho hoạt động du lịch trải nghiệm, khám phá đối với vùng sông nước Kon Tum.

Minh Ngọc – Diệu Hằng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây