(SGTT) - Gần 400 năm trước, Hội An - Gò Nổi chính là cái nôi của nghề trồng dâu nuôi tằm bên sông Thu Bồn, mảnh đất tạo ra sự phồn thịnh, phát triển thương mại cho cả vùng. Phía bên kia con sông, có làng dệt Mã Châu, nơi Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan gặp gỡ và nên duyên vợ chồng cùng người con gái nuôi tằm hái dâu.
Để làm ra được những thước lụa đẹp, người làm phải trải qua cả một quy trình dài nuôi tằm để tằm nhả kén. Những thước lụa ra đời là bao công sức, sự chắt chiu của từng người làm nghề.
Lụa tơ tằm được dệt từ kén do tằm nhả ra. Mỗi con tằm cái chỉ đẻ được một lần, sau khi đó nó sẽ chết đi. Tằm mới đẻ có dạng trứng, màu trắng đục được bao bọc bởi một vỏ cứng, kích thước chỉ bằng đầu kim. Sau đó, những quả trứng được đem đi ấp đến khi nở thành ấu trùng.
Tằm con được nuôi và chăm sóc cẩn thận từ khi còn rất nhỏ cho tới khi trưởng thành. Thức ăn của tằm là lá dâu, tùy vào độ tuổi của tằm mà phải lựa từng loại lá dâu phù hợp.
“Để có sợi kén chất lượng, phải cho tằm ăn lá dâu non, bỏ đi phần cuộn, rồi sau đó rửa sạch, cắt dạng sợi rồi đem rắc lên mình tằm, mỗi ngày cho nó ăn khoảng 10 bữa. Quan sát kỹ lưỡng từng chu kỳ ngủ của tằm con, rồi tăng dần bữa ăn cho nó. Đến khi tằm chín thì ngừng ăn lá dâu, thấy cơ thể con tằm trong suốt thì biết tằm đã đến thời kỳ nhả tơ, đóng kén”, hú Nguyễn Văn Ba (52 tuổi, Quảng Nam) chia sẻ.
Khi tằm bắt đầu bước sang giai đoạn nhả kén, tằm sẽ được đưa lên ổ làm kén, bỏ vào những khung đan sẵn để chúng nhả tơ và kéo kén. Khi tằm đã nhả hết tơ tạo thành những con kén vàng óng, người ta sẽ phân loại kén để chuẩn bị cho việc kéo sợi.
Gắn bó với nghề ươm tằm, dệt vải hơn 10 năm nay, chị Huỳnh Thị Sen (Duy Xuyên, Quảng Nam) trình diễn thoăn thoắt từng động tác nấu kén lấy tơ cho tôi xem. Kén sẽ được nấu trong nước sôi, sau đó người thợ sẽ dùng đũa đảo đều rồi dùng tay nắm lấy sợi tơ chập lại với nhau, kéo nhanh từng sợi ra và cho qua buồng se tơ để quay thành sợi. Công đoạn này phải được thực hiện một cách thật khéo léo để sợi tơ không bị đứt đoạn.
Sau công đoạn nấu kén, se sợi, người thợ sẽ đem tơ đi nấu lại một lần nữa, rồi đem hong khô để sợi tơ mềm ra. Công việc quay tơ, kéo sợi, hong khô tuy không quá vất vả nhưng đòi hỏi rất cao sự khéo léo của người làm. Chị Nguyễn Thị Mơ (35 tuổi, Quảng Ngãi) chia sẻ: “Chỉ cần lơ là trong lúc quay tơ, hoặc mạnh tay cầm bó tơ không đúng cách cũng khiến sợi tơ bị đứt, rối nhàu”.
Công đoạn cuối cùng là dệt vải. Ở làng lụa Hội An, người thợ bắt buộc phải dệt vải theo cách truyền thống và hoàn toàn không có sự can thiệp của máy móc hiện đại. Công đoạn này đòi hỏi người làm phải hết sức kiên nhẫn và tỉ mỉ khi phải kéo từng sợi tơ một bằng tay. Nhịp chân kết hợp với độ đẩy ra vô của cánh tay người dệt phải nhịp nhàng để từng đường chỉ sao cho thật đều nhau.
Để phân biệt giữa lụa tơ tằm và các loại lụa tổng hợp khác, chị Nguyễn Thị Cẩm Phú, cán bộ quản lý khu vực Làng lụa Hội An cho biết, lụa tơ tằm khi đốt lên sẽ tắt ngay, ngửi có mùi khét như mùi tóc bị đốt cháy, muội than thu được khi dùng tay xoa sẽ không cảm giác nóng. Ngược lại, nếu đem đốt một mẫu lụa tổng hợp, bạn sẽ thấy lửa bốc cháy rất mạnh, có mùi cháy khét và xuất hiện khói đen.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng lụa Hội An được xem là bảo tàng sống của làng nghề Quảng Nam, nơi giữ lấy tinh hoa làng nghề cha ông từ bao đời. Đây cũng chính là sợi dây kết nối từ quá khứ đến hiện tại của một ngành nghề truyền thống Việt Nam đáng tự hào từ bao đời.
Uyển Cầm