Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Giáo sư khám bệnh lấy 550.000 đồng và tự chủ tài chính nửa vời của các bệnh viện

(SGTT) – Cuối cùng thì Bộ Y tế cũng đã “tuýt còi” yêu cầu Bệnh việc Bạch Mai dừng việc áp dụng giá khám bệnh theo yêu cầu mà cộng đồng mạng thời gian qua đã sôi sục chọc ghẹo bệnh viện này, đại ý khi có tiền thì giáo sư khám mất 550.000 đồng, ít tiền thì thạc sĩ còn 250.000 đồng, người ít tiền không có cơ hội được bác sĩ giỏi khám bệnh.

Điều trị bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai. Nguồn: https://bachmai.edu.vn

Thế nhưng đằng sau câu chuyện này chính là sự bất hợp lý đến mức vô lý mà ai trong ngành y cũng thấy, cũng thừa nhận và trên thực tế xã hội đã áp dụng từ lâu nhưng các bệnh viện công lập thì rón rén làm và bị tuýt còi bất cứ lúc nào.

Đã từ rất lâu, các bệnh viện tư nhân, cổ phần hay phòng khám lớn đã áp dụng giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu linh động với nhiều mức giá khác nhau. Ai muốn khám bác sĩ giỏi, đầu ngành, có uy tín thì phải chấp nhận mất nhiều tiền và một phần tiền này được trích cho bác sĩ, có như vậy mới tăng thu nhập và giữ chân bác sĩ giỏi.

Chẳng hạn một phòng khám tư hay bệnh viện tư hiện nay thường có khung giá khám bệnh, các bác sĩ bình thường tự lượng sức hút của mình với bệnh nhân, mới ra trường, kinh nghiệm hay uy tín chưa có thì tự đề xuất mức giá khám bằng hoặc hơn giá sàn một chút để có đông bệnh nhân. Bác sĩ giỏi, nhiều năm kinh nghiệm, “mát tay” vốn dĩ có lượng bệnh nhân lớn sẽ đề xuất mức khám ở mức trần cũng là cách tăng thu nhập cho chính bác sĩ và giảm sự quá tải cho chính mình là lẽ đương nhiên, qua đó tăng thu nhập cho nơi mình làm việc.

Vấn đề ở đây là bệnh viện tư, phòng khám tư họ phải sống bằng dịch vụ khám, điều trị bệnh, phải có lãi, trả thù lao giữ chân bác sĩ giỏi. Không có lý gì một bác sĩ 20 năm kinh nghiệm, trưởng khoa mà giá khám thu như bác sĩ mới ra trường, như nhân viên của mình.

Thế nhưng cộng đồng mạng lại hết sức mâu thuẫn khi chê bai các bệnh viện công không tự nuôi được mình, không giữ chân được bác sĩ giỏi để “chảy máu chất xám”, đòi hỏi bệnh viện công phải tự chủ tài chính và trên thực tế, phần lớn bệnh viện công lập hiện nay chật vật lo tự chủ tài chính trong “chiếc áo chật chội”. Tới khi các bệnh viện công bung ra làm điều gì đó thì chính cộng đồng mạng, chính những người hay kêu gào phải tự chủ tài chính, lại lên án không thương tiếc.

Nên nhớ khung giá khám chữa bệnh “Khám giáo sư: 550.000 đồng, phó giáo sư: 450.000 đồng, tiến sĩ, BSCKII: 350.000 đồng, khám thạc sĩ, BSCKI: 250.000 đồng” của Bạch Mai bị chỉ trích là khám theo yêu cầu, loại hình dịch vụ mà bệnh nhân có quyền lựa chọn, nếu bệnh nhân chê cao thì có thể khám thông thường theo khung giá quy định của Bộ Y tế, không ai bắt bệnh nhân phải khám theo yêu cầu.

Đành rằng cách phân chia của Bệnh viện Bạch Mai có điều chưa ổn bởi bác sĩ giỏi, uy tín chưa hẳn đã có bằng cấp cao nhưng nó cũng là bước đệm để tiến tới giá dịch vụ khám theo yêu cầu ngày càng hoàn thiện hơn.

Mấy hôm nay, lại cũng cộng đồng mạng và báo chí mổ xẻ chính Bệnh viện Bạch Mai khi nói khá nhiều thầy thuốc ở đây nghỉ việc và họ phải tuyển dụng mới. Chuyện thầy thuốc nghỉ việc, chuyển sang cơ sở khác ở các bệnh viện là chuyện bình thường nhưng thử hỏi, một bác sĩ giỏi, hàng ngày có hàng trăm bệnh nhân đăng ký khám bệnh mà giá dịch vụ khám vẫn như bác sĩ mới ra trường thì khó lòng đòi hỏi bác sĩ giỏi không tâm tư.

Và để không bị tuýt còi như Bạch Mai, các bệnh viện buộc phải xé rào nhiều cách khác nhau, trong đó dễ thấy nhất là các bác sĩ gợi ý bệnh nhân về phòng khám tư của mình và như vậy, bệnh viện phần nào mất nguồn thu.

Không chỉ khó khăn trong cơ chế chính sách về giá dịch vụ, rất nhiều bệnh viện hiện nay, nhất là khu vực miền Trung và phía Bắc còn cái “vòng kim cô” mang tên tư duy rất vô lý ở trên đầu. Các bác sĩ giỏi, nhiều bệnh nhân đến khám phòng mạch tư của mình, khi cần thiết hay có ca khó, cần mổ xẻ thì bác sĩ sẽ viết giấy giới thiệu cho chính bệnh viện mình đang làm để xử lý. Cách này nhiều bệnh viện ở TPHCM xem đó là bình thường, thậm chí còn khuyến khích, bởi suy cho cùng, bác sĩ của bệnh viện, đưa bệnh nhân – “khách hàng” đến là cách giúp cho chính bệnh viện của mình tăng thu.

Tuy nhiên, ở khu vực miền Trung hay phía Bắc, việc bác sĩ của bệnh viện giới thiệu bệnh nhân mình đang khám, điều trị cho chính nơi mình đang làm lại vướng vào cách suy nghĩ  coi như việc “mờ ám, lấy công làm lợi cho tư”, lắm khi bị mang ra kiểm điểm.

Vậy nên các bệnh viện hiện nay, dù đã yêu cầu tự chủ tài chính hơn 3 năm qua, vẫn than cái vòng luẩn quẩn: Muốn đầu tư nguồn nhân lực, máy móc, hạ tầng công nghệ thông tin… thì đầu tiên phải có nguồn thu. Muốn có nguồn thu thì phải có nhiều bệnh nhân đến khám chữa bệnh và giá dịch vụ phù hợp. Nhưng muốn có bệnh nhân thì trở lại cái ban đầu, nghĩa là phải có bác sĩ giỏi, cơ sở vật chất hiện đại. Nguồn thu từ khám chữa bệnh hiện không đủ thì lấy đâu ra tiền để đầu tư, thu hút bác sĩ giỏi.

Chừng nào bác sĩ giỏi, uy tín mà giá khám dịch vụ vẫn như bác sĩ mới ra trường thì chừng đó đừng trông chờ quá nhiều vào các bệnh viện công tự chủ tài chính, tự sống được, không trông chờ vào “bầu sữa” Nhà nước.

Hồng Ngọc

8 BÌNH LUẬN

  1. Liệu dân có tin được đầu từ thiết bị tăng giá nhiều lần kể cả đầu tư thiết bị điều trị dịch Covid cũng tăng giá nhiều lần,thuốc ung thư cũng có thuốc giả và nhiều tiêu cực khác khi bị xử lý thì đề nghị tăng giá dịch vụ khám bệnh,Bộ Y tế chưa duyệt thì hàng trăm người xin chuyển công tác…sâu chuỗi lại liệu những sự việc này có liên quan với nhau không,nhưng người dân thường họ cũng khó tin sự minh bạch của lãnh đạo và bác sĩ ở các bệnh viện này?

  2. Nói thật đi khám chủ yếu họ bán thuốc là chính BHYT được mấy viên Bs kê ngoài hàng triệu rõ khổ khônG mua thì sợ mà mua thì có phải ai cũng có tiền đâu ,thôi đành mua cái sự an lành mà không biết nó thật hay giả nữa.

  3. Việc thu phí dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở công lập rất hợp lý và minh bạch. Bất kể là gì đều không được cào bằng, giá trị cao thì quy đổi vật chất (tiền) phải ngang mức hoặc tương xứng.
    Tư tưởng Chùa = Bv Nhà nước vẫn ám thị hằn sâu trong đa số quần chúng. Nên việc cộng đồng mạng ồn ào cũng dễ hiểu và tất nhiên không phải ai cũng ủng hộ với “đám đông điên cuồng”.
    Việc “tuýt còi” là hành động cần thiết để giảm cơn cuồng nộ của các ý kiến trái chiều, mặt khác nó cũng thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp trong vấn đề quản lý. Thân ái!

    • Đang dùng tiền của dân xây BV, đào tạo bác sĩ mà bảo dân có tư tưởng dùng chùa. Người dân không tiền thì đóng thuế cho nhà nước rồi chờ chết à. BV họ thu tiền, dân đi khám có bảo hiểm còn vẫn phải nộp tiền sao bảo chùa. Giờ đau họng cũng làm phát vài triệu ai chơi được, rồi tự khám tự mua thuốc chờ chết hết à. BV công phục vụ dân nghèo, chất lượng thôi rồi khỏi bàn, nhưng dân đóng thuế cho nhà nước, đào tạo ra giáo sư xong không được dùng, chỉ cho ông giàu thôi à. ông gíao sư muốn kiếm tiền ra viện tư khám, ông BV muốn làm dịch vụ vay ngân hàng mà làm khu viện tư độc lập có kiểm toán, đừng mang tiền nhà nước đi làm dịch vụ kiếm túi riêng.

  4. Người ta cười nhạo không phải là số tiền mà là cái bảng .
    Khám gs 550.000đ là bệnh nhân tới rờ khám tổng quát ông gs chỉ mất 550k chớ không phải ông gs khám họ .
    Văn nói khác nhưng khi viết phải chuẩn mực :” Giáo sư khám “ chớ không phải “ Khám giáo sư “ .

  5. Đang dùng của công để kiếm tiền riêng. muốn tự chủ lập hẳn bv riêng bs sang đó khám. chứ nhập nhèm công tư thiệt dân. BN ung thư, xếp lịch mổ 2 tháng, dịch vụ 2 ngày, trong khi dùng chính cái của công để làm dịch vụ. Nếu bv vay tiền của công, thuê bs thuê nhà làm tư đi, chứ lấy của công làm dịch vụ vậy vậy bn không có tiền chết hết à.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bộ Y tế đưa ra 5 tiêu chuẩn đánh giá chất...

0
(SGTT) - Bộ Y tế vừa ban hành thông tư 35/2024/TT-BYT quy định tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với bệnh viện. Trong...

Bệnh án điện tử: chậm triển khai vì vướng về kinh...

0
(SGTT) - Dù mang lại nhiều lợi ích lớn nhưng việc triển khai bệnh án điện tử đang bị chậm so với lộ trình...

Bệnh viện TPHCM gặp khó trong mua sắm thuốc, thiết bị...

0
(SGTT) - Theo Sở Y tế TPHCM, các cơ sở y tế không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế...

Chuyển đổi ‘chứng chỉ’ hành nghề y sang ‘giấy phép’ hành...

0
Một trong những điểm mới quan trọng đáng chú ý tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi là thay thế tên gọi của...

Ghi nhận các ca ‘nhiễm vi khuẩn ăn thịt người’ tại...

0
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, ngày 4-9, bệnh viện điều trị cho 2 ca mắc bệnh Whitmore (thường gọi...

TPHCM: Hơn 50.600 người cao tuổi được khám sức khỏe trong...

0
Tính đến ngày 31-8-2024, ngành Y tế TPHCM đã khám sức khỏe và tầm soát bệnh cho hơn 233.051 người cao tuổi đang sinh...

Kết nối