(SGTT) - Với việc hàu có giá và có trữ lượng lớn, khu vực đầm Lập An, thị trấn Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) đã trở thành điểm mua bán hàu lớn nhất trong khu vực.
Đặc sản vùng đầm phá
Lăng Cô không những là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung, nơi đây còn là một trong những địa điểm cung ứng không ít các loại thủy, hải sản ra thị trường trong nước. Với diện tích mặt nước rộng 3,5 km, dài 6 km, diện tích 1.600 ha, sâu trung bình 1,5m, sâu nhất trên 3m, trao đổi nước với biển rất tốt nhờ thủy triều nên có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng sinh học về hệ sinh thái, gen và thành phần loài động thực vật tự nhiên.
Hiện nay, hoạt động thủy sản trên đầm chủ yếu nuôi trồng thủy sản như nuôi cá lồng bè, cắm cọc nuôi hàu, vẹm xanh; khai thác thủy sản như lưới bén, lừ xếp, rớ giàn, đáy. Trong số đó thì hàu là loại hải sản được nuôi nhiều nhất ở đây.
Khu vực đầm Lập An là vựa hàu lớn nhất của vùng. Ước tính mỗi ngày, ở Lăng Cô xuất ra thị trường hàng chục tấn hàu tươi. Vì đây là món ăn chứa nhiều chất dinh dưỡng nên rất được người dân ưa chuộng. Thời điểm này đang chuẩn bị tới mùa hè, mùa du lịch trọng điểm của vịnh biển Lăng Cô, nên đây cũng là lúc mà hàu bán chạy nhất.
Trên con đường nhỏ men theo vịnh Lăng Cô và đầm Lập An, hàng chục điểm bán hàu san sát nhau, tấp nập kẻ bán người mua. Đa số các địa điểm bán hàu này đều là của hộ gia đình. Những người phụ nữ có nhiệm vụ chào mời, bán hàng cho khách còn đàn ông thì chèo thuyền ra đầm nước kéo những lốp xe bám đầy hàu chất lên một bè nhỏ, đưa về điểm bán hàu. Có thể nhận ra những lốp xe này đều là hàng “phế thải” bởi chúng được chất thành đống hai bên đường. Hàu sau khi đưa lên bờ sẽ được gỡ ra, một thì được đóng gói luôn, số còn lại được chủ vựa và nhân viên ngồi tách lấy thịt rồi ngâm vào chậu nước.
Phong trào nuôi hàu ở thị trấn Lăng Cô bắt đầu từ cách đây khoảng hơn 20 năm. Trước đây, người nuôi hàu chủ yếu dựng các cọc gỗ xuống đầm để hàu bám vào sinh sống. Tuy nhiên việc sử dụng cọc gỗ này lại mất nhiều thời gian và tốn chi phí bởi chỉ cần vài ba lứa hàu là gỗ sẽ bị mục nát và phải thay bằng cọc mới. Cho đến khi người dân nhận thấy việc nuôi hàu bằng lốp xe cũ ít tốn chi phí hơn, lại có thể sử dụng được lâu dài nên dần dần không còn ai nuôi hàu bằng mô hình truyền thống nữa.
Mỗi lứa hàu thường được người dân trong vùng nuôi từ 6 đến 9 tháng. Chính vì vậy mà thời gian những chiếc lốp xe này để dưới nước cũng tương ứng. Sau một thời gian dài ngâm dưới nước thì đa phàn lốp xe này đã mục rữa nên các hộ dân tiếp tục đưa ra phơi nắng để chuẩn bị cho lứa hàu mới. Cứ như thế, hiện nay, ở đầm Lập An có hàng ngàn chiếc lốp xe cũ được người dân thả xuống để làm chỗ nuôi hàu.
Có một thời gian, mô hình nuôi hàu bằng phương pháp này đã bị nghiêm cấm vì ảnh hưởng tới môi trường cũng như sức khỏe người tiêu dùng. Thế nhưng thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế qua kiểm tra, phân tích nguồn nước và các mẫu vật, các chỉ tiêu lý hóa và kim loại nặng trên con hàu nuôi bằng lốp xe ở đầm thì các chỉ tiêu này vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Hàu nuôi bằng vỏ lốp tại Lăng Cô vẫn đảm bảo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm cho phép, không mang chất gây ung thư như dư luận lo ngại.
Tuy chỉ có điều, dọc theo đường phía tây quanh đầm, nhiều lốp xe cũ được chất đống ngổn ngang trên bờ với những cọc tre, gỗ lổm nhổm do người dân bỏ lại sau khi thu hoạch. Tình trạng này diễn ra từ nhiều năm nay, hàng ngàn lốp xe “vô tư” vứt lên bờ, gây ra mùi hôi làm ô nhiễm môi trường. Việc hàng chục hộ dân nuôi hàu ở đầm Lập An này sử dụng lốp xe cũ làm mất đi hình ảnh đẹp trong mắt du khách, ảnh hưởng cảnh quan môi trường xung quanh vịnh Lăng Cô khi những chiếc lốp xe này thường vứt bừa bãi trên các mép đầm, cũng như trên đường đi.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết: “Trả lại mỹ quan cho đầm Lập An nói riêng và tất cả khu vực Lăng Cô nói chung là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Thời gian qua, thị trấn đã kiểm tra không để phát sinh thêm hộ nuôi hàu trên đầm Lập An, khu vực sát đường quốc lộ. Nhờ vậy, số hộ nuôi hàu và quy mô nuôi không tăng. Tình trạng phơi lốp, thải vỏ hàu không còn lộn xộn và nhếch nhác như trước”.
Định hình một thương hiệu
Hàu ở Lăng Cô là một trong những sản phẩm có thương hiệu ở vùng đất này. Một khách du lịch dừng xe đến mua hàu để đem đi xa, một người chủ vựa hàu tên Hằng nhiệt tình chỉ chỉ chỗ hàu bên cạnh đống vỏ hàu chào mời: “Hàu của nhà chị chỉ vừa mới đưa lên cả thôi vì cứ đưa lên là có khách hoặc thương lái đến mua hết. Em mua ít hay nhiều? Giá hàu chưa tách là 20.000đồng/kg, còn đã tách rồi là 70.000đồng/kg, yên tâm vì giá này chị đều bán cho cả chủ cửa hàng hải sản”.
Theo chị Hằng, những vựa nuôi hàu lớn như nhà chị một ngày có thể tiêu thụ đến gần 800 tạ hàu. Ở thị trấn Lăng Cô trước đây hơn 200 hộ dân sinh sống bằng nghề nuôi hàu trên đầm Lập An. Bình quân, mỗi hộ dân cắm 2.000 - 3.000 ngàn cọc tre, gỗ để gắn lốp xe cũ xuống đầm. Một thực tế, giá tại đây rẻ hơn nhiều so với giá 80.000-100.000đồng/kg hàu tại một số nhà hàng ngay cạnh đó.
Chị Nguyễn Thị Nhung vừa tách những phần thịt hàu ra khỏi vỏ, vừa chia sẻ công việc của mình: “Nhiều người tách vỏ hàu sống nhưng lại gặp khó khăn vì vỏ quá cứng gây đau tay, hoặc nếu có tách ra được thì thịt hàu không được nguyên vẹn vì không biết cách. Cần phải xem ở mép hàu có khe hở hay không, nếu có thì dùng mũi dao nhọn lách vào cho đến khi dao ngập được một khoảng bên trong, chỉ cần xoay nhẹ lưỡi dao cho đến khi vỏ hàu bật ra, lúc này cần giữ cho dao sát ở trên mặt vỏ dẹp để cắt đi phần cơ nối liền 2 miếng vỏ với nhau là xong, cuối cùng bẻ rời phần vỏ dẹp và gạt phần thịt hàu vào chậu nước sạch là được”. Chị cho biết, mỗi ngày chị có thể tách được 3-4 tạ hàu, lấy được chừng 50kg thịt hàu để bán cho thương lái hoặc người mua về dùng.
Theo lời chị Nhung, nuôi hàu bằng lốp xe ít tốn kém so với cọc tre và gỗ. Lốp xe có tuổi thọ dài, nuôi đến 7 - 8 vụ hàu vẫn chưa hỏng. Do vậy, hiện ở Lăng Cô có hàng trăm hộ nuôi hàu bằng lốp xe.
Theo quy hoạch thì diện tích nuôi hàu ở đầm Lập An (Lăng Cô - Phú Lộc) sẽ còn lại 100 ha và chuyển từ nuôi bằng lốp xe sang mô hình nuôi bè tre âm mặt nước. Nhưng trong quá trình giải tỏa và đưa những hộ nuôi hàu vào vùng quy hoạch đang ì ạch. Nhà chức trách cho biết giải tỏa được 30 ha, hiện trên đầm Lập An còn khoảng 200 ha nuôi hàu bằng cọc tre gắn giá thể lốp xe. Thời gian đến, sẽ giải tỏa hết tất cả cọc tre còn lại trên đầm, trong đó, sẽ ưu tiên khu vực phía đông đầm, sát quốc lộ 1A. Vùng quy hoạch nuôi hàu mới tại đầm Lập An nằm hoàn toàn ở phía tây đầm, có diện tích 100 ha và được chia thành 5 khu vực. Mỗi khu vực có chiều dài 200m, cách nhau 15-20m, cách bờ 50m và tránh những luồng lạch ảnh hưởng đến tàu, thuyền ra vào đầm.
Tiêu Dao – Minh Ngọc