Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Tổng cục Du lịch dự tính thí điểm đón khách quốc tế từ quí 3 tới

Tổng cục Du lịch đã làm việc với một số cơ quan liên quan về kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế vào Việt Nam. Dự kiến, Việt Nam sẽ thí điểm đón khách từ quí 3 tới, sau khi kết thúc cao điểm du lịch hè. Việc thí điểm sẽ áp dụng cho một số thị trường và điểm đến cụ thể.

Sẽ mở cửa khi xong mùa du lịch hè

Việt Nam sẽ mở cửa đón khách quốc tế. Trong ảnh là đón khách quốc tế đến bằng tàu du lịch biển. Ảnh: Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, một trong những doanh nghiệp thuộc Saigontourist Group cung cấp.

Trao đổi với phóng viên, một quan chức của Tổng cục Du lịch thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL), cho biết sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu về một số biện pháp kiểm soát để mở lại hoạt động du lịch quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh, cơ quan này đã cùng các bên liên quan thảo luận cụ thể về kế hoạch thí điểm.

Kế hoạch đón khách quốc tế sẽ được thực hiện theo từng bước. Giai đoạn 1 là thí điểm, giai đoạn 2 vẫn là đón hạn chế, đến giai đoạn 3 mới đón khách trở lại bình thường.

Quan điểm xuyên suốt khi thảo luận về việc đón khách quốc tế trở lại là phải an toàn. Vì thế, với giai đoạn thí điểm, việc quan trọng hàng đầu phải chuẩn bị hạ tầng gồm cả hạ tầng du lịch và các giải pháp để công nhận các loại vắc-xin giữa các điểm đến, nối đường bay an toàn...

Trong đó, phần du lịch phải chọn địa điểm để đón khách quốc tế đến, chọn doanh nghiệp thực hiện thí điểm, chọn quy trình đón khách... Tuy nhiên, phần việc quan trọng nhất sẽ thuộc về Bộ Y tế. Hiện trên thế giới có nhiều loại vắc-xin ngừa Covid-19, mỗi nước lại chấp thuận và sử dụng những loại vắc-xin khác nhau nên Bộ phải đàm phán để các nước chấp nhận vaccine song phương hoặc đa phương thì du lịch mới có thể nối thị trường.

Sau đó, Bộ Ngoại giao, ngành hàng không sẽ thực hiện nhiều công việc nữa để có khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

"Có ý kiến cho rằng nên mở cửa từ tháng 7 tới. Chúng tôi cũng mong mở sớm nhưng chắc chắn là phải sau mùa du lịch hè để doanh nghiệp khai thác xong cao điểm của thị trường du lịch nội địa. Thời gian dự tính sẽ thí điểm đón khách quốc tế là từ quí 3 năm nay", quan chức này nói.

Cũng theo ông, việc thí điểm đón khách quốc tế trở lại phải đảm bảo tạo nên hành lang an toàn cho cộng đồng, để du khách ít tiếp xúc với cộng đồng nhằm ngăn ngừa khả năng lây lan dịch bệnh và đảm bảo tâm lý an toàn cho người dân.

Vì thế, có thể các sản phẩm như tour ngắn ngày sẽ không thể thực hiện trong giai đoạn thí điểm mà ưu tiên sản phẩm du lịch dài ngày và nghỉ dưỡng biển. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối, cơ quan này cũng đang tính trong giai đoạn thí điểm sẽ đón du khách quốc tế từ máy bay thuê bao, sau đó mới đón khách từ các chuyến bay thương mại thường xuyên.

Tổng cục Du lịch hiện chưa thể nói địa phương nào sẽ là nơi thí điểm đón khách quốc tế trở lại vì còn phụ thuộc vào quyết định của địa phương. "Chúng tôi đã lên danh sách một số vùng có điều kiện thuận lợi để đón khách và sẽ đi đàm phán với địa phương, nếu cả hai bên đồng thuận thì mới có thể tiến đến các bước tiếp theo", ông nói.

Khan hiếm vaccine có làm chậm tiến độ mở cửa?

Sau hơn một năm đình đốn, giới kinh doanh du lịch đang rất mong có thể đón khách quốc tế trở lại và đưa du khách trong nước đi du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, thông tin về tình trạng khan hiếm vắc-xin cùng việc xuất hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng trong những ngày gần đây đã dấy lên lo ngại về việc tiến độ mở cửa có thể chậm, làm ảnh hưởng đến mùa đón khách quốc tế vào cuối năm.

Ngày 26-3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, do nhu cầu về vắc-xin trên thế giới tăng cao nên việc thiếu vắc-xin đang hiện hữu. Trong các lô vaccine dự định sẽ về Việt Nam, lô vắc-xin của AstraZececa, được cung cấp qua COVAX Ficility với gần 1,4 triệu liều sẽ bị chậm lại khoảng 3 tuần, có nghĩa là trong 3 tuần đầu tháng Tư tới, sẽ không có liều vắc-xin nào cập cảng.

Trước đó, Cục Quản lý dược đã 2 lần gửi công văn đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc tiếp tục nỗ lực khẩn trương liên hệ, tìm kiếm các nguồn cung ứng vắc-xin phòng Covid-19 từ các nguồn nhập khẩu đảm bảo chất lượng, đúng nguồn gốc xuất xứ để cung cấp cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, hiện Việt Nam không phải là nước được ưu tiên về vắc-xin vì đang kiểm dịch tốt.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Holdings, "hộ chiếu vắc-xin" là hy vọng để du lịch có thể nối lại thị trường quốc tế cho nên tình trạng khan hiếm vắc-xin hiện nay là một thách thức cho sự hồi phục của du lịch.

Nếu mở cửa chậm, Việt Nam có thể lại mất thêm một mùa du lịch quốc tế vào cuối năm nay. Số lượng doanh nghiệp phải đóng cửa sẽ nhiều hơn nữa nhưng mở cửa mà vắc-xin chưa được tiêm trên diện rộng thì lại là một thách thức cho công tác phòng dịch.

"Để thực hiện "hộ chiếu vắc-xin" thì phải có vắc-xin để tiêm đủ. Chúng tôi đang lo lắng vì nhiều nước đang tiêm rất nhanh trong khi Việt Nam đi chậm hơn nếu chậm quá, du lịch sẽ rất khó hồi phục", ông nói.

Theo ông, nếu có thể mở cửa vào tháng 8 hoặc tháng 9 tới thì du lịch sẽ kịp kéo khách quốc tế đến trong mùa tới. Để kịp thời gian, cơ quan chức năng nên đẩy nhanh quá trình đàm phán nhằm công nhận các loại vắc-xin ngừa Covid-19 giữa các điểm đến.

Trả lời phóng viên về vấn đề này, quan chức của Tổng cục Du lịch, cho rằng "hộ chiếu vắc-xin" hay chứng chỉ đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 chỉ là một trong những thủ tục mà cơ quan này tính đến khi bàn về kế hoạch thí điểm đón khách trở lại.

"Việc tiêm vắc-xin không đảm bảo 100% là sẽ không lây nhiễm nên các bên liên quan đang tính đến nhiều biện pháp, trong đó có xét nghiệm PCR. Chúng tôi cũng đang bàn đến các loại hình du lịch khác nhau nhằm đáp ứng yêu cầu mở cửa an toàn", ông nói.

Theo đó, cùng với các biện pháp này, việc cách ly hay không cách ly cũng được tính đến. Có ý kiến cho rằng, du khách sẽ không đi du lịch phải cách ly nhưng nếu cách ly ngắn hay có những loại hình du lịch phù hợp với nhu cầu khách hàng, có thể khách sẽ chấp nhận.

"Chẳng hạn, với những người chỉ muốn ra nước ngoài để chơi golf thì thay cho cách ly, có thể đưa khách đến một nơi phù hợp để đáp ứng nhu cầu này và đảm bảo nguyên tắc hạn chế tiếp xúc với cộng đồng. Nói thế để thấy rằng, quy trình, cách thức đón khách, chọn thị trường, sản phẩm... phải được tính toán hết sức kỹ lưỡng", ông nói.

Đào Loan

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Tour du lịch thích ứng thời tiết: Không nên chỉ là...

1
(SGTT) – Theo nhận định từ một số chuyên gia du lịch và đơn vị lữ hành, sản phẩm du lịch thích ứng với...

Tour du lịch thích ứng thời tiết tại miền Trung

2
(SGTT) - Tình hình mưa lũ ngày càng diễn biến phức tạp đã đặt ra nhiều thách thức cho ngành du lịch. Tuy nhiên,...

Việt Nam bắt đầu tiêm vắc-xin sốt xuất huyết

0
Hệ thống tiêm chủng VNVC vừa chính thức triển khai tiêm vắc-xin sốt xuất huyết của Takeda, Nhật Bản cho trẻ em từ 4...

Du lịch miền Bắc ảnh hưởng nặng nề vì bão lũ

0
(SGTT) - Bão Yagi không chỉ gây ra những tổn thất nặng nề về người và của, mà còn khiến ngành du lịch miền...

Loạt tour du lịch miền Bắc bị hoãn, hủy do ảnh...

0
(SGTT) – Ghi nhận tại một số doanh nghiệp lữ hành, bão Yagi và hệ quả sau bão đã khiến nhiều tour du lịch...

Nữ CEO với ước mơ ‘Mỗi gia đình Việt có ít...

0
(SGTT) - Từng học Thạc sĩ về Phát triển cộng đồng tại Australia và có nhiều năm sinh sống ở Thụy Sĩ, nhưng chị...

Kết nối