(SGTT) - Mùa nắng nóng, người tập luyện thể dục thể thao không chi cần uống đủ nước mà phải uống nước đúng cách để tránh gây hại sức khoẻ. Đó là lời khuyên của vận động viên vô địch Marathon Việt Nam Hoàng Nguyên Thanh, khi miền Nam đang bước vào mùa nắng nóng.
- Bác sĩ cho lời khuyên bảo vệ sức khỏe cho gia đình khi thời tiết thất thường
- Thời tiết nắng khô trong những ngày tới, cần cẩn trọng sức khoẻ
Tiếp nối chủ đề Bảo vệ sức khoẻ ngày nắng nóng, Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi ngắn với anh Hoàng Nguyên Thanh, xung quanh những lưu ý chăm sóc, tăng cường và bảo vệ sức khoẻ ngày nắng nóng khi tập thể dục thể thao.
Theo anh Hoàng Nguyên Thanh, mọi người nên uống nước như thế nào cho đúng cách?
Những ngày này thời tiết rất oi bức, nhiệt độ ngoài trời rất cao, người tập thể dục thể thao có thể quên đem theo nước bên mình, do thói quen tập xong hết rồi mới uống nước, hoặc do chưa biết uống nước đúng cách. Điều này rất bất lợi cho cơ thể, thậm chí là nguy hiểm, bởi vì nếu không bù đủ nước, người tập sẽ mau mệt mỏi, tay chân rã rời, dẫn tới hoa mắt, chóng mặt và ...xỉu. Hiện tượng này gọi là sốc nhiệt.
Buổi sáng trước khi tập, mọi người nên uống một ly nước đầy (khoảng 150ml – 200ml) để gan thận được lọc bớt chất cặn bã, hệ tiêu hóa, nội tạng được “rửa” chất dơ tích tụ. Khi đi tập nhớ đem theo bên mình 1 lít nước lọc, hoặc nước chanh đường càng tốt.
Trong lúc tập, khoảng 20-30 phút hãy uống nước một lần, đừng để quá khát, quá khô cổ mới uống sẽ rất mệt. Mỗi lần uống một hớp nhỏ và uống từ từ, không nên "nốc" một hơi ừng ực cũng dễ bị sốc nước lắm. Khi tập xong thì tiếp tục uống nước tới trưa và chiều mới bù đủ nước.
Có nhiều người nghĩ rằng uống nước với đá lúc tập xong cho đã khát là đủ nước. Cách nghĩ này là sai, nước đá chỉ đánh lừa cảm giác của người uống và uống hoài vẫn không thấy đã.
Mọi người cũng nên nhớ là buổi tối nên ngừng uống nước hoặc hạn chế, vì dễ bị đi tiểu đêm làm mất giấc ngủ. Tốt nhất là sau 7:00 tối nên ngừng uống nước.
Trời nắng nóng như vầy, anh khuyên mọi người nên tập luyện lúc nào là phù hợp?
Tốt nhất là sáng từ 5:00 đến 7:00, chiều từ 4:30 tới 6:30. Thời gia này mặt trời mọc rất sớm nên chừng 7:00 là nắng gắt rồi. Mọi người có tập trễ hơn chút thì nên mặc áo tay dài mỏng hoặc mang bao cánh tay, đội nón, đeo kính mát. Quần áo cũng đừng mặc màu nổi quá, sặc sỡ quá vì chúng dễ hấp thụ tia UV, xuyên đến da.
Trong những ngày nắng nóng, thời lượng tập như thế nào?
Các bác, cô chú lớn tuổi, các em nhỏ và người mới tập các môn thể dục cần giảm bớt khối lượng tập xuống còn 2/3 so với bình thường. Lắng nghe cơ thể hơi mệt mỏi là nghỉ, không nên ráng sức.
Nhiều khi chúng ta vui quá, hứng thú quá (có khi đang đánh một độ cầu lông máu lửa hoặc một tư thế yoga dáng đẹp có nhiều người cổ vũ...) thì mình sẽ quá sức mà không hay biết. Nếu không kềm chế ngưng kịp lúc thì sẽ dễ bị vọp bẻ, trật lưng, thậm chí vấp té rất nguy hiểm.
Với môn chạy bộ, trời nắng nóng nhưng mọi người vẫn đam mê trên đường chạy, thậm chí có người kiên trì ra nắng chạy để quen với nắng nóng, chuẩn bị các giải Marathon miền Trung như Qui Nhơn, Lý Sơn (Quảng Ngãi)... Anh Thanh có lời nhắn nhủ gì?
Nếu chạy bộ đường dài (long run), đoạn 20km tới 40km, điều quan trọng hàng đầu vẫn là bù đủ nước. Mọi người nên đem theo nước bên mình. Đừng nghĩ rằng chừng nào khát sẽ ghé quán bên đường mua. Lỡ lúc khát quá mà chưa có quán thì sao? Lúc cấp bách cần nước mà không có rất nguy hiểm, nhất là giữa trời nắng nóng.
Gọn nhẹ hơn, bạn nên bỏ túi mấy viên điện giải, nó không mất thời gian hoặc gián đoạn tốc độ chạy. Khoảng 4-5km uống một viên là an toàn. Ngoài ra, bạn còn phải bổ sung năng lượng bằng những gói gel. Một buổi chạy dài 2-3 tiếng đồng hồ giữa trời nắng nóng cần phải bổ sung đầy đủ dinh dưỡng mới chịu nổi. Đó là chưa kể phải có niềm đam mê, sự kiên trì và nền tảng thể lực tốt...
Khi người tập môn chạy bộ đường dài có biểu hiện nào của cơ thể thì nên ngưng?
Khi tập luyện quá sức thì cơ thể sẽ phản ứng đầu tiên là thở rất nhanh, rất nặng nhọc (mọi người hạy gọi là thở không ra hơi). Kế đó là tay chân mệt mỏi rã rời, chân lê bước như đeo chì, cơ bắp đau nhức muốn vọp bẻ; tay giơ lên không được, đưa chai nước cầm muốn rớt. Lúc này, người tập phải dừng ngay, đi tới đi lui chầm chậm và thở đều, thở sâu.
Tuyệt đối không nên ngồi xuống nghỉ hoặc nằm dài trên cỏ. Khi đó, các mạch máu, nội tạng đang làm việc cật lực nên nếu mình nằm xuống hoặc ngồi xuống đột ngột là không được. Thay vào đó, hãy tìm bóng mát, thả lỏng cơ thể và uống nước từ từ. Trường hợp nặng hơn là mắt hoa, chóng mặt, muốn ói, thậm chí nghe ớn lạnh (dù trời đang nóng và người mồ hôi nhễ nhại) là nguy hiểm rồi. Nên cho uống nước đường ngay hoặc các loại nước uống điện giải...
Cảm ơn anh Hoàng Nguyên Thanh về cuộc trao đổi thú vị này.
Hoàng Nguyên Thanh sinh năm 1995, quê Bình Phước. Anh đã tham gia nhiều cuộc thi Marathon từ năm 2012. Năm 2014, lần đầu tiên anh vô địch giải việt dã leo núi “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá” tỉnh Bình Phước và 5 năm liền tiếp tục vô địch giải này. Năm 2019, anh vô địch giải Marathon Techcombank TPHCM, năm 2020 vô địch toàn bộ các giải chạy Marathon trong nước như: Lý Sơn – báo Tiền Phong, Pocary Sweat TPHCM, đầu năm 2021 tiếp tục vô địch giải Salonpas HCMC Marathon... Thanh là một trong 4 vận động viên có tên trong danh sách đội tuyển Marathon quốc gia dự SEA Games năm nay tại Việt Nam.
Dương Thế Hùng thực hiện