Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024

Du lịch văn hóa tâm linh ở Hội An

Trong các loại hình du lịch, gần đây loại hình du lịch văn hóa tâm linh, hay du lịch tâm linh, được nhiều doanh nghiệp du lịch, các cơ sở di tích văn hóa tín ngưỡng - tôn giáo quan tâm thiết kế tour, tuyến và loại hình du lịch này ngày càng thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.

Hiểu thế nào về du lịch tâm linh?

Chùa Cầu, Hội An.

Du lịch tâm linh đang được giới học thuật bàn thảo với nhiều ý kiến khác nhau, thực chất là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố tâm linh vừa làm cơ sở vừa làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người trong đời sống tinh thần. Du lịch tâm linh khai thác những yếu tố tâm linh trong quá trình diễn ra các hoạt động du lịch, dựa vào những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với lịch sử hình thành nhận thức của con người về thế giới, những giá trị về đức tin, tôn giáo, tín ngưỡng và những giá trị tinh thần đặc biệt khác.

Du lịch tâm linh mang lại những cảm xúc và trải nghiệm thiêng liêng về tinh thần của con người khi đi du lịch. Chính vì lẽ đó mà nhiều người cho rằng du lịch tâm linh là cuộc hành hương về miền thiêng liêng cao cả, về với cội nguồn tâm linh của mình, giải tỏa bớt những vui, giận, yêu, ghét và đắm mình trong cõi thiêng khiến tâm hồn thanh thản.

Du lịch tâm linh có nhiều dạng thức tùy mục đích du lịch của du khách. Dạng thứ nhất là những hoạt động tham quan, vãn cảnh tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Đây là hoạt động phổ biến nhất hiện nay, tuy chưa phải là du lịch tâm linh đúng nghĩa.

Dạng thứ hai, mục đích được mở rộng hơn, với cách hiểu là đến các địa điểm, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng, bên cạnh tham quan vãn cảnh, còn để cầu nguyện, cúng bái, thực hành văn hóa tâm linh. Dạng thức du lịch này thường chỉ phù hợp với những người có theo tín ngưỡng, tôn giáo. Dạng thứ ba là những người có mục đích chính là tìm hiểu các triết lý, giáo pháp tín ngưỡng, tôn giáo khiến cho tâm hồn yên tĩnh, thư thái, cải thiện sức khỏe, đời sống tinh thần và cảm nhận chính mình

Hội An và du lịch tâm linh

Với hàng ngàn di tích lịch sử, văn hóa (bao gồm nhiều những di tích tín ngưỡng, tôn giáo...) Hội An thực sự là miền đất của văn hóa tâm linh. Trước hết là tục lệ thờ cúng ông bà, cha mẹ trong từng hộ gia đình, rồi hàng trăm di tích nhà thờ tộc họ, đình làng, hội quán thờ cúng tổ tiên, ông bà gắn với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, dòng tộc, tri ân báo hiếu đối với các bậc sinh thành.

Du lịch tâm linh ở Hội An còn gắn với tín ngưỡng thờ cúng, tri ân những vị anh hùng chí sĩ, những vị tiền bối có công với nước, với dân, những vị tổ nghề, những nhà giáo dục, những nhân thần, nhiên thần có công với làng được thờ làm “thành hoàng”...

Hội An là miền đất khởi phát dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh đầu tiên của cả xứ Đàng Trong nửa đầu thế kỷ 17, sau được truyền đến tận vùng Nam bộ. Hội An cùng với Đà Nẵng là nơi du nhập Thiên Chúa giáo ở Đàng Trong Việt Nam đầu thế kỷ 17. Hội An còn có sự đa dạng của tín ngưỡng, tôn giáo của người Hoa, người Việt như các hội quán, đình miếu thờ Thần, thờ Quan Thánh, thờ Thiên Hậu, thờ Bà Chúa sinh thai, thờ Bà Pô Pô, thờ Bà Thu Bồn, thờ Ngũ hành tiên nương, thờ Ông (cá Ông)... và ngoài Phật giáo, Thiên Chúa giáo... Hội An còn có Phật giáo Khất Sĩ, Phật giáo Nguyên thủy, đạo Tin Lành, đạo Cao Đài.

Các cở sở tín ngưỡng tôn giáo ở Hội An luôn gắn với chu kỳ lễ lệ, lễ hội quanh năm, đặc biệt trong tiết xuân bắt đầu với Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu... Một thực tế những năm gần đây du khách đổ về Hội An rất đông, đặc biệt là dòng khách trong nước với mục đích thực hành văn hóa tâm linh.

Việc thực hành văn hóa tâm linh như cầu cúng thần linh mong cầu phúc lành, lệ xin xăm, trả lễ thần linh...cũng đã được du khách “đồng thuận” với ban trị sự các cơ sở tín ngưỡng ngành quản lý về mặt văn hóa lễ hội - ở quan niệm lễ thức, lễ phẩm cốt ở lòng thành, hạn chế thấp nhất hoạt động mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, bảo đảm an toàn, trật tự, hài hòa trải nghiệm tâm linh đúng tinh thần văn hóa tâm linh.

Tâm linh chính là một biểu hiện trong đời sống tinh thần của con người với tất cả sự phong phú, phức tạp của nó. Đã đến lúc nhà quản lý văn hóa, các thành viên theo các tín ngưỡng, tôn giáo và cả cộng đồng tránh quan niệm “đơn giản hóa” tâm linh là “mê tín dị đoan” song cũng không nên lợi dụng tâm linh đến mức cuồng tín, tất cả đời sống phụ thuộc vào thánh thần, chăm chăm vào việc cúng dường sao giải hạn, thay đời hóa kiếp (làm lễ cắt đứt duyên kiếp với người âm)...

Hướng phát huy những giá trị văn hóa tâm linh để con người tìm thấy sự bình an tinh thần, thỏa mãn nhu cầu tâm linh với lòng vị tha, đức từ bi, khoan dung, nhân ái... những yếu tố làm nên văn hóa tâm linh.

Phùng Tấn Đông

Theo Tạp chí KTSG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề