Thứ tư, Tháng tư 30, 2025

Nóng bỏng thị trường lao động CNTT

Thùy Dung-

Theo các công ty trong lĩnh vực nhân sự, nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành công nghệ thông tin (CNTT) hiện tăng lên nhiều lần và trong tình trạng khan hiếm.

Ba năm, tăng gấp đôi

Anh Vũ Anh Tuấn, 32 tuổi, tốt nghiệp Đại học Bách khoa chuyên ngành công nghệ thông tin, cho hay kể từ khi ra trường đến nay anh chưa bao giờ có ngày nào thất nghiệp. Cứ đang làm trong công ty này thì lại có nhiều công ty khác gọi điện ngỏ ý mời sang làm việc.

“Lương trong ngành này khá cao, nếu có kinh nghiệm thì lương không dưới 30 triệu đồng/tháng. Chế độ phúc lợi cũng tốt”, anh Tuấn nói.

Sau nhiều lần chuyển nơi làm việc, hiện anh Tuấn đang là trưởng phòng ở một công ty gia công phần mềm trong lĩnh vực trò chơi điện tử của Nhật Bản.

790

Theo các công ty trong lĩnh vực tuyển dụng, CNTT đang là ngành có sức hút lớn và liên tục tăng trong những năm gầy đây. Báo cáo về thị trường tuyển dụng Việt Nam quí 1-2017 của Navigos Group cho thấy, nhu cầu tuyển dụng ngành CNTT đang ở mức cao nhất. Trong khoảng ba năm trở lại đây (từ năm 2013 đến 2016), số lượng việc làm ngành CNTT được đăng tải đã tăng gấp đôi.

 

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search, cho biết cách đây 15 năm, nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành CNTT chủ yếu phục vụ cho mảng gia công phần mềm, nhưng hiện nay xu hướng này đang chuyển dịch sang cả mảng dịch vụ. TPHCM tiếp tục là trung tâm công nghệ lớn nhất trong cả nước, chiếm 53% số lượng vị trí đăng tuyển năm 2016, tiếp đến là Hà Nội với 43%.

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó giám đốc Công ty Tư vấn Macconsult, cho rằng nhu cầu tuyển dụng lao động CNTT trong nước hiện nay được đánh giá là tăng trưởng nóng, thường xuyên đứng đầu thị trường về nhu cầu tuyển dụng trong 5 năm gần đây.

Theo kết quả khảo sát năm 2016 của trang web tuyển dụng và khảo sát lương trực tuyến JobCloud.vn, các công ty nước ngoài chủ yếu tuyển nguồn nhân lực chất lượng cao, các kỹ sư phần mềm có nhiều năm kinh nghiệm. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài sử dụng lao động CNTT của Việt Nam, trong đó Nhật Bản là quốc gia đầu tư trong lĩnh vực CNTT tại Việt Nam nhiều nhất, ngoài ra các công ty từ Mỹ, Pháp, Đức, Úc, Thụy Điển cũng liên tục mở chi nhánh tại Việt Nam.

 

Nhưng khó tuyển dụng

Hiện nay, có khoảng 30.000 sinh viên ngành CNTT tốt nghiệp mỗi năm. Các doanh nghiệp trong ngành đánh giá, lực lượng CNTT Việt Nam có điểm mạnh là trẻ, năng động, sẵn sàng tiếp cận với những công nghệ hiện đại.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Phương Mai (Navigos Search), họ còn thiếu kỹ năng chuyên môn do một phần giáo trình giảng dạy chưa theo kịp với những thay đổi hàng ngày của công nghệ và của những ngôn ngữ lập trình mới. Phần khác, họ thiếu kiên nhẫn trong việc gắn bó với với một môi trường làm việc đủ lâu để tích lũy kinh nghiệm.

Ngoài ra, sinh viên khối ngành kỹ thuật thường có xu hướng “ngại” học ngoại ngữ và rèn luyện kỹ năng mềm.

“Thực tế cho thấy chỉ có khoảng 30% sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng”, bà Mai của Navigos Search nói và cho biết thêm, nhiều công ty khi tuyển đối tượng này đã phải cung cấp cả các khóa tiếng Anh dành cho ứng viên sau khi đi làm, bên cạnh việc được tiếp tục đào tạo lại kiến thức chuyên môn.

Đại diện của Công ty Macconsult cũng cho rằng hiện nay nguồn nhân lực CNTT tuy dồi dào nhưng còn yếu về các kỹ năng mềm như quản lý dự án, làm việc nhóm và đặc biệt là khả năng sử dụng ngoại ngữ.

“Khả năng sử dụng tiếng Anh của người lao động ngành CNTT đang được đánh giá là hạn chế trong khu vực và đây được xem là rào cản để họ làm việc trong môi trường nước ngoài”, bà Nguyễn Thị Mai, Phó giám đốc Công ty Tư vấn Macconsult, nói.

Thực tế sử dụng lao động ở các doanh nghiệp cho thấy, nguồn lao động CNTT chia thành hai nhóm, nhóm làm việc trong các công ty công nghệ phần mềm chuyên nghiệp và nhóm làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ở các lĩnh vực ngành nghề khác.

Người lao động ngành CNTT tại các doanh nghiệp công nghệ có nhiều cơ hội được đào tạo về chuyên môn và chất lượng được đánh giá là đáp ứng yêu cầu công việc. Trong khi đó, chất lượng lao động CNTT tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh được cho là còn nhiều hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp đang rất thiếu những lao động có khả năng phân tích và thiết kế hệ thống, am hiểu hoạt động kinh doanh ở các ngành nghề khác nhau từ đó có thể giúp doanh nghiệp xây dựng và ứng dụng những giải pháp công nghệ thông tin hiệu quả, phù hợp với đặc thù sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó, theo Macconsult, những lao động CNTT có năng lực phân tích hệ thống thuộc nhóm lao động khó tuyển dụng. Kết quả khảo sát từ trang web JobCloud.vn cũng ghi nhận lao động CNTT thuộc top 5 ngành khó tuyển dụng nhất trong năm 2016.

 

Lương cao, đãi ngộ tốt

Theo thống kê dữ liệu việc làm đăng tải trên trang VietnamWorks trong năm 2016, và theo thông tin khảo sát từ các ứng viên trong ngành, một kỹ sư lập trình tại Việt Nam có thể đạt mức thu nhập từ 1.300 đến hơn 2.000 đô la Mỹ mỗi tháng (tương đương khoảng hơn 28 triệu đồng tới hơn 45 triệu đồng) nếu bắt kịp kiến thức về những công nghệ mới nhất trên thị trường hiện nay, đứng đầu là ứng viên có kinh nghiệm với ngôn ngữ lập trình Objective-C.

Có đến 81% nhà tuyển dụng tham gia khảo sát đã có kế hoạch tăng lương cho nhân viên trong năm 2017 với mức tăng vào khoảng 6-20%. Bên cạnh đó, các công ty “hút" lao động CNTT bằng nhiều chế độ phúc lợi khác như thưởng, cử đi đào tạo nước ngoài, chế độ bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe vượt trội hơn những khu vực khác.

Theo dự báo của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, với xu hướng sử dụng công nghệ ngày càng tăng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ tiếp tục là ngành đứng đầu về nhu cầu tuyển dụng trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Những món ăn nhất định phải thử khi ghé thăm TPHCM...

0
(SGTT) - Nếu bạn chọn du lịch TPHCM để cảm nhận không khí lễ 30-4 năm nay thì hãy nhớ khám phá ẩm thực...

Nhìn lại những công trình giao thông ‘xương sống’ đã thay...

0
(SGTT) - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mời quý bạn đọc cùng nhìn lại...

TPHCM: Lịch giải trí điện ảnh, âm nhạc, kịch nói kỳ...

0
(SGTT) - Trong kỳ nghỉ lễ 30-4 năm nay, một bộ phận người dân ở lại TPHCM và chọn các hình thức giải trí...

Sáu tuyến cáp biển kết nối Internet đã hoạt động bình...

0
(SGTT) - Mới đây, cả sáu tuyến cáp quang biển kết nối Internet Việt Nam với quốc tế đã hoạt động bình thường trở...

50 năm gìn giữ những trang báo ký ức

0
(SGTT) - Phát hành đúng vào ngày lịch sử 30-4-1975, tờ báo tuy nhẹ tênh nhưng mang trên mình sức nặng của cả một...

Bữa trưa đầu lễ thử vị mì bào ngư cồi sò...

0
(SGTT) – Ngày đầu tiên kỳ nghỉ lễ 30-4 với nhiều kế hoạch cho đêm tiệc tùng, nên buổi trưa của mọi người chỉ...

Kết nối