Thứ bảy, Tháng mười một 16, 2024

Chính sách trợ giá tạo ra cơn bùng nổ xe điện ở châu Âu

Trong năm qua, châu Âu đã đã vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới khi người dân ở khu vực này đua nhau mua xe điện với giá mềm nhờ chính chính sách trợ giá của chính phủ.

Doanh số xe điện tăng vọt

Doanh số xe điện mới ở châu Âu chiếm đến 43% thị trường toàn cầu hồi năm ngoái, trong khi đó, Trung Quốc và Mỹ giảm thị phần. Năm ngoái, doanh số xe điện ở châu Âu tăng 137%, lên 1,4 triệu chiếc, cao hơn mức tăng trưởng 12% lên 1,3 triệu chiếc ở Trung Quốc và mức tăng 4% lên 328.000 chiếc ở Mỹ, theo ev-volumes.com.

Một bãi đậu xe có các trụ sạc điện ở thủ đô Oslo, Na Uy. Ảnh: Insideevs

Tuy nhiên, cơn sốt xe điện ở châu Âu chủ yếu nhờ vào chính sách trợ giá của các chính phủ được tung ra trong thời kỳ dịch bệnh. Giới phân tích cảnh báo đà tăng doanh số xe điện ở châu Âu có thể đảo ngược khi chính sách này bị rút lại.

Hầu hết các chương trình trợ giá xe điện ở châu Âu đều hạn chế về quy mô và sẽ hết hạn vào cuối năm nay. “Thị trường xe điện cực kỳ nhạy cảm với các đợt trợ giá của các chính phủ và hãng xe. Một khi các gói trợ giá bị rút lại, doanh số xe điện ở châu Âu có thể suy giảm ít nhất 30-40% trong một hoặc hai quí”,  Arndt Ellinghorst, nhà phân tích thị trường ô tô ở Công ty Bernstein Research, nói.

Nếu không được trợ giá, xe điện vẫn tương đối đắt đỏ so với xe động cơ đốt trong. Theo giới phân tích, điều này sẽ chưa thay đổi cho đến cuối thập kỷ này khi giá pin giảm xuống nhờ công nghệ mới, quy mô sản xuất lớn hơn và sự cạnh tranh tăng lên.

Để thúc đẩy sự phổ cập của xe điện, ban đầu, châu Âu sử dụng cách tiếp cận khắt khe. Liên minh châu Âu (EU) đã siết chặt các quy định quản lý khí thải nhà kính, buộc các hãng xe phải sản xuất xe điện và xe điện lai (có thể chạy xăng lẫn chạy điện) nhiều hơn, nếu không sẽ đối mặt với các khoản phạt lớn lên đến hàng tỉ đô la.

Khi đại dịch Covid-19 ập đến, các chính phủ ở châu Âu đã tìm cách giảm tác động cú sốc kinh tế bằng cách hỗ trợ tài chính những ngành công nghiệp đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Một phần lớn của các gói hỗ trợ này dành cho những người dân mua xe điện dưới hình thức trợ giá và giảm thuế, khiến nhu cầu xe điện trong khu vực tăng vọt.

Những thay đổi tích cực trên đã làm thay đổi quan điểm bấy lâu nay của các hãng xe hàng đầu trong khu vực cho rằng thị trường vẫn chưa đủ lớn để đầu tư mạnh cho xe điện. “Giờ đây, chúng tôi có động lực để sản xuất xe điện. Chính sách trợ giá giúp xe điện trở nên hấp dẫn với người tiêu dùng. Nhưng về lâu dài, chính sách trợ giá và miễn giảm thuế dành cho xe điện sẽ không bền vững”, Hakan Samuelsson, Giám đốc điều hãng hãng xe Volvo Cars (Thụy Điển), nói.

Các nhà sản xuất cho rằng chính sách trợ giá và cơn bùng nổ mẫu xe điện mới diễn ra đúng lúc, kích thích nguồn cung lẫn nhu cầu. Chính sách trợ giá hào phóng và ưu đãi thuế phí dành cho người mua xe điện đã giúp Na Uy trở thành nước có lượng xe điện lớn nhất thế giới nếu tính theo đầu người.

Sự ra mắt của các xe điện có thương hiệu quen thuộc cũng giúp thúc đẩy doanh số. Hallgeir Langeland, một nhà hoạt động môi trường ở Na Uy, không sở hữu xe hơi trong 25 năm qua. Như khi hãng Ford tung ra phiên bản điện của dòng xe nổi tiếng Mustang của hãng này hồi năm ngoái, Langeland mua nó ngay. Hồi còn trẻ, Langeland từng chạy một chiếc Mustang.

Christian Burg, chủ một công ty xây dựng nhà tiết kiệm nặng lượng ở Đức, sử dụng chiếc BMW X3 chạy bằng diesel trong nhiều năm qua. Khi chính phủ Đức tăng mức trợ giá cho xe điện vào mùa hè năm ngoái, ông đã đăng ký để mua chiếc iX3, phiên bản điện lai của BMW X3. “Tôi nhận được khoản hỗ trợ tiền mặt 3.750 euro (4.500 đô la Mỹ)”, ông nói.

Xe điện ID.4 chuẩn bị xuất xưởng ở nhà máy của hãng Volkswagen ở Zwickau, Đức. Ảnh: Reuters

Chính sách trợ giá khó tạo ra thị trường bền vững

Tình trạng thị trường xe điện của châu Âu hiện nay giống như làn sóng xe điện ở Trung Quốc cách đây ít năm. Với tham vọng bứt phá lên trước các thị trường phương Tây, Bắc Kinh trợ giá lớn cho người tiêu dùng mua xe điện và yêu cầu các hãng xe phải sản xuất một tỷ lệ xe điện nhất định trong lượng xe mới hàng năm.

Nỗ lực này giúp hàng trăm công ty khởi nghiệp xe điện mọc lên và đẩy tăng thị phần xe điện lên mức hơn 8% doanh số xe mới vào giữa năm 2019. Nhưng đến tháng 6-2019, Bắc Kinh cắt giảm trợ cấp xe điện, khiến thị phần xe điện trong doanh số xe mới rơi xuống dưới 5% vào cuối năm đó.

Sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra, doanh số xe điện càng giảm mạnh hơn, gây hoài nghi về khả năng Bắc Kinh đạt mục tiêu nâng doanh số xe điện lên mức 20% tổng doanh xe mới vào năm 2025. Bắc Kinh nối lại chính sách trợ giá xe điện vào đầu năm ngoái nhưng một lần nữa giảm trợ giá vào tháng 1-2021.

Các chính phủ ở châu Âu đang tái cân nhắc kế hoạch giảm dần trợ giá xe điện vào cuối năm nay. Giới phân tích dự báo một số chính phủ ở các nước sản xuất nhiều xe như Đức và Pháp có thể gia hạn chính sách trợ cấp này.

Dù hầu hết giới lãnh đạo của ngành công nghiệp ô tô hoan nghênh nỗ lực của các chính phủ nhằm tạo sức bật cho các thị trường công nghệ mới như xe điện, các hãng xe lo ngại chính sách trợ giá chỉ tạo ra cơn sốt xe điện ngắn hạn.

Họ cho rằng nếu không có những thay đổi lớn hơn về cấu trúc, thị trường xe điện sẽ không bền vững. Họ kêu gọi các chính phủ tập trung hơn vào nỗ lực phát triển hạ tầng chẳng hạn hệ thống trạm sạc xe điện, cung cấp hỗ trợ để xây dựng các nhà máy sản xuất pin xe điện và đánh thuế phát thải khí carbon.

Các hãng xe ở châu Âu bắt đầu đua nhau đưa ra thị trường hàng loạt mẫu xe điện mới vào năm ngoái. Volkswagen, hãng xe lớn nhất châu Âu, đã tung ra hai mẫu xe điện ID.3 và ID.4. Các hãng xe sang khác như BMW, Mercedes và Audi cũng bắt đầu chào bán các mẫu xe điện cao cấp. Trong năm nay, Mercedes sẽ giới thiệu mẫu xe điện EQS, có các chức năng tự động hóa cao để kế nhiệm dòng xe sang S-Class trong phân khúc sedan.Khoảng 65 mẫu xe điện mới được ra mắt ở châu Âu vào năm ngoái, cao gấp đôi so với Trung Quốc. 99 mẫu xe điện nữa dự kiến được tung ra ở thị trường châu Âu trong năm nay.

Khánh Lan

Theo TBKTSG Online, Wall Street Journal

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Xe máy điện bước vào cuộc đua mới với các công...

0
(SGTT) - Thị trường xe máy điện trong nước lâu nay chủ yếu thuộc về các thương hiệu Việt Nam và Trung Quốc. Gần...

TPHCM: Doanh số bán xe máy điện tăng vào cuối năm

0
(SGTT) - Thời gian gần đây, thị trường xe máy điện tại TPHCM ghi nhận sự tăng trưởng rõ rệt về doanh số bán...

Lần đầu tiên xe Honda Civic được trang bị động cơ...

0
(SGTT) - Tại Vietnam Motor Show 2024, Honda Việt Nam đã giới thiệu Civic thế hệ thứ 11 phiên bản nâng cấp với hai...

Hơn 1,2 tỉ đồng, giá mô tô Gold Wing 2024 tương...

0
(SGTT) - Mẫu xe phân khối lớn Honda Gold Wing 2024 được nhập từ Nhật Bản với màu đỏ đen và bạc đen được...

Cuộc chiến pin xe điện (kỳ 2): Áp lực mở rộng...

0
(SGTT) - Trong xu hướng giá thành sản xuất pin giảm cùng với những kỳ vọng mới ở phòng thí nghiệm, các nhà sản...

Nhu cầu xe đạp, xe máy điện của học sinh, người...

0
(SGTT) - Doanh thu của các cửa hàng phân phối xe máy, xe đạp điện trong năm nay có sự tăng trưởng tích cực...

Kết nối