(SGTT) - Dịch Covid-19 đã làm cho công việc và cuộc sống người lao động gặp nhiều khó khăn, nhưng nhìn ở góc độ tích cực, họ đã có cơ hội thực hiện những thay đổi trong cuộc sống mà chưa chắc có thể làm được nếu không có gì xảy ra.
- TPHCM cho phép một số dịch vụ mở cửa trở lại trừ quán bar, karaoke
- TPHCM xây dựng hệ thống camera giám sát trong khu cách ly dịch
Thời điểm dịch bệnh, một số công ty, khu công nghiệp, xí nghiệp tại TPHCM, Long An... chọn cắt giảm giờ làm, cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động. Vì vậy, có rất nhiều công nhân, người lao động rơi vào tình trạng bị cắt giờ làm, thậm chí là mất việc.
Nhưng thay vì lo lắng, chán nản, nhiều người đã học cách thích nghi với cuộc sống một cách nhanh nhất. Đồng thời, họ cũng suy nghĩ tích cực để rồi có những hành động đẹp, chăm lo sức khoẻ cho bản thân, vun đắp tình cảm với gia đình và tham gia các hoạt động xã hội.
Vun đắp tình cảm, gắn kết gia đình
Để phòng chống dịch Covid-19, mọi hoạt động sinh hoạt và vui chơi ngoài trời đều hạn chế. Tuy ở nhà nhưng những người công nhân chưa hẳn đã buồn, họ có nhiều thời gian quây quần bên nhau, quan tâm và chia sẻ nhiều hơn để gia đình càng thêm gắn bó.
Anh Trần Anh Huy (45 tuổi, quê An Giang) vốn là công nhân lại Khu Công nghiệp Đức Hoà (Long An) nhưng bị mất việc do nhiều đợt dịch liên tiếp, hiện tại anh chỉ đi làm thêm ở tiệm lắp ráp cửa kính gần phòng trọ tại huyện Củ Chi, TPHCM, song công việc cũng không mấy ổn định.
Nhưng cũng nhờ có nhiều thời gian, anh giúp vợ san sẻ công việc, sắp xếp, dọn dẹp lại nhà cửa. “Tôi không giỏi mấy chuyện bếp núc, nhưng thay vì ngồi chơi đợi vợ, tôi xuống phụ nhặt miếng rau, rửa mấy cái chén, cũng chẳng nhanh hơn được bao nhiêu nhưng nhiêu đó cũng khiến vợ mình vui”.
Vợ của anh Huy là chị Y Linh (41 tuổi, quê Kon Tum), làm việc tại Công ty TNHH Rau củ quả Khang Thịnh (Củ Chi, TPHCM), cũng bị ảnh hưởng bởi dịch, nên hiện tại chị chỉ làm 4 tiếng/ ngày. Chị chia sẻ lúc trước thường ăn uống vội vã để tiết kiệm thời gian, nhưng bây giờ rảnh, nên sau khi nấu xong chị thường trang trí thêm để món ăn thêm phần đẹp mắt, “Cũng vui lắm vì mỗi bữa ăn chồng cũng hay khen mình khéo tay, bữa ăn cũng nhờ đó mà vui vẻ hơn".
Dịch Covid-19 lần này đã tác động không nhỏ đến các trung tâm hội nghị, tiệc cưới. Chị Nguyễn Thị Phương Trang (30 tuổi, quận 12), nhân viên nhà hàng tiệc cưới Đông Phương (quận 12, TPHCM) tâm sự "Bây giờ tôi ở nhà là chính nên tự tay chăm con, không gửi nhà ông bà nữa. Mấy nay định mua cho bé ít đồ chơi nhưng nghĩ sắp tới phải lo đủ thứ nên thôi. Tình cờ xem trên mạng người ta có hướng dẫn làm đồ chơi thủ công, thấy cũng dễ làm, lại không tốn kém gì mấy nên tôi cũng thử làm cho bé chơi".
Thời điểm dịch bệnh, các công ty, xí nghiệp đóng cửa là tình trạng chung, nhưng thay vì buồn rầu ủ rũ, chị Lê Thu Thảo (27 tuổi, quê Đồng Nai), công nhân TNHH PouYuen Việt Nam (Bình Tân, TPHCM) đã chủ động tìm kiếm việc làm thêm.
“Do thu nhập giảm mà dưới quê còn mẹ già, với đứa em nhỏ chuẩn bị lên lớp 12, nên tôi phải tìm thêm việc thêm để có tiền trang trải phụ giúp gia đình. May sao, được người quen giới thiệu đến phụ tại một quán nước, hằng ngày, tôi vừa phụ bán, vừa chăm con cho chị chủ”, chị Thảo chia sẻ.
Chú trọng sức khoẻ, sống có ích cho cộng đồng
Bên cạnh chăm lo, vun đắp tình cảm gia đình, những người công nhân còn dành thời gian quan tâm sức khỏe của mình đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh này. Mỗi người đều chọn cho mình một lối sống lành mạnh, nâng cao rèn luyện sức khỏe và thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày.
Anh Vũ Tuấn Anh (35 tuổi, quê Phú Yên), trước làm công nhân Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 (Bình Chánh, TPHCM); nhưng do hết hợp đồng ngay thời điểm dịch bệnh, anh bị mất việc. Sau đó anh chuyển về quận 7 để làm bảo vệ cho một quán cà phê nhỏ của người quen. Ngày chỉ làm 8 tiếng, có nhiều thời gian rảnh rỗi, anh đã tận dụng khoảng không gian trống trước phòng trọ để trồng cây, trồng hoa.
Tay cầm vòi nước tưới hàng cây xanh, anh vui vẻ trò chuyện "Trước mắt là để cho chỗ ở mình đẹp, mình lại có việc làm trong thời gian rảnh rỗi. Sau là để cho môi trường sống của mình trong lành hơn”. Bên cạnh đó, cứ đều đặn mỗi sáng, gia đình anh còn duy trì hoạt động tập thể dục, đi bộ, chơi cầu lông để rèn luyện và nâng sức khoẻ.
Cùng chung suy nghĩ phòng bệnh, gia đình anh Phạm Thành Trung (43 tuổi, quận 12, TPHCM), cho biết sau bữa cơm chiều anh thường theo dõi tin tức về diễn biến của dịch bệnh, từ đó đề phòng, cảnh báo cho gia đình nhỏ của mình.
Không chỉ sống có ích cho bản thân, anh La Minh Hiếu, lái xe ôm (47 tuổi, quận 5, TPHCM), đã chọn hành động vì cộng đồng vượt qua mùa dịch Covid-19. Khi có thời gian rảnh, anh lại sắp xếp thời gian hỗ trợ các mạnh thường quân phát bữa ăn đến cho bà con khó khăn trong các bệnh viện.
Thiết nghĩ, dịch bệnh đem đến những âu lo, khó khăn cho nhiều người dân lao động. Nhưng cũng nhờ có nó mà những người lao động đã có cơ hội sống chậm lại và tìm thấy những niềm vui, niềm hạnh phúc nhỏ mà có thể họ đã quên mất là mình đang có.
Phùng My