Thứ tư, Tháng tư 23, 2025

Thực phẩm đóng gói lép vế trước thực phẩm tươi

Chánh Tài -

Các tập đoàn thực phẩm đóng gói hàng đầu của Mỹ đang thua trong cuộc chiến giành không gian trên kệ hàng của các công ty bán lẻ, trong bối cảnh người tiêu dùng chuyển hướng sang sử dụng thực phẩm tươi, theo Wall Street Journal.

Kệ hàng bị thu hẹp

Anh-2Một siêu thị của công ty bán lẻ ShopRite ở New Jersey, Mỹ với phần không gian dành cho các kệ hàng thực phẩm đóng gói bị thu hẹp. Ảnh: Wall Street Journal.

Thay vì đẩy mạnh giới thiệu các hộp súp, hộp bột ngũ cốc, bánh quy từ các tập đoàn thực phẩm tên tuổi như Kraf Heinz, Kellogg hay Mondelez, các siêu thị và cửa hàng tạp hóa ở Mỹ đang giành nhiều không gian hơn cho thực phẩm tươi, cho các món ăn nấu sẵn và các mặt hàng từ công ty khởi nghiệp địa phương khi ý thức sức khỏe của người tiêu dùng ngày càng được nâng cao.

“Chúng tôi phải tối đa hóa lợi nhuận trên không gian kệ hàng của chúng tôi”, Don Fitzgerald, Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh của chuỗi siêu thị tạp hóa Mariano’s có trụ sở ở thành phố Chicago cho biết.

Ông Fitzgerald cho biết người tiêu dùng bị hút vào món mì ống đang bốc khói ở quầy bán đặc sản của siêu thị Mariano’s hơn là hộp mì ống khô kèm phô mai bột nằm yên vị trên kệ hàng trong nhiều tuần liền.

Công ty bán lẻ ShopRite ở bang New Jersey và các công ty bán lẻ khác trên khắp nước Mỹ đang xây nhiều siêu thị. Và cửa hàng mới được thiết kế với phần không gian dành cho thực phẩm đóng gói truyền thống bị co hẹp lại, còn không gian dành cho các nhà hàng và các món ăn nấu sẵn mà khách hàng có thể mua mang về được mở rộng ra.

“Điều này là do người tiêu dùng đang có nhu cầu ăn nhanh”, Natalie Menza, Giám đốc bộ phận sức khỏe của ShopRite cho biết.

Thực tế này có nghĩa là, không gian kệ hàng cho các thương hiệu thực phẩm đóng gói truyền thống bị thu nhỏ hơn trước sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm mang nhãn hiệu của các công ty bán lẻ và các công ty khởi nghiệp nhỏ hơn.

Người tiêu dùng chuộng đồ ăn tươi

Doanh số sản phẩm và thực phẩm đóng gói tại Mỹ giảm 2,4% trong quí 1-2017, theo hãng nghiên cứu thị trường Nielsen. Trong năm tài chính 2016, doanh số đồ uống và thực phẩm đóng gói ở Mỹ giảm 0,4% so với mức tăng trưởng 1,7% của thịt tươi, 1,9% của nông sản và 4% của các thực phẩm nấu sẵn.

Bà Teresa Benande, 70 tuổi, ở Chicago, cho biết gần đây, bà từ bỏ các gói khoai tây chiên, hộp bột ngũ cốc và chuyển sang mua ức gà, gạo lứt, khoai tây củ và rau quả tươi. “Tôi không mua những thứ đó nữa vì chúng chứa nhiều muối và đường”, bà nói.

Anna Kunz, một họa sĩ 42 tuổi, cho biết trong những năm gần đây, cô bắt đầu mua nông sản tươi và thịt tươi thay vì thực phẩm đóng hộp, đóng gói vì cô muốn đứa con gái 13 tuổi ăn uống lành mạnh. “Ăn uống sạch, đó là điều quan trọng”, cô nói trong khi đứng bên chiếc xe đẩy hàng đầy ắp đậu Hà Lan và dâu tây tại một siêu thị ở Chicago.

Sự thay đổi thị hiếu trên của người tiêu dùng diễn ra cách đây vài năm, nhưng giờ đây tác động của nó đối với các nhà sản xuất thực phẩm mới thực sự nặng nề do áp lực từ các công ty bán lẻ. Tình hình này càng trầm trọng hơn khi các công ty thực phẩm đóng gói xoay xở thích nghi với xu hướng, chuyển sang sử dụng thực phẩm hữu cơ không qua chế biến của người tiêu dùng.

Hơn nữa, đà giảm giá kéo dài của thực phẩm, do nguồn cung dư thừa của các thực phẩm cơ bản như thịt và sữa, giúp giảm chi phí của khách hàng tại các siêu thị, cho phép họ có phần tiền dôi ra nhiều hơn để mua thực phẩm tươi thay vì các thực phẩm đóng gói.

Các tập đoàn gặp khó

Tháng trước, các công ty hàng tiêu dùng và thực phẩm lớn như Unilever và Nestlé cho biết doanh thu thực phẩm của họ tại khu vực Bắc Mỹ không đạt được kỳ vọng vì ngày càng có nhiều khách hàng né các dãy kệ hàng thực phẩm đóng gói ở khu vực trung tâm của các cửa hàng và siêu thị.

Báo cáo kết quả kinh doanh quí 1-2017 của tập đoàn thực phẩm và đồ uống Mondelez (Mỹ) công bố hôm 2-5 cho thấy, Bắc Mỹ là khu vực duy nhất chứng kiến doanh thu của tập đoàn sụt giảm trong quí với mức giảm 1,9% trong bối cảnh tập đoàn này đang chống chọi với xu hướng chuyển sang lựa chọn thực phẩm tươi của người tiêu dùng Mỹ.

Hôm 3-5, Tập đoàn Thực phẩm và Bánh kẹo Kraft Heinz cho biết doanh thu tại thị trường Mỹ, chiếm 70% tổng doanh thu toàn cầu của tập đoàn này, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 4,55 tỉ đô la Mỹ.

Don Fitzgerald của chuỗi cửa hàng tạp hóa Mariano’s cho biết các siêu thị của ông cũng như của các công ty bán lẻ khác không từ bỏ các thương hiệu lớn, nhưng việc tìm cách để thu hút khách hàng đến các dãy kệ hàng thực phẩm đóng gói trở nên khó khăn.

Một số thương hiệu thực phẩm đóng gói tìm cách đưa sản phẩm của họ vào khu vực thực phẩm tươi và nấu sẵn của các siêu thị, nhưng Fitzgerald nói rằng: “Nếu chúng tôi đặt sản phẩm đóng gói của các thương hiệu lớn đè lên thực phẩm tươi, chúng tôi sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh”.

Thay vì thế, các tập đoàn bán lẻ như Wal-Mart đang gây sức ép buộc các thương hiệu thực phẩm đóng gói hạ giá sản phẩm để thu hút khách hàng. Trong khi đó, các công ty thực phẩm và đồ uống khác như Hershey và PepsiCo cho biết họ đang làm việc với các công ty bán lẻ để hỗ trợ đổi mới không gian của các dãy kệ hàng ở khu vực trung tâm của các siêu thị.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Giá vàng miếng giảm 2 triệu đồng mỗi lượng trong sáng...

0
(SGTT) - Sáng nay (23-4), giá vàng miếng SJC đã “hạ nhiệt”, giảm 2 triệu đồng mỗi lượng, giao dịch quanh mức 122 triệu...

Hà Nội: Người dân diện áo dài, cầm cờ đỏ sao...

0
(SGTT) - Sáng 23-4, nhiều người mặc áo dài, tay cầm cờ đỏ sao vàng, đến các địa điểm lịch sử ở Hà Nội...

Những đầu số điện thoại có khả năng ‘lừa đảo’

0
(SGTT) - Thời gian gần đây, các hình thức lừa đảo qua điện thoại xuất hiện nhiều với các kịch bản giả danh công...

Tiếc thay tiếng hò sông Hậu đã đi vào dĩ vãng

0
(SGTT) - Một thời, vào những đêm trăng thanh gió mát, tiếng hò huê tình vang vọng trên sông Hậu, sông Cần Thơ, cất...

Toàn cầu hóa 2.0 mở ra thế cân bằng mới

0
(SGTT) - Việc Mỹ áp thuế “đối ứng” 10% với hầu hết hàng nhập khẩu và đến 145% với hàng Trung Quốc được xem...

Khoảng 13.000 hộ kinh doanh ở TPHCM sẽ phải khởi tạo...

0
(SGTT) - Từ ngày 1-6, hộ kinh doanh có doanh thu khoán từ 1 tỉ đồng/năm trở lên, thuộc 6 nhóm ngành nghề theo...

Kết nối