Thứ tư, Tháng Một 15, 2025

Đi lại toàn cầu vẫn bế tắc, du lịch quốc tế ngắc ngoải

Triển vọng phục hồi đi lại toàn cầu trong năm nay dần tắt giữa lúc các chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 bị trì hoãn và các nước vẫn đóng cửa biên giới.

Đại dịch Covid-19 đã tàn phá ngành công nghiệp không khói, gây tổn thương nặng nề cho các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch. Các điểm đến du lịch hàng đầu thế giới từ Thái Lan cho đến Iceland từng kỳ vọng vắc-xin Covid-19 sẽ cho phép các nước tái mở cửa biên giới sớm, thúc đẩy đà phục hồi du lịch đang được mong mỏi trong năm 2021. Giờ đây, với việc chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 bị trì hoãn ở nhiều nước và các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện, du lịch quốc tế có thể đình trệ thêm nhiều năm nữa.

Cuộc khảo sát do UNWTO thực hiện trong tháng 1-2021 cho thấy chỉ có 41% số chuyên gia tin rằng du lịch quốc tế sẽ phục hồi đầy đủ vào năm 2024. Ảnh: eturboNews

Đến năm 2024, du lịch quốc tế mới phục hồi đầy đủ

Sau khi xác nhận rằng 2020 là năm tồi tệ nhất của ngành du lịch toàn cầu với lượt du khách quốc tế giảm 1 tỉ người, Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hộp Quốc (UNWTO) dự báo triển vọng phục hồi của ngành du lịch trong năm 2021 đang xấu hơn. Trong cuộc khảo sát của UNWTO vào tháng 10 năm ngoái, 79% chuyên gia tin rằng du lịch quốc tế sẽ bật dậy trong năm 2021. Nhưng trong cuộc khảo sát thực hiện vào tháng 1-2021, chỉ có 50% số chuyên gia tin như vậy và khoảng 41% số chuyên gia cho rằng du lịch quốc tế sẽ chưa phục hồi trở về mức trước đại dịch cho đến sớm nhất là năm 2024.

Nhiều hãng hàng không và hãng du thuyền đã dừng vận hành hàng loạt máy bay và du thuyền đồng thời sa thải hàng chục ngàn nhân viện. Nhiều khách sạn buộc phải đóng cửa để tiết kiệm tiền mặt cho đến khi du khách quay trở lại. Tình hình này khiến lao động trong ngành du lịch phải tìm công việc mới để mưu sinh.

Tại khu đền cổ Angkor Wat ở Campuchia, Sam Sophea từng tổ chức 150 tour mỗi tháng trong mùa cao điểm. Giờ đây, ông cùng vợ và hai con trai rơi vào cảnh thất nghiệp.

Số du khách nước ngoài đến thăm Angkor Wat giảm 82% vào năm ngoái và giảm 99,5% trong trước so với tháng 1-2020. Sophea đang cân nhắc mua một chiếc xe tải để chở đá dăm phục vụ các dự án đường xá mới. Hồi đầu tháng này, James Sowane, chủ doanh nghiệp vận chuyển du khách ở đảo quốc Fiji, đã triệu tập cuộc họp với các nhân viên để đề nghị họ tìm việc làm khác. Trước đó, tận dụng chương trình hỗ trợ trả lương của chính phủ, ông đã gọi một số nhân viên đi làm lại với hy vọng rằng du lịch sẽ phục hồi vào tháng 4 tới khi các chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 được triển khai rộng rãi trên toàn cầu.
Nhưng giờ đây, ông cho rằng du khách quốc tế sẽ chưa quay trở lại Fiji cho đến năm sau.

Trước đại dịch, du lịch và các hoạt động liên quan chiếm 10% GDP toàn cầu và đóng góp 10% tổng số việc làm trên thế giới, theo ước tính của Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC). Nhiều nơi, từ các đảo quốc ở Thái Bình Dương cho đến Macau, Hy Lạp, tỷ trọng đóng góp của du lịch cho nền kinh tế thậm chí còn lớn hơn.

Doanh nghiệp du lịch không thể sống sót nếu không thích ứng

Tỏ ra bi quan về sức chống chọi của doanh nghiệp du lịch, Ross Dowling, giáo sư chuyên ngành du lịch ở Đại học Edith Cowan ở Úc, nói “Họ sẽ không thể sống sót nếu không thích ứng vì không có sức chống chọi nào giúp bạn vượt qua thêm một năm khó khăn nữa”.

Tính đến ngày 1-2, lượng vé máy bay được đặt mua cho các chuyến bay quốc tế trong sáu tháng tới chỉ ở mức 15,5% so với cùng kỳ năm 2019, theo Công ty phân tích xu hướng đi lại hàng không ForwardKeys. Số chuyến bay trên toàn cầu đã lên lịch bay trong tháng này giảm gần 50% so với tháng 2-2019 với một số thị trường giảm đến 90%, theo Công ty dữ liệu Cirium.

Tại Mỹ, nhu cầu khách sạn sẽ chưa hồi phục về về mức của năm 2019 cho đến năm 2023 và giá phòng cũng sẽ chưa phục hồi đầy đủ cho đến năm 2025, theo nhận định từ một báo cáo chung của Công ty dữ liệu khách sạn STR và Công ty Tourism Economics.

Hãng nghiên cứu thị trường du lịch Phocuswright dự báo tổng giao dịch đặt chỗ du lịch ở Mỹ bao gồm khách sạn, vé máy bay và thuê xe ở Mỹ vào năm 2024 vẫn sẽ dưới mức của năm 2019. Hãng này cho rằng đà phục hồi ở châu Âu thậm chí còn chậm hơn.

“Vắc-xin được kỳ vọng là giải pháp cho mọi vấn đề. Nhưng chúng tôi cho rằng các chính phủ sẽ thận trọng với việc tái mở cửa biên giới”, Charuta Fadnis, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Phocuswright, nói. Theo tính toán của Ngân hàng UBS, với tốc độ tiêm chủng hiện tại, chỉ có chưa đến 20% dân số thế giới được tiêm vaccine Covid-19 trong năm nay.

Một số điểm đến du lịch nổi tiếng hy vọng rằng lượng khách địa phương gia tăng sẽ làm giảm nhẹ tổn thất từ mảng du khách quốc tế. Thực tế, du khách địa phương đã hỗ trợ du lich ở nhiều nước châu Âu vào mùa hè vừa rồi nhưng vẫn chưa rõ các chính phủ có mạo hiểm nới lỏng đi lại giống như năm ngoái, để rồi hứng làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai gay gắt hơn.

Tại Tây Ban Nha, nơi lữ hành và du lịch từng đóng góp đến 14% GDP, nền kinh tế suy giảm đến 11% trong năm ngoái, mức giảm mạnh nhất trong số các nền kinh tế thuộc khu vực sử dụng đồng euro (eurozone).

Du khách quốc tế đến Tây Ban Nha trong năm 2020 giảm 75% so với năm trước đó. Chính phủ nước này đã bơm nhiều tỉ đô la vào nền kinh tế và bảo vệ việc làm thông qua các chương trình hỗ trợ trả lương nhân viên cho doanh nghiệp nhưng các nỗ lực này có thể chấm dứt sớm.

Dù dự báo GDP của Tây Ban Nha sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm nay nhưng Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha cho biết quy mô nền kinh tế sẽ chưa quay trở về mức trước đại dịch cho đến giữa năm 2023, tức chậm hơn khoảng một năm so với đà phục hồi của nền kinh tế tổng thể của eurozone. Tây Ban Nha cải thiện chậm hơn một phần là ngành du lịch nước này mất nhiều thời gian để phục hồi.

Vẫn còn tranh cãi về hộ chiếu vắc-xin

Thuyền chở du khách ngắm cảnh trên sông Chao Phraya nằm ‘đắp chiếu’ ở một bến thuyền ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters

Cộng đồng doanh nghiệp du lịch và lữ hành toàn cầu muốn thúc đẩy sự phục hồi của du lịch quốc tế bằng ‘hộ chiếu vắc-xin’, bao gồm các ứng dụng di động thông báo cho giới chức trách biết du khách đã được tiên chủng vắc-xin Covid-19, vì vậy, không cần phải cách ly. Nhiều hãng hàng không và sân bay trên thế giới đang thử nghiệm nhiều dạng hộ chiếu vắc-xin.

Song các chính phủ vẫn chưa thống nhất vấn đề này. Giới chức trách Anh phản đối một dạng hộ chiếu vắc-xin sử dụng cho toàn châu Âu vì lo ngại rằng người đã được tiêm vắc-xin Covid-19 vẫn có thể lây virus SARS-CoV-2 cho người khác. Ho cũng nói rằng việc cho phép mọi người đi lại thoải mái dựa vào việc xác nhận họ đã được tiêm vắc-xin Covid-19 là phân biệt đối xử với những người chưa được tiêm.

Tuy vậy, Đan Mạch sẽ trở thành nước đầu tiên chính thức cấp hộ chiếu vắc-xin số hóa vào cuối tháng này và ban đầu, sẽ cấp chúng cho du khách đi công tác.

Vẫn chưa rõ khi nào mọi người mới cảm thấy thoải mái để đi du lịch trở lại. Becky Wentland, một giáo viên trung học ở California, Mỹ cho biết cô sẽ không đi du lịch trong nước cho đến khi toàn bộ gia đình cô được tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Cô cũng sẽ đợi cho đến khi tốc độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 giảm xuống đáng kể rồi mới xem xét  đi du lịch nước ngoài.

Hồi đầu đại dịch, Elias Gislason, Giám đốc chất lượng và phát triển ở Ủy ban Du lịch Iceland, dự báo du khách sẽ quay trở lại đảo quốc này vào cuối mùa hè năm ngoái. Giờ đây, ông cho rằng Iceland đón lượng du khách du khách chỉ tương đương 1/3 so với thông thường trong năm nay. Ông kỳ vọng ngành du lịch Iceland phục hồi hoàn toàn vào năm 2023.

“Sự thật là không ai biết chắc tình hình sẽ như thế nào. Tất cả phụ thuộc vào tốc độ triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19”, Elias Gislason nói.

Chánh Tài

Theo Wall Street Journal, TBKTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Tour du lịch thích ứng thời tiết: Không nên chỉ là...

1
(SGTT) – Theo nhận định từ một số chuyên gia du lịch và đơn vị lữ hành, sản phẩm du lịch thích ứng với...

Tour du lịch thích ứng thời tiết tại miền Trung

2
(SGTT) - Tình hình mưa lũ ngày càng diễn biến phức tạp đã đặt ra nhiều thách thức cho ngành du lịch. Tuy nhiên,...

Du lịch miền Bắc ảnh hưởng nặng nề vì bão lũ

0
(SGTT) - Bão Yagi không chỉ gây ra những tổn thất nặng nề về người và của, mà còn khiến ngành du lịch miền...

Loạt tour du lịch miền Bắc bị hoãn, hủy do ảnh...

0
(SGTT) – Ghi nhận tại một số doanh nghiệp lữ hành, bão Yagi và hệ quả sau bão đã khiến nhiều tour du lịch...

Nữ CEO với ước mơ ‘Mỗi gia đình Việt có ít...

0
(SGTT) - Từng học Thạc sĩ về Phát triển cộng đồng tại Australia và có nhiều năm sinh sống ở Thụy Sĩ, nhưng chị...

Nhiều doanh nghiệp Việt tập trung phát triển du lịch xanh,...

0
(SGTT) - Phát triển du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm đang được nhiều doanh nghiệp du lịch Việt lựa chọn khi có...

Kết nối