Việc sử dụng gạch không nung hướng đến mục tiêu thay thế 20-25% gạch đất sét nung vào năm 2015 là một hướng đi đã được Chính phủ xác định và thúc đẩy bằng việc ban hành quyết định về chương trình này từ năm 2010. Song đến nay, việc tiêu thụ gạch không nung vẫn gặp nhiều khó khăn.
Sản xuất tăng, tiêu thụ chậm
Hiện tại đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất loại gạch không nung và sản lượng theo đó cũng tăng mạnh trong những năm qua. Trong buổi hội thảo bàn về phát triển vật liệu xây dựng không nung được tổ chức tại Cần Thơ giữa tuần qua, ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VABM), cho biết nếu như năm 2011 chỉ sản xuất được khoảng 3,3 tỉ viên gạch không nung thì đến thời điểm này năng lực sản xuất của cả nước đã đạt khoảng 6 tỉ viên/năm, tức tăng khoảng 2,7 tỉ viên so với năm 2011.
Theo ông Huynh, với sản lượng như trên (6 tỉ viên/năm) cơ bản đã đáp ứng được định hướng phát triển đến năm 2015 là số lượng gạch không nung phải bằng khoảng 20-25% so với số lượng gạch nung truyền thống. Tuy nhiên, ông Huynh nhận định, dù năng lực sản xuất phát triển nhanh nhưng việc tiêu thụ loại sản phẩm này thời gian qua rất khó khăn. Theo thống kê của VABM, trong số 3,3 tỉ viên gạch không nung được sản xuất ra trong năm 2011 thì lượng tồn kho đã chiếm đến 475 triệu viên. Sang năm 2012, lượng gạch không nung tồn kho tiếp tục tăng mạnh và đã vượt con số 1,2 tỉ viên, dù sản lượng năm 2012 cũng chỉ tương đương năm 2011, tức khoảng 3,3 tỉ viên.
“Thị trường tiêu thụ yếu do chúng ta chưa quen sử dụng gạch không nung. Một số công trình nhà cao tầng do nước ngoài đầu tư họ đã sử dụng nhiều gạch không nung, còn chúng ta do tư vấn thiết kế chưa mạnh dạn sử dụng nên cũng làm hạn chế”, ông Huynh giải thích nguyên nhân khiến việc tiêu thụ gạch không nung còn ít.
Ông Lê Kim Giàu, Giám đốc Công ty cổ phần Hưng Khang, cho rằng ngoài nguyên nhân chi phí cao (một số thông tin công bố, cho biết gạch không nung có giá cao hơn gạch đất sét nung khoảng 70-80% – PV) thì việc lưu giữ vật liệu này trên công trường rất khó vì gạch dễ bị hút nước khi có mưa và rất lâu khô, hay việc thi công đòi hỏi người thợ phải có tay nghề.
[box type="download"] Theo ước tính của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, nhu cầu về gạch của cả nước vào khoảng 42 tỉ viên/năm, cần khoảng 60 triệu m3 đất sét, tương đương khoảng 3.000 ha đất nông nghiệp/năm. Đồng thời, hoạt động sản xuất gạch đất sét nung cũng tiêu tốn khoảng 5,6 triệu tấn than, thải ra môi trường khoảng 17 triệu tấn khí CO2/năm.
Chính phủ xác định việc thay thế gạch đất sét nung bằng gạch không nung là hướng đi quan trọng và đã có Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28-4-2010 về chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2015, định hướng năm 2020.[/box]
Càng thêm khó
Mới đây, UBND tỉnh Bến Tre có quyết định ngưng bắt buộc sử dụng loại gạch không nung ở các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước của tỉnh.
Theo Sở Xây dựng Bến Tre, nguyên nhân dẫn đến quyết định trên là do qua kiểm tra các công trình sử dụng gạch không nung trên địa bàn tỉnh thì phát hiện có đến bốn công trình xảy ra sự cố nứt kết cấu khối xây, vữa tô...
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị bên lề hội thảo, một số đại biểu cho rằng tình hình trên có thể có ảnh hưởng đến việc tiêu thụ gạch không nung. “Thời gian qua người dân sử dụng còn rất dè chừng và mới chỉ là giai đoạn làm quen dần với gạch không nung. Tuy nhiên, với một số công trình xây dựng xảy ra sự cố nứt tường và phải tạm ngưng bắt buộc sử dụng, thì người dân sẽ nghi ngại về chất lượng của sản phẩm này”, một vị đại biểu nói.
Ông Huynh của VABM cho rằng cần phải kiểm tra kỹ xem vì sao công trình bị nứt và nếu nứt do vật liệu không nung thì kiểm tra xem là loại sản phẩm nào. Theo ông Huynh, trong quá trình xây dựng nếu thợ thi công trám vữa xây không tốt hoặc nền móng không được làm cẩn thận cũng có thể dẫn đến bị nứt. Có cùng quan điểm, ông Giàu cho rằng cần tìm ra nguyên nhân vết nứt các công trình là do đâu. Nếu do gạch thì cần xác định sản phẩm bị lỗi như thế nào, vì đây là vấn đề có ảnh hưởng đến sự phát triển loại vật liệu mới này.
Trung Chánh