Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Tết nhà cắc chú

Gió chướng lao rao ngọn về. Mang theo mùi biển khơi măn mẵn. Mang theo mùi đất đai thức dậy sau bao tháng mưa mùa. Mang theo gió trời nồng nã. Trong cái nắng, ngọn gió đó, tôi nghe “mùi Tết” đang về. Rồi nhớ thị trấn nhỏ bên nhánh nhỏ sông Hậu, trên mảnh đất giồng, nơi có ba dân tộc cộng cư: Việt, Hoa và Khmer, mà người Tiều (Hoa) chiếm đa số, được người địa phương, kể cả họ, gọi là cắc chú (*). Càng về già tôi càng nhớ đến nơi tôi cắt rún, nhớ nhứt vào những ngày sắp Tết.

Hồi đó, vào ngày Đông chí, má tôi lụi cụi nấu nồi chè ỷ để cúng “ăn chịu tuổi”. Chè ỷ giống chè xôi nước của người Việt nhưng khác ở chỗ có nhiều viên nhỏ cỡ ngón tay cái. Những viên ỷ này hấp dẫn tụi con nít chúng tôi hơn mấy viên xôi nước bự cỡ trứng gà, có nhân đậu xanh béo thơm. Từ bữa đó người dẫn tôi tới nhà pệ Xị (bác Tư) đo may quần áo mới. Tôi nôn nao với mùi vải nhẹ tỏa từ trên vách tường. Tết sát một bên.

Sáng ngày Ba mươi Tết, ba tôi mướn ông Tiều già viết trên giấy hồng điều bốn chữ “Ngũ phúc lâm môn” dán trên cửa cái. Hai bên cửa cái, kể cả mấy thân cột đều dán liễn với những câu: “Xuất nhập bình an”, “Kim ngọc mãn đường”, “Tân xuân đại cát”, “Nhứt bổn vạn lợi”, “Vạn sự như ý”... Tất cả nhằm mong ước năm mới an khang thịnh vượng, gia đình mạnh khỏe, làm ăn phát đạt... Lại còn dán cạnh cặp liễn hình tiên đồng ngọc nữ cười như hoa, mỗi vị cầm một trái đào tươi. Màu liễn đỏ khiến không gian ấm áp. Ba cũng còn treo tranh Tết, gọi là “niên họa” nhằm trừ tà, chiêu phúc, cầu tài, thể hiện ước mơ cao đẹp...

Trong khi đó má cùng hai xố (chị dâu) tôi nấu bữa cơm cúng rước ông bà về ăn Tết cùng con cháu. Bữa cúng thật thịnh soạn bày trong những tô chén dĩa kiểu mới au vì má cất trong rương chỉ dành cho những ngày trọng đại như vầy. Cúng xong dọn đồ ăn ra tợ (bàn) mặt tròn, tượng trưng sự đoàn viên. Cả nhà ngồi quanh. Hai hia (anh) tôi đi làm mướn trên tỉnh đã về.

Tập quán người Tiều dù nhà khá giả hay giàu có cũng đều cho con trai đi làm công cho người khác, để học hỏi kinh nghiệm, học tánh tự lập, nhất là giảm bớt tánh ỷ lại, biết khiêm nhường... Bữa cơm ê hề với các món xào, kho, nướng, canh... Bên cạnh những món ngon của người Việt mà cũng là món ăn ưa thích của người Tiều như canh khổ qua dồn cá thác lác, cải rổ xào thịt bò, thịt kho hột vịt..., là những món rặt Tàu như hột vịt chiên xái pấu (củ cải muối) xắt sợi, xái pấu hầm đuôi heo đậu phộng hột, lạp xưởng, vịt lạp, canh tóc tiên, giò heo nấu nấm đông cô..., còn có những món truyền thống rặt cắc chú, nhưng mỗi năm một khác. Ví như năm nay má dọn món cá bống tượng chưng tương hột, nấm mèo, bún tàu. Năm khác má bày món chen chú (cá chiên hầm nước). Tuy nhiên ba tôi “chê” thịt cá, chỉ thuần gắp những cọng bún tàu, cà chua, hành gốc... Tôi ưa mút đầu cá mà sụn nhai xừn xựt với nước tủy béo như bơ, sướng con tì con vị. Có năm má dọn món xung xại (cải mùa xuân) hầm ba rọi chiên cháy cạnh.

Những khi ăn món này, ba tôi thường kể “tích” người Tiều xưa. Đó là khi nạp tài, chú rể cầm trên tay bó xung xại trao cho nhà gái như lời hứa hẹn sẽ đem lại cho cô ấy nhiều hạnh phúc, xanh tươi, tốt đẹp như mùa xuân...

Quan trọng nhất trong bữa cơm cúng rước ông bà và cúng tất tiễn ông bà đi luôn có sự hiện diện của cái cù lao. Cù lao là một cái ô có chân, trong lòng có ống hình trụ hơi túm đầu đựng than cháy đỏ khiến nước lèo lúc nào cũng sôi sùng sục. Có thể nói đây là món canh đầy tốn kém và công phu với vô số thực phẩm. Có năm, để thay đổi khẩu vị, má cúng cù lao cá cầu mong dư dả cả năm (cá tiếng Hán đọc là dư).

Xong bữa cơm, má tôi bày trên bàn tròn trước bàn thờ, trải khăn vải bông, chính giữa để bình bông vạn thọ (không chưng cành mai), vây quanh hình cánh cung là hai hàng la de (bia), nước ngọt. Trong lòng những thức uống trang trí này là dĩa trái cây bự, hai bên hai dĩa dưa hấu lớn dán giấy hồng điều hình thoi với chữ “Phước” lóng lánh vàng kim nhũ. Buổi xế chiều, cả nhà xúm nhau rửa sạch sân gạch tàu, cho tụi tôi bận quần áo mới, trước đó mấy ngày đã “hớt tóc ăn Tết”, với lời dặn không được đánh lộn, chửi bới, nói tục trong suốt năm mới, mới có tiền lì xì...

Phù Sa Lộc

Theo TBKTSG Xuân Tân Sửu

(*) Từ “cắc chú”, đọc trại từ chữ “khách trú” vì khi xưa người Hoa không được nhìn nhận là cư dân mà chỉ là dân ở trú mà thôi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Không khí Tết tràn xuống đường phố Sài Gòn

0
(SGTT) - Những ngày cận Tết, các tuyến phố, trung tâm thương mại, hàng quán bắt đầu tràn ngập sắc đỏ, sắc vàng. Đặc...

Để chấm dứt chuyện ‘hông giống con giáp nào’

0
Dạo gần đây cứ khi Tết đến, hình tượng linh vật là con giáp năm đó được trưng bày và người dân và báo...

Bến Bình Đông nay và xưa 

0
(SGTT) - Bến Bình Đông, một bến thuyền hiện hữu từ thời xa xưa, là nơi mang dấu ấn sông nước Sài Gòn xưa...

Ngay từ thời thực dân, cấm đốt pháo nhưng cho… đua...

0
(SGTT) - Vào cuối năm 1861, chỉ hơn hai năm sau khi chiếm được Sài Gòn, thực dân Pháp đã ban hành lệnh cấm...

Hàng Tết đầy kệ, siêu thị tại TPHCM dần nhộn nhịp

0
Trong những ngày này, không khí mua sắm Tết tại các siêu thị ở TPHCM đã dần nhộn nhịp, người dân có nhiều lựa...

Khởi sắc hoa tết Bình Thuận những ngày đón xuân về

0
(SGTT) - Chỉ còn hơn một tuần là đến Tết Âm lịch 2022, các nhà vườn trồng chuyên canh hoa, cây kiểng ở Lagi,...

Kết nối