Thứ sáu, Tháng mười một 29, 2024

Men say biển đảo

Cho ra đời một loại bia mang tên hai quần đảo thân yêu của Tổ Quốc nơi đầu sóng ngọn gió, ông chủ thương hiệu bia mới không chỉ muốn lan tỏa cảm xúc thiêng liêng về chủ quyền đến thật gần gũi với mọi người, mà còn mong muốn trích một phần lợi nhuận để ủng hộ cho bảo tàng Hoàng Sa ở Đà Nẵng, ủng hộ cho các chiến sĩ hải quân đang công tác ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Câu chuyện ra đời bia mang thương hiệu Hoàng Sa Trường Sa lại chính là từ gợi ý của một vị lãnh đạo lực lượng Hải quân. Doanh nhân Trần Song Hải, ông chủ thương hiệu bia này, vốn làm việc trong nhiều lĩnh vực và thường liên quan tới biển đảo.

Công ty đầu tiên và lớn nhất trong số các công ty ông điều hành là một công ty chuyên cung cấp thiết bị cho cảnh sát biển, hải quân, bộ đội biên phòng và lực lượng cứu hộ cứu nạn, trong đó, ông đặc biệt còn cung cấp tàu cao tốc kết nối đất liền với các đảo như Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý và sắp tới là tàu cao tốc dự kiến ra được tới quần đảo Trường Sa.

Một lần đi công tác ở Đức, quá mê bia thủ công của họ, ông Hải đã mua một cơ sở nấu bia thủ công của Đức, đưa về Việt Nam mày mò làm thử. Ông mời cả chuyên gia Đức sang làm việc cho nhà máy. Đầu năm 2019, ông cho ra đời một loại bia mang tên B49 - viết trại đi từ tên bãi Tư Chính - một rạn san hô trên thềm lục địa của Việt Nam, nơi Việt Nam có nhà giàn DK1 đương đầu với mọi thử thách.

Cái tên xuất phát từ việc thời điểm đó, các tàu nước ngoài dữ dội quấy phá công tác khoan thăm dò dầu khí mà Việt Nam đang tiến hành hợp pháp trên biển.

Trần Song Hải năm ấy có cơ hội đón đoàn thủy thủ tàu sân bay của Mỹ đến thăm Việt Nam, ông mang bia này ra mời. Họ thắc mắc hỏi sao không phải là B52 mà là B49, ông Hải trả lời B52 là nợ máu với nhân dân Việt Nam nên tôi không thể đặt tên đó, mà B49 là viết tắt của Bãi Tư Chính là của Việt Nam.

"Sau đó, trong cuộc làm việc với một vị lãnh đạo Hải quân, tôi "khoe" với ông câu chuyện này", Trần Thanh Hải kể. "Chính vị lãnh đạo hải quân nói rằng, Trung Quốc có bia Tsingtao (Thanh Đảo), Nhật Bản có bia Sapporo và Kirin gắn với tên hai hòn đảo nổi tiếng… chúng ta phải có bia Trường Sa và Hoàng Sa".

Người khác có thể không chú ý lắm đến lời nói đó, nhưng Trần Thanh Hải là người bao năm nay "máu lửa với công tác biển đảo" như ông bộc bạch. Vậy là bia mang tên Hoàng Sa, Trường Sa ra đời.

Vị giám đốc Công ty TNHH Seefahrer Premium Beer, cho biết từ đề bài được đặt ra ấy, ông gặp gỡ các chuyên gia quốc tế, tư vấn chọn ra loại bia phù hợp với người Việt Nam.

Đó là đề bài không dễ khi tìm một hương vị bia phù hợp với văn hoá ẩm thực của người Việt, vừa dung hoà được ẩm thực phương Tây.

Và các chuyên gia người Đức đã bắt tay làm được điều ấy sau 7 tháng ấp ủ, với 5 mẻ thử khác nhau để cuối cùng đã cho ra được hương vị bia đậm đà, thanh dịu với Abv 5,8%, phù hợp với số đông người Việt mang tên bia thủ công Hoang Sa special và Truong Sa special.

"Câu chuyện ở đây không đơn thuần là bia, mà thông điệp là hai quần đảo của chúng ta thấm vào máu thịt của từng người và là biểu tượng rất thiêng liêng. Chính vì vậy nên tôi lấy tên hai quần đảo này đặt cho hai sản phẩm bia và không ngờ được mọi người ủng hộ", ông Hải chia sẻ.

"Tôi muốn chinh phục mọi người bằng ý nghĩa của tên bia và chất lượng của nó. Nhưng đây là bia thủ công nên giá thành khá cao. Trong công ty tôi có những anh em rất giỏi, họ sẽ đưa ra ý tưởng để giảm giá thành để sản phẩm có thể tới với tất cả mọi người. Và một điều không thể bỏ qua, là công ty có những chính sách trích lợi nhuận để ủng hộ cho bảo tàng Hoàng Sa ở Đà Nẵng, ủng hộ cho các chiến sĩ hải quân đang công tác ở Trường Sa".

Ông chia sẻ về kỳ vọng sản phẩm của mình sẽ là một gợi ý để mọi người chú ý Việt Nam là quốc gia đại dương, tiềm năng  phát triển kinh tế biển là vô tận, từ du lịch, giao thông, năng lượng, du lịch biển... vừa đem lại nguồn lợi kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường biển, bảo vệ chủ quyền đất nước.

"Biết đến Bia Hoàng Sa Trường Sa, tôi rất vui vì đó là cái tên mang ý nghĩa về lãnh thổ, về Tổ quốc, là tình yêu, là niềm tự hào của tất cả người Việt Nam nói chung trong đó có tôi", Đại tá Lê Nam Sơn, Phó Lữ đoàn Trưởng, Lữ đoàn 125, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân nói. "Sản phẩm mang tên Trường Sa Hoàng Sa luôn luôn gần gũi, thân thiết với người Việt hàng ngày, khi dùng sản phẩm đó sẽ góp phần lan toả tên hai quần đảo của chúng ta ở khắp mọi nơi".

Đại tá Lê Nam Sơn cho rằng, việc lấy tên địa danh đất nước đặt cho sản phẩm của doanh nghiệp đã có quy định của pháp luật  và được cơ quan quản lý cấp phép. Ông dự đoán, nếu sản phẩm trở thành thương hiệu quốc gia thì cái tên Hoàng Sa, Trường Sa sẽ có giá trị rất lớn. "Có những sản phẩm mang thương hiệu quốc gia sẽ đem đến nhiều cái lợi cho cả doanh nghiệp và đất nước", ông kỳ vọng. Doanh nghiệp phát triển thì đất nước phát triển, người dân được sống thịnh vượng, an vui.

Tình yêu nước có thể được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Với ông Trần Song Hải, đó không chỉ bằng một thương hiệu bia hay việc làm đối tác của hải quân, cảnh sát biển. Ông kể rằng, từ nhỏ đến lớn ông luôn luôn nghĩ về biển đảo. Cha của ông là một người lính hải quân được đào tạo ở Mỹ và sau năm 1975 ông đã ở lại Việt Nam, giúp quân đội Việt Nam đào tạo, huấn luyện sử dụng các phương tiện hải quân do chính quyền Việt Nam Cộng hòa để lại.

"Cha tôi thường xuyên giáo dục tôi là đất nước đã thay đổi, tương lai của con chính là Tổ quốc bây giờ của con, là chính quyền của con cho nên con phải tôn trọng, tuân thủ và phải bảo vệ tổ quốc, ba tôi đã huấn luyện tình yêu đất nước từ nhỏ cho tôi", ông Hải nói.

Lúc ông Hải sinh ra đời, cha ông đang làm việc trên một con tàu sau này chính là tàu Trần Khánh Dư tham gia trận hải chiến Hoàng Sa. Mẹ ông hỏi đặt tên con là gì, cha ông bảo đặt tên Hải. "Có lẽ đây là cái duyên, nên làm gì tôi cũng thích liên quan đến biển", ông Hải chia sẻ, thậm chí "máu lửa với biển đảo".

Sau này, ông trở thành bí thư đoàn trường đầu tiên của trường Marie Curie (TPHCM), ông mong ước rất nhiều nhưng mong ước lớn nhất là làm được điều gì đó cho đất nước mình.

Quay trở lại với câu chuyện bia Hoàng Sa Trường Sa, ông Hải cho biết nhiều nhà phân phối ở một số nước đã đàm phán để đưa bia này ra nước ngoài, kể cả đưa sang Hồng Kông (Trung Quốc). Đó cũng chính là mong muốn của ông Hải – lan tỏa cái tên Trường Sa Hoàng Sa ra nước ngoài để tăng cường nhận thức về chủ quyền của Việt Nam. "Người tiêu dùng đã khuyến khích đưa thêm dòng chữ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” lên nhãn bia, và các lãnh đạo Hải quân cũng góp ý nên đưa dòng chữ này bằng tiếng Anh, hướng đến mục tiêu xuất khẩu càng nhiều càng tốt", ông kể.

Được cầm một ly bia mang tên biển đảo Việt Nam trong bối cảnh bình yên của đất nước, đó cũng là cách để người tiêu dùng càng thấm thía thêm sự hy sinh của các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ lãnh hải biên cương.

Theo TBKTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thanh Hóa đưa 55 tàu cá ra khỏi danh sách nguy cơ vi phạm khai thác IUU

0
(SGTT) - Thanh Hóa đã thông báo danh sách 506 tàu cá có nguy cơ cao vi phạm các quy định chống khai thác IUU và đưa 55 tàu ra khỏi danh sách có nguy cơ vi phạm. Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển, chung tay xoá...

Trọn bộ kinh nghiệm du lịch đảo Phú Quý vào cuối tuần

0
(SGTT) – Bên cạnh những địa điểm du lịch đảo nổi tiếng như đảo Bình Ba, đảo Bình Hưng hay đảo Nam Du... thì gần đây, đảo Phú Quý cũng nổi lên và được nhiều du khách lựa chọn khám phá. Cuối tuần đi đâu: Trải nghiệm tàu hỏa...

Đến mũi Hàm Rồng ngắm sao biển

0
(SGTT) - Mũi Hàm Rồng thuộc xã Bãi Thơm, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Đến đây, bạn sẽ được ngắm sao biển, thưởng thức hải sản tươi sống và hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp. Đến Phú Quốc, trải nghiệm cáp treo dài nhất thế giới ...

Để chấm dứt chuyện ‘hông giống con giáp nào’

0
Dạo gần đây cứ khi Tết đến, hình tượng linh vật là con giáp năm đó được trưng bày và người dân và báo chí lại được một phen bình luận khi linh vật nhìn rất kỳ cục; có những con vật được tạo hình xấu đến mức ai...

Bến Bình Đông nay và xưa 

0
(SGTT) - Bến Bình Đông, một bến thuyền hiện hữu từ thời xa xưa, là nơi mang dấu ấn sông nước Sài Gòn xưa với đặc điểm trên bến dưới thuyền. Chợ hoa bến Bình Đông, nét đẹp Tết xưa Sài Gòn Bến Bình Đông nằm bên kênh Tàu Hủ,...

Ngay từ thời thực dân, cấm đốt pháo nhưng cho… đua ngựa 

0
(SGTT) - Vào cuối năm 1861, chỉ hơn hai năm sau khi chiếm được Sài Gòn, thực dân Pháp đã ban hành lệnh cấm đốt pháo ở Sài Gòn và Chợ Lớn, cũng như cấm phi ngựa nước đại ở hai đô thị này, nhưng vài năm sau đó...

Kết nối

Cùng chuyên mục