Kim Hương -
Tại Trung Quốc, dịch vụ giao cơm trưa đang có nhiều công ty cạnh tranh nhau quyết liệt, các nam thanh niên chạy xe điện phóng hết tốc độ trên đường phố, phải chạy bộ lên các tòa nhà chọc trời để giao cơm mà không được làm đổ canh nóng.
Cuộc chạy đua giao cơm này không còn xa lạ ở những thành phố lớn tại Trung Quốc. Ở dịch vụ này, người giao cơm đội nón bảo hiểm và chạy xe máy đến các khu phố thương mại để chở tô mì, miếng sườn cho các nhân viên văn phòng đang đói cơm trưa. Sảnh các tòa nhà văn phòng luôn dày đặc người giao cơm đeo các túi nhựa đựng thức ăn. Tờ The Wall Street Journal viết rằng, các nữ nhân viên văn phòng nói các “anh giao cơm” này giỏi hơn bạn trai, vì họ luôn giao cơm đúng giờ dù họ không đẹp trai như người yêu của các cô.
Nguồn lao động giá rẻ ở Trung Quốc và các ứng dụng điện thoại thông minh đã cùng nhau chuyển đổi văn hóa cơm trưa văn phòng. Các món ăn xuất hiện trên điện thoại thông minh và khách ăn chỉ tốn khoảng 3 đô la Mỹ/tháng tiền phí dịch vụ cho 30 lần đặt món.
Với ba dịch vụ giao cơm trưa lớn rao cùng một giá bán và cùng món ăn trên toàn Trung Quốc, gánh nặng chạy đua giao cơm văn phòng dựa hẳn vào tốc độ của người giao, chủ yếu là nam thanh niên. Các “anh giao cơm” này lãnh mức lương 700-900 đô la Mỹ/tháng, trong đó tính cả tiền thưởng vì đạt chỉ tiêu giao hàng.
Công việc của các “anh giao cơm” bắt đầu từ 10 giờ sáng. Các tài xế tập hợp ở những bãi đậu xe, nói chuyện phiếm, giống như phi công chiến đấu cơ tập hợp trên đường băng. Các nhóm mặc đồng phục màu xanh da trời của dịch vụ Ele.me, màu vàng và đen của Meituan Dianping và màu đỏ của Baidu-Waimai. Tiếp đó, họ nhận cuộc đặt món qua điện thoại di động, rồi chuẩn bị lấy món.
Như tài xế Uber, những người làm nghề giao cơm có thể được khách hàng chấm mức độ hài lòng sau khi họ giao hàng. Nếu bị chê phục vụ không tốt, họ có thể bị mất việc làm. Một người làm nghề này ở Thượng Hải kể anh từng đi giao món quá sớm, nên bị khách buộc phải quay về chờ đến đúng giờ hẹn giao cơm. Vậy nhưng, khi anh quay lại 20 phút sau, khách hàng lại phàn nàn món ăn nguội và đòi phải giao món ăn nóng.
Cũng có những yêu cầu đặc biệt. Khách muốn giao món đến nhà nhưng đôi khi yêu cầu người giao cơm mua hộ thuốc lá, rượu hoặc các hàng hóa khác, dù lẽ ra người giao cơm không phải gánh các yêu cầu này. Một người giao cơm của Meituan kể có vị khách nữ nọ yêu cầu đem cho bà cả băng vệ sinh cùng bữa ăn tối của bà. Vì anh xấu hổ không mua nên anh bị chấm điểm thấp.
Hoạt động giao cơm còn tùy thuộc thị hiếu dùng bữa của người Trung Quốc. Đa số thích ăn món ăn vừa nấu vào buổi trưa. Trong quá khứ, điều này có nghĩa phải ra ngoài dùng cơm, nhưng truyền thống này đang bị sức ép của công việc ngày càng tăng. Nay, việc giao cơm giá rẻ càng làm xói mòn kiểu ăn trưa thư giãn. Theo Công ty Nghiên cứu Analysis Ltd, doanh số giao món ăn ở Trung Quốc đã tăng gấp đôi hồi năm 2016, đạt 14 tỉ đô la Mỹ.
Yuchen Wan, một nhà phân tích 25 tuổi ở khu tài chính Thượng Hải, nói: “Chúng tôi từng quen ra ngoài ăn trưa, nhưng từ khi vài người bắt đầu đặt món ăn qua mạng và không ra ngoài ăn, mọi người bắt chước theo. Đôi lúc tôi tự nhủ có lẽ sẽ tốt nếu tôi ra khỏi văn phòng và đi dạo ở ngoài, nhưng các ứng dụng này đã lấn át hết”.
Wu Yue, 31 tuổi, là “chú giao cơm” cho Meituan ở Thượng Hải, cho biết mỗi sáng, anh phải ăn 4-5 tô mì trước khi làm việc: “Tôi phải có sức để thực hiện nhiều kiểu giao món. Đôi lúc tòa nhà tôi đến không có thang máy, hoặc nếu thang máy đông người và mất thời gian thì tôi phải leo khoảng 10 tầng lầu”. Sáu lần giao cơm trong 60 phút là chuẩn chung của giờ cao điểm cơm trưa. Nhưng Wu nói đôi khi anh phải giao 10 bữa trong thời gian này, nếu như công ty bị thiếu người giao cơm. “Khó làm lắm. Và nếu đến trễ, khách bực nhưng tôi chỉ có thể xin lỗi”, anh nói.
Các nhân viên giao cơm còn kể chuyện tình bạn có được trong môi trường làm việc theo đội nhóm, và khả năng được thưởng vì thực hiện việc giao cơm đạt tốc độ. Tờ The Wall Street Journal viết: “Các vận động viên Olympic chẳng là gì so với họ”. Với một túi giữ ấm trong cốp xe máy, Cai Yunlong làm việc như điên ở khu thương mại trung tâm Bắc Kinh. Anh luồn lách trong dòng xe, leo cả lên lề dành cho người đi bộ để có thể giao món ăn kịp giờ ở một bệnh viện giải phẫu thẩm mỹ, một tiệm làm tóc, một phòng khách sạn và 7 tòa nhà cao tầng.
Năm nay 37 tuổi, Cai gia nhập dịch vụ giao cơm Ele.me hồi năm ngoái, đã thuộc lòng từng tầng của các tòa nhà và nhân viên văn phòng trong khu vực giao hàng của anh. Anh nắm rõ tòa nhà cao tầng nào cho phép anh dùng thang máy để gặp khách hàng, và tòa nhà nào buộc anh phải chờ bên ngoài và gọi điện cho khách xuống lấy món ăn.