(SGTT) - Mới đây, lực lượng chức năng tại TPHCM đã kiểm tra và phát hiện số lượng lớn bột ngọt bị cấm lưu thông tại hai kho hàng ở quận Bình Tân.
- Cận Tết, cẩn trọng hàng giả nhãn mác ngoại không rõ nguồn gốc
- Rượu ngoại không rõ xuất xứ trị giá hơn 7 tỉ đồng chuẩn bị bán ra thị trường Tết
Theo báo plo.vn, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng (do Đội 3, Cục Quản lý Thị trường TPHCM kết hợp cùng UBND phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) phát hiện gần 1.800 bao bột ngọt nhãn hiệu hai con tôm (loại 25kg/bao).
Đáng nói là bao bì của số bột ngọt này không có tiếng Việt mà chỉ in tiếng Trung Quốc. Qua ước tính, khối lượng bột ngọt bị phát hiện lần này lên đến 45 tấn, có trị giá gần hai tỉ đồng. Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng không có mặt nên số bột ngọt này không có hóa đơn, chứng từ mua bán cũng như xuất xứ, nguồn gốc.
Qua tìm hiểu, loại bột này bị cấm lưu thông tại Việt Nam. Chính vì thế, lực lượng chức năng đã niêm phong và tạm giữ để xử lý theo quy định pháp luật.
Được biết, cách đây hơn hai tháng, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an quận 8 phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông trật tự và Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03) Công an TPHCM phát hiện, kiểm tra xe máy do một người đàn ông tên K. điều khiển trên đường Tùng Thiện Vương (quận 8) có 10 bao giấy chứa 120 gói bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO® loại 1 kg/gói.
Qua điều tra, cơ quan chức năng đã phát hiện và khám xét nơi sản xuất bột ngọt giả nêu trên. Tại hiện trường, công an đã lập biên bản và thu giữ 102 gói bột ngọt bán thành phẩm và thành phẩm nhãn hiệu Saji cũng như hơn 400kg bột ngọt xá và hàng trăm bao bì nhãn hiệu AJI-NO-MOTO®, Saji.
Theo lời khai, các đối tượng cho biết sau khi mua bột ngọt xá (loại bột ngọt do Trung Quốc sản xuất, bán theo bao tải lớn) thì về đóng gói vào các bao bì giả nhãn hiệu để bán ra thị trường. Sau đó hai ngày, công an quận 8 đã tạm giữ các đối tượng liên quan để điều tra về hành vi sản xuất hàng giả là phụ gia thực phẩm.
Một số dấu hiệu nhận biết bột ngọt thật-giả (Nguồn: tieudung.vn)
- Bao bì: Hàng thật thường có hình biểu tượng sản phẩm rõ ràng; màu chữ đỏ tươi; bao bì dày, mềm mại, không nhăn. Trong khi đó, hàng giả biểu tượng thường nhòe, mờ; bao bì giòn, cứng và dễ nhăn.
- Giá bán: Cần thận trọng với các sản phẩm đại hạ giá hoặc có giá bán quá rẻ. Có khả năng sản phẩm này bị làm giả bởi các đổi tượng làm loại hàng này không mất nhiều chi phí, công đoạn để sản xuất ra.
- Quy cách đóng gói: Hàng thật có các đường hàn ở túi đều, không bị nổi bọt. Trong khi đó, hàng giả đường hàn không đều nhau, đục hoặc bị nổi bọt.
- Trọng lượng: Hàng thật có trọng lượng đúng với trọng lượng ghi trên bao bì. Còn hàng giả thường ít hơn hoặc gần tương đương.
- Hạt bột ngọt: Bột ngột thật các hạt thường đều nhau, to và không bị gãy. Còn bột ngọt giả thì dễ đóng bụi trắng, thường vỡ vụn.
Phúc An tổng hợp