Nguyễn Trang -
Bộ phim đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng sau thời gian dài làm giám khảo gameshow truyền hình và các phim ngắn (TVC), được quảng bá rầm rộ với sự tham gia của các gương mặt diễn viên kỳ cựu. Người yêu màn ảnh rộng lẫn vở kịch Dạ cổ hoài lang có cơ hội so sánh vở kịch nổi danh lâu nay cùng với phiên bản phim của nó.
Cốt truyện chính của bộ phim điện ảnh không có nhiều sai khác với vở kịch ra đời cách đây 22 năm, vốn từng làm mưa làm gió trên khắp Việt Nam và cả hải ngoại, với hơn 1.000 suất diễn. Dạ cổ hoài lang kể câu chuyện đời lúc về già của ông Tư và ông Năm, hai người bạn thân từ thời trẻ, hai tình địch, và giờ là cặp hàng xóm cùng cảnh ngộ trên đất Mỹ. Xen kẽ với những diễn biến giản đơn khuôn mẫu về người già châu Á ở Mỹ, không thông ngôn ngữ, cô đơn ở trại dưỡng lão, trở về nhà mâu thuẫn với con cháu, là những ký ức nhiều năm trước của tuổi thơ vui giỡn bên con nước, của mối tình đầu đẹp mà nhiều éo le, gắn liền với khúc ca Dạ cổ hoài lang đã thành huyền thoại.
Có thể nói phim điện ảnh này có lợi thế khi dựa trên một khuôn mẫu sân khấu đã trở thành biểu tượng và nền tảng là câu chuyện xúc động về tình người xa xứ, kết nối văn hóa Đông Tây giữa các thế hệ người Việt trong và ngoài nước, mà các chuyên gia điện ảnh cho rằng dễ dàng gây đồng cảm với nhiều thế hệ người xem.
Đối với nhiều người Việt, chỉ cần khúc ca “Từ là từ phu tướng, bảo kiếm sắc phong lên đàng, vào ra luống trông tin chàng, năm canh mơ màng, em luống trông tin chàng, ôi gan vàng quặn đau í a…” của soạn giả Cao Văn Lầu vang lên ở bất cứ bối cảnh nào cũng đủ xúc động trào dâng, nhất là người Nam bộ.
Nhiều người đánh gia cao nỗ lực của đoàn làm phim khi đã di chuyển khắp Việt Nam, sang Canada, rồi từ bờ Đông sang bờ Tây nước Mỹ để có được khung cảnh làng quê Việt Nam trong quá khứ hay bối cảnh tuyết rơi giữa New York hiện đại. Điểm sáng của phim còn phải kể đến sự chuyển mình trong diễn xuất của hai nghệ sĩ kỳ cựu là Hoài Linh và Chí Tài. Từng thủ diễn vai Tư Lành trên sân khấu kịch và giành được giải Mai vàng, nghệ sĩ ưu tú Hoài Linh được nhiều người xem là lựa chọn tốt cả về xuất phát điểm cũng như hiệu ứng phòng vé cho vai diễn này. Dù là một nhân vật bi kịch, nhưng nét diễn dí dỏm dung dị của các vai hài trước đây Hoài Linh đã từng đảm nhiệm trong các bộ phim như Nàng tiên có năm nhà, Nhà có năm nàng tiên, Ba vợ cưới vợ ba, Quý tử bất đắc dĩ, Hello cô Ba!... hay các sân khấu kịch cũng có nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh ông Tư Lành ở màn ảnh rộng.
Cùng tung hứng với Hoài Linh trong phim Dạ cổ hoài lang chính là người bạn nghề, bạn thân lâu năm, nghệ sĩ Chí Tài trong vai Năm Triều. Cả hai đều có một thời gian dài sinh sống và biểu diễn tại hải ngoại trước khi về làm việc tại Việt Nam nên cùng thấu hiểu nỗi niềm người xa xứ. Hai nghệ sĩ cùng đã dấn thân dầm mình trong tuyết lạnh để có những khoảnh khắc xúc động của tình bạn già giữa những đẩy đưa số phận.
[box] Dạ Cổ Hoài Lang là câu chuyện buồn về phận người xa xứ. Làm lụng cả cuộc đời, ông Tư Lành chấp nhận bán hết nhà cửa ruộng vườn để sang Mỹ đoàn tụ cùng gia đình người con trai. Thế nhưng, những mâu thuẫn từ sự xa lạ nhiều năm của ông nội và cô cháu gái, khác biệt văn hóa, xung đột vì bất đồng ngôn ngữ đã đẩy Tư Lành tới sự đau xót tột cùng. Bi kịch của sự cô đơn đè nặng lên bờ vai đã còng. May thay, bên cạnh ông vẫn còn người bạn Năm Triều từ thuở ấu thơ hết lòng giúp đỡ. Cả hai cùng tổ chức đám giỗ cho bà Út Trong, vợ ông, trên đất Mỹ và ông Tư Lành lại cất lên bản Dạ Cổ Hoài Lang da diết bi thương.[/box]
Theo một đạo diễn điện ảnh, kịch bản phim có một số lỗ hổng trong kết nối hai tuyến truyện quá khứ-hiện tại, cùng việc quay cảnh đôi chỗ bị thiếu. Việc đặt hai nhân vật già đi lại vào ra trong bối cảnh hẹp của căn hộ chung cư mà ít có tìm tòi về góc quay khiến phim bị các đạo diễn cho là “sân khấu hóa”, mất đi sức mạnh của điện ảnh. Ngoài ra, vai cháu gái và con trai Tư Lành cũng được cho là chưa “tròn vai” của phim.
Phim Dạ Cổ Hoài Lang do Galaxy Distribution phát hành, đã khởi chiếu vào ngày 24-3 qua. Bộ phim có thể được coi là tác phẩm mở đầu cho dòng phim Việt Nam hoài cổ, đậm chất Nam bộ với các tác phẩm tiếp sau là Lô tô hay Có căn nhà nằm nghe nắng mưa.