Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024

Nghe du khách Thái kể chuyện đón năm mới trên cao nguyên đá Đồng Văn

Du lịchHành trình nối những miền xanhNghe du khách Thái kể chuyện đón năm mới trên cao nguyên...

(SGTT) - Chuyến đi vòng quanh Hà Giang trong khoảnh khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới mang đến vô vàn cung bậc cảm xúc cho tôi với nhiều chữ “nhất” và “đầu tiên".

Mời bạn đọc cùng Sài Gòn Tiếp Thị khám phá cung bậc cảm xúc dạt dào kỷ niệm, đầy bất ngờ của du khách người Thái Lan trải nghiệm sinh khí đón năm mới nơi miền biên viễn địa đầu nước Việt.

Hà Giang là địa danh mà ắt hẳn người Việt nào cũng ao ước một lần đặt chân đến, nơi miền biên viễn địa đầu nước Việt, nơi có cung đường hiểm trở bậc nhất và cũng được mệnh danh là đẹp nhất Việt Nam.

Hà Giang - nơi miền biên viễn của địa đầu nước Việt. Ảnh: Mananya Techalertkamol – Bảo Hướng

Còn đối với người nước ngoài như tôi, khi nghe lời rủ rê đón năm mới trên cao nguyên đá Đồng Văn và lần đầu tiên nhìn thấy những bức hình về Hà Giang, tôi chợt rùng mình: “Đây là đường sao! Làm sao chạy xe được giữa muôn vàn ngoằn ngoèo, cùi chỏ gấp khúc, một bên núi cao, một bên vực thẳm như thế!”.

Từ một lời rủ rê thành nhiều lời rủ rê. Từ những xuýt xoa trầm trồ “đẹp lắm nhé” đến lời hẹn “sẽ không thả giữa núi rừng”. Và khi biết người dẫn đoàn được mọi người yêu mến gọi là “Vua du khảo” thì tôi xiêu xiêu và gật đầu, rồi vội vàng chuẩn bị đồ ấm vì được cảnh báo miền Bắc mùa này rét lắm.

Chuyến đi vòng quanh Hà Giang trong khoảnh khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới mang đến vô vàn cung bậc cảm xúc cho tôi với nhiều chữ “nhất” và “đầu tiên”.

Cảm xúc ấn tượng của du khách nước ngoài trải nghiệm hành trình lái xe trên cung đường độc lạ. Ảnh: Mananya Techalertkamol – Bảo Hướng

Lần đầu tiên tham gia hành trình bằng xe máy dài ngày nhất, đi qua cung đường dài nhất và hiểm trở nhất. Lần đầu tiên đón năm mới giữa tiết trời lạnh giá nhất trong đời, xuống tới âm 1 độ C. Lần đầu tiên ở lại các bản làng người dân tộc thiểu số của Việt Nam. Lần đầu tiên cắm lều ngủ trong một ngôi nhà sàn cổ bên bếp lửa. Chuyến đi có nhiều kỷ niệm nhất, vui nhất và đầy bất ngờ nhất của tôi.

Bất ngờ đầu tiên là để người nước ngoài được chạy xe giữa những cung đường đèo uốn lượn thì phải xin giấy phép vào khu vực biên giới. Ban đầu, tôi cứ nghĩ đi du lịch bình thường và không biết đến điều này, nhưng may mắn chú trưởng đoàn đã hỗ trợ để tôi có thể vi vu đúng luật.

Bất ngờ thứ hai là trong đoàn có các cô chú lớn tuổi là bộ đội, thanh niên xung phong ở các chiến trường xưa, nên đường lên cao điểm 468 Vị Xuyên giáp với Trung Quốc trở thành buổi tâm tình kể chuyện lịch sử hào hùng và sống động. Tôi thật sự xúc động khi đọc được dòng chữ khắc vào đá “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử” giữa bốn bề gió rét.

Bất ngờ thứ ba là đêm đầu tiên ngủ tại bản làng người Dao, chúng tôi may mắn được tham dự một phần lễ cấp sắc, nghi lễ quan trọng, công nhận sự trưởng thành đối với người đàn ông.

Đêm giữa thung lũng, gió rét khiến cư dân đến từ phương Nam run lên từng cơn thì các cô gái Dao dường như quá quen thuộc, váy áo đung đưa theo nhịp hát, má ửng hồng bên đống lửa giữa trời, vòng cổ bạc lấp lánh.

Cảm xúc lần đầu tiên một du khách nước ngoài ở lại các bản làng người dân tộc thiểu số của Việt Nam. Ảnh: Mananya Techalertkamol – Bảo Hướng

Từ Quản Bạ, đi qua làng Cán Tỷ, đồi thông Yên Minh, rồi dốc Thẩm Mã, dốc Chín Khoanh…những con đường gấp khúc cùi chỏ liên tục nối nhau lên xuống như cảm xúc của tôi lúc sợ hãi, hồi hộp rồi vỡ òa trước khung cảnh hùng vĩ và đẹp, vẻ đẹp của núi nối núi, dốc nối dốc, những bản làng lọt thỏm giữa thung lũng hay xa xa vài làn khói bay nhẹ từ một triền núi. Như cổ tích! Và không khác gì những bộ phim châu Âu.

Người bạn Việt giải thích rằng, dốc Thẩm Mã để thử sức ngựa, dốc Chín Khoanh có cả bài thơ “Khoanh thứ nhất - Thấy nhau /Khoanh thứ hai - Nhìn nhau /Khoanh thứ ba - Quen nhau…”, nhưng với đứa quen sống trong khí hậu nóng của Bangkok thì “Khoanh thứ nhất – Lạnh quá / Khoanh thứ hai – Rét run / Khoanh thứ ba – cạn lời…”.

Vẻ đẹp dinh thự Vua Mèo nguy nga bề thế giữa vùng đất “rất đá”. Ảnh: Mananya Techalertkamol – Bảo Hướng

Vượt qua những khoanh dốc ấy, chúng tôi đến thăm ngôi dinh có lối kiến trúc độc đáo ảnh hưởng từ 3 nền văn hóa Trung Quốc, Người Mông và Pháp, với tường bằng đá xanh, mái vách bằng gỗ, lợp ngói, chạm khắc tinh xảo.

Vì xây dựng chủ đạo từ đá, nên khi đặt chân vào địa phận của dinh, ngay lập tức tôi bị cái lạnh bủa vây và thách thức. Đó chỉ là khởi đầu! Vì đêm hôm đó, trong ngôi nhà sàn cổ của người Giáy (Người Giáy, còn gọi là Nhắng, Dẳng, Pâu Thìn, Pu Nà, Cùi Chu, Xạ), quây quần bên bếp lửa sưởi ấm, hát ca đợi đón giao thừa, nhiệt độ càng lúc càng xuống sâu. Tôi cuộn tấm chăn dày, chỉ hé ra hai con mắt, thậm chí nghĩ rằng cắm lều sẽ ngăn bớt gió lạnh, nhưng chẳng thấm vào đâu! App trên điện thoại báo nhiệt độ liên tục nhảy và chạm mốc âm 1 độ C! Trời ơi, đông đá mất thôi!

Ngày đầu tiên của năm mới, khi chinh phục cột cờ Lũng Cú, nhìn ánh mắt vui tươi đầy tự hào của cả đoàn, dù tay ai cũng run rẩy vì sương muối bao phủ, tôi chợt hiểu sự khát khao chạm đến các điểm cực Tổ quốc của các bạn Việt.

Việt Nam thật đẹp, đẹp từ những nụ cười của các cô cậu bé người dân tộc ríu rít chào cô, chào chú, đẹp như tranh vẽ. Ảnh: Mananya Techalertkamol – Bảo Hướng

Việt Nam thật đẹp, đẹp từ những nụ cười của các cô cậu bé người dân tộc ríu rít chào cô, chào chú, đẹp như tranh vẽ của dòng Nho Quế xanh biếc vắt giữa chập chùng núi hình thành nên hẻm vực Tu Sản “đệ nhất hùng quan”, đẹp từ sự kiên trì và nhẫn nại của những con người, làm nên Con Đường Hạnh Phúc, đưa Mã Pí Lèng trở thành một trong tứ đại đỉnh đèo huyền thoại của Việt Nam, đẹp từ những phiên chợ vùng cao nho nhỏ nơi Mèo Vạc, hoa cải vàng, hoa tam giác mạch chấm phá giữa giá lạnh mùa đông, đẹp từ những điều bình dị ở Du Già (một xã thuộc huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) với ruộng bậc thang, di tích đồn Pháp xưa, thác nước róc rách chảy từ khe núi…

Trên cung đường ấy, có đôi lúc tôi chợt nhói lòng. Đó là khi các cô cậu bé vùng cao lắc đầu trước viên kẹo, cái bánh, nhưng ánh mắt lại sáng bừng rạng rỡ khi được tặng bong bóng.

Món đồ chơi rất bình thường với trẻ ở xuôi nhưng lại thành thứ đáng được ao ước nhất ở nơi này. Đó là khi chúng tôi men theo dốc núi để xuống điểm thuyền đợi tham quan dòng sông Nho Quế thì thấy rác thải theo bước chân và những đứa trẻ lem luốc cứ “chào cô, chào chú” trong ánh mắt đợi chờ. Đó là khi tôi co ro trong cái lạnh tái tê, tự hỏi mình “tắm hay không tắm” vì nước lúc có lúc không, và đa phần là nước lạnh. Vùng cao, nước thật quý!

Đón năm mới trên cao nguyên đá Đồng Văn là chuyến đi đầy ắp những điều mới lạ và có lẽ tôi sẽ nhớ nhất trong đời. Trở về Sài Gòn ấm áp, tôi mang theo tiếng cười của những cô cậu bé, những bức hình của cung đường kỳ vĩ bậc nhất, gói ghém món quà bản địa của óc chó thơm ngậy, của trà Shan tuyết cổ thụ, và lời hẹn sẽ cùng đoàn tiếp tục những chuyến rong chơi mới trên những nẻo đường Việt Nam.

Mananya Techalertkamol – Bảo Hướng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục