Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Mối lo từ nước ô nhiễm kháng sinh

Thực tế cho thấy không chỉ nguồn nước cung cấp cho các nhà máy nước bị ô nhiễm mà ngay cả nước đã được các nhà máy xử lý để trở thành nước sinh hoạt cũng vẫn còn dư lượng kháng sinh và các chất gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Nước đã xử lý vẫn bẩn

Cuối tháng 7 vừa qua, PGS.TS Nguyễn Tấn Phong, Trưởng khoa Môi trường của trường Đại học Bách khoa TPHCM, cùng cộng sự đã thực hiện một cuộc nghiên cứu thực tế về chất lượng nguồn nước cấp sinh hoạt. Kết quả cho thấy có sự xuất hiện của chất gây rối loạn nội tiết (nonylphenol ethoxylates – NPE2, NPE3) trong nước cấp sinh hoạt sau xử lý tại nhà máy nước Tân Hiệp ở huyện Hóc Môn, TPHCM và cả trong mạng lưới phân phối nước của thành phố hiện nay.

Còn trong thời điểm đầu tháng 8, một đề tài nghiên cứu cấp bộ của PGS.TS. Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cũng cho thấy sự hiện diện của các chất gây rối loạn nội tiết và dư lượng kháng sinh trong nước ở hạ lưu sông Sài Gòn-Đồng Nai.

Theo chuyên gia của Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM, do nguồn nước đầu vào ô nhiễm nên các nhà máy cần phải nâng cấp công nghệ xử lý để đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt. Ảnh: Thành Hoa
Theo chuyên gia của Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM, do nguồn nước đầu vào ô nhiễm nên các nhà máy cần phải nâng cấp công nghệ xử lý để đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt. Ảnh: Thành Hoa

Trước đó, trong buổi giao ban tổng kết sáu tháng đầu năm của ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã công bố kết quả khảo sát của ba nhà máy cung cấp nước tại TPHCM có công suất trên 1.000 m3/ngày đêm không đạt tiêu chuẩn vì có hàm lượng mangan và sắt cao hơn mức độ cho phép. Còn Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) hồi tháng 6 cũng đã kiểm tra, lấy mẫu tại các nhà máy cấp nước có công suất trên 1.000 m3/ngày đêm, và phát hiện nhiều nơi xử lý không đạt chỉ tiêu lý hóa và cả vi sinh.

Nhóm nghiên cứu đã khảo sát, phân tích mẫu nước và phát hiện hàm lượng NPE2 có trong nước sinh hoạt khoảng 28-29 ng/l, còn NPE3 khoảng 32-54 ng/l. Mặc dù hàm lượng này thấp hơn ngưỡng quy định của các hướng dẫn trên thế giới, nhưng sự hiện diện của chất này là điều đáng quan tâm.

Theo các nhà khoa học, nonylphenol ethoxylates là một loại chất độc hại, thẩm thấu qua da và tác động tới hệ sinh sản, sức khỏe của con người, có thể dẫn tới vô sinh. Khi xâm nhập vào cơ thể người hay động vật, chất này có thể làm cho sinh vật ngơ ngẩn, mất tỉnh táo; ngăn cản sự dịch chuyển và phá vỡ các hormone chức năng trong cơ thể, phá hủy tuyến nội tiết.

Nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu nước trước xử lý đi thử nghiệm trên ba loài sinh vật, gồm loài vi giáp xác Ceriodapnia cornuta, Daphnia magna và cá sọc vằn Danio rerio. Kết quả cho thấy các chất này gây độc mãn tính với các sinh vật thí nghiệm, và tỷ lệ sinh vật thí nghiệm chết là 50%.

Nước thải đã được xử lý từ các nhà máy trong các khu công nghiệp đều có các chất gây rối loạn nội tiết, với nồng độ thấp hơn ngưỡng quy định của châu Âu và Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ. Còn nước thải từ các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp như nhà máy tinh bột khoai mì, cao su, chăn nuôi heo vẫn có ở hàm lượng cao. Các chất này cũng tìm thấy trong nước các hồ thượng nguồn như Dầu Tiếng và Trị An.

Ảnh hưởng sức khỏe

Theo ông Tuấn, dư lượng kháng sinh và các chất gây rối loạn nội tiết được xếp vào nhóm các chất ô nhiễm mới, đang tồn tại trong các thành phần môi trường, nhưng đến nay vẫn chưa được nghiên cứu và quan trắc định kỳ. Vấn đề là hiện nay tại Việt Nam, thiết bị phân tích lẫn chi phí để giảm được nồng độ các chất này trong nước thải, đặc biệt là trong nước cấp, xuống mức thấp là một thách thức lớn.

Bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Địa chất, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM, một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu đánh giá dư lượng một số kháng sinh và chất gây rối loạn nội tiết tại hạ lưu sông Sài Gòn-Đồng Nai và đề xuất giám sát, kiểm soát ô nhiễm”, cho biết do nhiều nguyên nhân khác nhau, các nghiên cứu đã triển khai về dư lượng kháng sinh và các chất gây rối loạn nội tiết ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất hạn chế.

Theo bà Thủy, một trong những tác động nghiêm trọng nhất của dư lượng kháng sinh là có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện nguồn gen kháng thuốc ở các nhóm vi sinh vật, đặc biệt là vi sinh vật gây bệnh. Nguy cơ này xảy ra ngay cả khi các dư lượng kháng sinh ở nồng độ thấp. Hệ quả là sẽ gây nên sự kháng thuốc ở vật nuôi và con người. Do đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất ba nhóm giải pháp để quản lý và giảm thiểu ô nhiễm cho vùng hạ lưu lưu vực sông Sài Gòn-Đồng Nai như giảm phát thải tại nguồn, nâng cao hiệu quả xử lý nước thải cuối đường ống và Nhà nước cần có những chính sách mạnh mẽ hơn về môi trường.

PGS.TS. Đỗ Hồng Lan Chi, Trưởng phòng Độc học môi trường, Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TPHCM, cũng cho rằng các chất gây rối loạn nội tiết hiện diện trong môi trường dù rất nhỏ cũng có thể gây ảnh hưởng về mặt di truyền. Trong đó, trẻ sơ sinh, trẻ em đang phát triển cơ quan sinh dục dễ bị nhiễm các chất gây rối loạn nội tiết hơn cả, vì những chất này tác động đến sự phát triển của những bộ phận quan trọng nhất trong cơ thể cũng như hệ thống sinh sản hormone.

Theo bà Chi, các chất gây rối loạn nội tiết có thể gây hại trực tiếp cho sức khỏe hoặc ảnh hưởng đến các thế hệ sau như bất thường trong sinh sản, mất cân bằng giới tính, giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, gia tăng một số bệnh ung thư, ảnh hưởng đến não...

Không thể lắng lọc

Theo PGS. Nguyễn Hữu Đức, trường Đại học Y dược TPHCM, người ta đang tìm cách diệt vi khuẩn bằng kháng sinh, nhưng nếu vi khuẩn kháng lại chất kháng sinh đó thì sẽ dẫn đến lờn thuốc, người bị bệnh sẽ không còn phản ứng với kháng sinh nữa. Nguồn nước sinh hoạt không thể tồn tại kháng sinh này, bởi về lâu dài sẽ gây hại cho các cơ quan như thận, gan...

Đáng chú ý là các nhà máy xử lý nước như hiện nay không thể lọc được kháng sinh khi chúng đã hòa tan trong nước. Do vậy, chỉ còn cách xử lý bằng phản ứng hóa học làm biến chất kháng sinh và các chất gây rối loạn nội tiết thì mới an toàn.

Ông Đặng Ngọc Chánh, Trưởng khoa Sức khỏe môi trường, Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM, cho biết tiêu chuẩn Việt Nam hiện nay chưa quy định hàm lượng kháng sinh trong nước thải bệnh viện, nông nghiệp... trước khi thải ra môi trường mà mới chỉ có những tiêu chuẩn về chất hữu cơ tổng hợp. Thậm chí, ngay cả nguồn nước máy sinh hoạt của thành phố hiện nay vẫn dùng clorua khử khuẩn là chính. Nhưng clorua thực chất cũng là chất độc nên nếu dùng với hàm lượng cao cũng có khả năng dẫn đến bệnh ung thư.

Do đó, Nhà nước nên đánh giá hàm hượng kháng sinh trong nước thải từ các bệnh viện, công ty sản xuất dược phẩm, các cơ sở chăn nuôi... rồi từ đó sẽ đưa ra các chính sách xử lý phù hợp. “Đối với những đơn vị có sử dụng kháng sinh, bệnh viện, chăn nuôi thủy sản, Nhà nước cần kiểm tra nước thải, quy định hàm lượng kháng sinh trước khi thải ra môi trường. Đồng thời, cũng cần tăng cường hiệu quả xử lý của các nhà máy cung cấp nước sinh hoạt. Do nguồn nước đầu vào ô nhiễm nên buộc các nhà máy phải nâng cấp công nghệ xử lý để đảm bảo chất lượng nước”, ông Chánh đề xuất.

Hoàng Nhung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Hoa tớ dày khoe sắc nơi núi rừng Mù Cang Chải

0
(SGTT) - Từ giữa tháng 12, hoa tớ dày bắt đầu bung nở, nhuộm sắc hồng lên những cánh rừng và triền đồi ở...

Điều gì khiến các ‘ông lớn’ công nghệ đổ bộ vào...

0
(SGTT) - Các tập đoàn công nghệ lớn như Nvidia, SpaceX và nhiều tên tuổi khác đổ mạnh vốn đầu tư vào Việt Nam....

Nhị vị bún xào Nam bộ kết hợp cả thịt heo...

0
(SGTT) - Bún xào là món ăn dân dã mang phong vị ẩm thực Nam bộ. Tại một góc đường Mai Văn Vĩnh, quận...

Kỳ vọng ngày sếu về, phát triển ở Tràm Chim không...

0
(SGTT) - Tỉnh Đồng Tháp đã công bố đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim...

Thừa Thiên Huế có thêm hai Di sản văn hóa phi...

0
(SGTT) - Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông báo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết...

Cẩn trọng khi ‘bắt trend’ túi mù

0
(SGTT) - Trào lưu khui hộp mù (blind box), túi mù (blind bag) nở rộ cách đây vài tháng và vẫn đang “nóng” từng...

Kết nối