Với chiếc địu, cha mẹ sẽ yên tâm và dễ dàng chăm sóc bé yêu cũng như mang đến một “thế giới” bên ngoài mới lạ, tạo điều kiện cho con trẻ phát triển các giác quan thông qua sự vận động của cảnh vật xung quanh.
Chọn địu phù hợp
Nói đến việc địu con, rất nhiều ông bố, bà mẹ nghĩ rằng đó là chuyện vô cùng đơn giản và dễ dàng. Nhưng trên thực tế, nếu sử dụng những chiếc địu có hình dáng không phù hợp có thể rất nguy hiểm đối với bé.
Hiện nay trên thị trường, địu trẻ em có rất nhiều loại thuộc các thương hiệu khác nhau như Combi, Aprica (Nhật), Farlin (Đài Loan), Tâm An (Việt Nam), Carrier (Trung Quốc)... Những loại địu này được thiết kế với nhiều hình dáng, mẫu mã với mức giá dao động từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần lưu ý không nên chọn mua những chiếc địu có kiểu dáng giống một chiếc túi, vì những chiếc địu kiểu túi thường có khoang khá sâu sẽ khiến cho lưng bé bị cong theo hình chữ C. Thêm vào đó, đáy quá sâu nên khuôn mặt sẽ bị che kín, khiến bé gặp khó khăn khi thở.
Trong một chủ đề về địu trẻ em trên Diễn đàn webtretho, thành viên có nickname Mẹ MinMin chia sẻ: “Nhà tôi dùng loại địu đeo chéo qua vai. Nhà đã dùng được khá lâu, khi địu không mỏi vai lắm. Cho con bú hay làm việc nhà cũng thấy thuận tiện”.
Địu có các dòng sản phẩm chính là địu vải, địu túi và địu ba lô, trong đó địu theo kiểu ba lô được sử dụng phổ biến hơn. Một chiếc địu có các bộ phận chính là dây đeo vai, tấm lót lưng-đầu-cổ và mông, dây đai, khóa an toàn. Ngoài ra, một số địu còn được trang bị thêm chiếc túi nhỏ bên hông hoặc phía trước để đựng bình sữa, bình nước và một chiếc ô di động… Quai đeo của địu cũng rất đa dạng, tùy theo nhu cầu của người tiêu dùng mà chọn các loại như quai đeo vai (chéo vai và không chéo vai), quai đeo ở cổ kết hợp cùng một đai thắt bản lớn ở hông…
Theo tư vấn của một số cửa hàng chuyên cung cấp địu thì những chiếc địu an toàn cho các bé phải đáp ứng được bốn yếu tố: khoang túi nông, giữ thân bé luôn thẳng không bị cong, kiểu dáng ôm tròn và bao bọc toàn bộ xung quanh cơ thể bé nhưng không quá kín. Ngoài ra, nên chọn những loại địu có hình các con thú như mèo Kitty, chuột Mickey, vịt Donald... để tạo thêm sự thích thú cho bé.
Khi lựa chọn địu cho con, cha mẹ nên chọn loại theo tư thế nằm của bé, vì loại địu nằm sẽ tốt hơn so với địu có tư thế ngồi hoặc nên chọn loại có phần nâng đỡ phía sau đầu. Để đảm bảo an toàn, các bậc phụ huynh nên sử dụng địu khi bé đã được bốn tháng tuổi trở lên. Ở lứa tuổi nhỏ hơn, bé có thể sẽ gặp những chấn thương không mong muốn, vì thế trong độ tuổi này nên hạn chế tối đa việc sử dụng địu.
Khi địu nên cho bé được tựa vững chắc vào cơ thể người địu với tư thế ngồi hướng lên trên, cằm không chạm vào ngực, địu bé trên cao cho người bé sát vào phần ngực và đầu bé sát với cằm người địu (sao cho khoảng cách có thể hôn được bé), độ dài khoảng trống từ ngực đến cổ bé ít nhất phải bằng một ngón tay. Ngoài ra, không được để bé nằm ở phần hông hay eo người địu, cần thường xuyên kiểm tra tư thế địu, không để lưng bé bị gập cong, cơ thể và đầu của bé phải luôn được nâng đỡ.
[box type="download"] Không sử dụng địu cho trẻ sinh non, nhẹ cân
Các bậc cha mẹ chỉ nên sử dụng địu khi bé được bốn tháng tuổi và tốt nhất là từ khi bé biết tự ngồi. Nếu nhỏ hơn, bé có thể gặp phải những chấn thương không mong muốn vì đầu và cổ của bé còn quá yếu, nguy cơ bị trật khớp cổ, gãy đốt sống cổ, gây ngừng thở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ngoài ra, một số trường hợp có nguy cơ bị ngạt thở cao thì cũng không nên dùng địu như trẻ sinh non hay nhẹ cân dưới 2,5 kg hoặc có vấn đề về hô hấp như bị ho, khò khè, sổ mũi.
Người địu thường không cảm nhận được những điều bất thường ở bé, nhất là khi mang sau lưng hay mãi lo làm việc… Các công trình nghiên cứu cho thấy nếu bé được địu ở tư thế thẳng, đúng cách với thời gian 2-4 giờ (có thể 6 giờ) trong một ngày thì cột sống của bé sẽ không bị ảnh hưởng. Nhưng tư thế địu có thể ảnh hưởng đến sự phát triển khớp háng của bé, nếu người địu không địu đúng cách.
Phụ huynh nên kiểm tra hai lần các nút nối và khóa, khi địu bé tốt nhất không nên chạy xe đạp hay xe hơi. Nên quan tâm đến các yếu tố kỹ thuật khi mua địu và càng cẩn trọng khi sử dụng túi để địu trẻ, địu cần đáp ứng các yêu cầu chống đỡ tốt cho phần đầu, cổ và lưng của bé, miễn sao bé và người địu cảm thấy thoải mái và thích thú.
Bác sĩ Trần Thị Minh Châm, chuyên khoa Nhi,
Phòng khám Family Medical Practice Vietnam[/box]
Tư thế địu an toàn
Trên thị trường một chiếc địu có thể “tích hợp” nhiều kiểu địu khác nhau và có chức năng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ, chẳng hạn địu đứng, địu nằm, địu sau lưng… với các thông số như 7 in 1, 3 in 1 hay 2 in 1… “Những chiếc địu có nhiều kiểu địu như 7 in 1 (7 trong 1) có thể sử dụng lâu dài, còn nếu khi bé đã lớn thì nên mua các loại địu ít kiểu hơn vì mua loại nhiều kiểu rất phí”, chị Thu Thúy, cửa hàng trưởng Babyshop123.vn, quận Gò Vấp tư vấn.
Từ sơ sinh cho đến bốn tháng tuổi, vì vùng xương đầu và cổ của bé còn yếu nên cha mẹ nên địu bé ở tư thế nằm ngửa (địu ngang) và loại thích hợp là địu 6 trong 1 hay địu “võng”.
Từ 4-8 tháng tuổi, cha mẹ nên địu bé ở trước ngực, theo kiểu kangaroo (địu thẳng đứng), địu bé theo hướng để bé nhìn thấy mặt bố mẹ. Điều này sẽ giúp bé cảm thấy an toàn và yên tâm hơn trước những cái nhìn mới lạ đầu đời, giai đoạn này cha mẹ nên chọn các loại địu thông dụng. “Khi bé đã trên 6 tháng tuổi thì có thể địu bằng nhiều cách hơn, tuy nhiên cũng cần tìm hiểu để có thể chọn mua được một chiếc địu phù hợp cho bé”, một nhân viên cửa hàng familydeal.vn, quận 1, TPHCM cho biết.
Từ 10 tháng tuổi trở lên, khi bé đã làm quen được với nhiều tư thế địu thì cha mẹ có thể dễ dàng địu bé ở nhiều tư thế, sao cho vai người địu không bị đau vì sức nặng của bé, trong đó phổ biến nhất là địu sau lưng và địu quay mặt về phía trước. Tuy nhiên, không nên địu bé quá 2-4 giờ/ngày và không dùng địu khi bé vừa mới ăn xong (tối thiểu phải cách bữa ăn 30 phút), nếu không rất dễ dẫn đến trường hợp bị sốc, nôn ói khi thức ăn chưa kịp tiêu hóa.
Thanh An - Nguyễn Quyên