Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024

Khi cải lương thành thú chơi của đại gia và những người trẻ hoài cổ

(SGTTO) – Dù hầu như đã vắng bóng trên sân khấu lớn, dòng chảy cải lương vẫn len lỏi vào đời sống người dân bằng nhiều hình thức, từ những đám tiệc chung vui bằng các tiết mục cải lương, cho đến những bạn trẻ học ca vọng cổ qua Skype…

Cải lương “underground”

Đi dự những đám tiệc ở vùng ven hay các tỉnh Nam bộ, chúng ta thường thấy sân khấu tân cổ nhạc với sự tham gia của những khách dự tiệc, thổi nên bầu không khí ấm áp tình làng nghĩa xóm. Nhưng tiệc tại nhà của các đại gia lại mang màu sắc khác.

Ông Sáu Quới, một người kinh doanh gỗ có tiếng ở Long An, mỗi khi nhà có đám tiệc thì rất nhiều bạn bè thuộc giới đại gia tham dự, xe hơi đậu dài cả con đường. Những bữa tiệc như vậy không hề có những bài nhạc trẻ, những cô ca sĩ váy ngắn nhảy nhót. Thay vào đó là dàn nhạc được đầu tư kỹ lưỡng, những cô đào cải lương chuyên nghiệp hay nghiệp dư, trong tà áo dài tha thướt, cất tiếng ngọt ngào rồi lên những câu vọng cổ da diết…

Một tiết mục ca cải lương và "bó hoa" tiền của người dự tiệc. Ảnh: Mai Thy

Hòa cùng không khí, khách mời của ông Sáu Qưới cũng lên chung vui. Điều đặc biệt là những đóa hoa “tiền boa” toàn tiền mệnh giá trên hai trăm ngàn đồng. Tính sơ sơ, tiền boa một tiệc cũng phải hơn chục triệu đồng, chưa kể tiền trên hợp đồng với ban nhạc. Đây là con số mơ ước đối với bất kỳ ban nhạc tân nhạc phục vụ tiệc nào.

Ông Sáu có người con trai lớn cũng rất thích cổ nhạc. Sau khi hát xong một bài được tán thưởng, anh này tâm sự: “Nhà tui chỉ thích đãi món dân dã cá kho, thịt kho, đồ đồng… và nghe đờn ca tài tử. Nhạc trẻ ồn ào thiếu ý nghĩa ba tôi không thích, thích cái chân chất của những người hát cải lương. Tôi còn trẻ nhưng cũng thấy thích ca cổ hơn là tân nhạc”.

Những bữa tiệc tại gia như thế là chuyện thường tình của nhiều đại gia. Nhưng chưa hấp dẫn bằng câu chuyện bên những bàn tiệc nhỏ kín đáo.

Một đại gia ngành thủy sản, có vợ là một tên tuổi từng nổi tiếng trong ngành xuất khẩu cá ba sa, vẫn giữ thói quen ngồi “nhậu” là phải có đờn ca tài tử. Vị đại gia này chỉ thích hai chị em ca cải lương nổi tiếng đều có tên T.M - nhất là cô em có gương mặt tròn, ánh mắt mơ mộng đáng yêu. Mỗi buổi tiệc khi ông lên thành phố và gọi các tên tuổi lớn đến chung vui vài tiếng đều có giá trên một ngàn đô la tùy theo độ nổi tiếng và độ mến mộ, chưa kể tiền thưởng ngay tại chỗ.

Trong những buổi nhậu riêng tư như thế, phía ban văn nghệ thường sẽ có một trưởng đoàn kết nối, một người đàn, hai hay ba cô đào hát. Những cô gái này trên ba mươi tuổi, nhan sắc không quá nổi bật, có khi giọng hát cũng chỉ ở mức dễ nghe. Nhưng dường như giọng ca cải lương cất lên bỗng làm người ta thấy cảm mến và gần gũi người hát ở tấm lòng chân thật. Và khách nào muốn hòa giọng cũng sẽ mạnh dạn thân ái hơn.

Anh Nguyễn Phước Đức, ngoài 40 tuổi, kinh doanh bất động sản, cho biết: “Lần đầu được mời nhậu đờn ca tài tử, tôi cũng bất ngờ lắm. Tôi đưa mấy tờ hai trăm ngàn tính gắn vào hoa thì chủ tiệc ngăn lại và rút một xấp năm trăm ngàn ra gắn vào”. Theo anh Đức, tính sơ sơ chùm hoa khoảng hai mươi triệu đồng, còn hơn nhiều những tiệc ca tân nhạc mà anh từng tham gia. Chưa kể là mỗi bài hát chung với khách của buổi nhậu, các cô đào còn được boa thêm năm trăm ngàn đồng đến một triệu đồng. “Đi vài lần tôi thấy thú chơi này vui và tao nhã lịch sự. Người hát cũng không đòi hỏi về tiền boa nhưng do tầng lớp thích thú chơi này thường là người trung niên hoặc cao tuổi có kinh tế khá, họ thấy xứng đáng là được”, anh Đức nhận xét.

Những danh ca cải lương như cây đại thụ B.T., M.V.… đều đã từng góp vui văn nghệ cho những buổi tiệc như thế. Đối với những người nổi tiếng, vấn đề góp vui hay không còn là do mối quan hệ thân tình với chủ tiệc.

Ông Bảy Sương, một cán bộ đã về hưu, mỗi lần lên thành phố là tổ chức tiệc đàn ca với những người bạn thân tình. Tiệc của ông thì không có nhiều “bông hoa” đồng tiền, nhưng vẫn có nhiều gương mặt có tiếng đến hát, do ông là người có cái tâm với bộ môn này.

Ông Bảy Sương nói: “Tôi lớn lên trong câu ru câu hò của mẹ. Tính tôi lại không thích ồn ào, bản chất công việc không cho phép mình ngồi quán đông đúc, nên thường mời anh em thân tình và nghệ sĩ cải lương quen đến chung vui. Tôi tin cải lương sẽ không bao giờ chết - nhất là trong lòng những người như tôi”.

Không nói đến những nghệ sĩ nổi tiếng, những cô đào cải lương thường lớn tuổi, nhạc công, trưởng đoàn… sau một buổi tiệc khoảng vài giờ, khi ra về cũng có một số tiền không nhỏ so với mặt bằng lao động chung. Có tiền, họ lại tiếp tục hát, tiếp tục giữ cho cải lương hơi thở dù không còn sức sống mãnh liệt như xưa.

Lan truyền tình yêu đối với cải lương

“A lô! Đây có phải số điện thoại của thầy Bảy Quý dạy ca cải lương? Em muốn học…” - “Đúng rồi em. Nhưng thầy Bảy mất rồi…”. Một khoảng lặng trước khi tôi cúp máy. Rất nhiều người thầy đàn dạy ca cải lương đã thành người thiên cổ.

Trong vai một người muốn học ca cải lương, tôi được biết thêm một thế giới của những người đơn thuần xem đờn ca tài tử là một thú vui. Ngoài những buổi tiệc bạc triệu mang màu sắc kế sinh nhai, đờn ca tài tử còn là sở thích của nhiều người về hưu. Những năm gần đây, môn này còn được nhiều bạn trẻ tìm học.

Anh Nguyễn Hoàng và nhóm sinh hoạt đàn ca tài tử. Ảnh: Mai Thy

Việc tầm sư học ca cải lương không khó, một số trung tâm văn hóa quận, cung văn hóa lao động, trường sân khấu điện ảnh… đều tổ chức những khóa học. Để rèn giũa kỹ hơn, người học thường tìm đến những “thầy đàn” chuyên dạy hát, nếu có tiềm năng có thể được thầy ghép ban dẫn đi hát kiếm tiền. Học phí trung bình tầm 200.000 – 250.000 đồng/giờ, thời gian tùy đôi bên sắp xếp. Lớp thông thường cũng ít học viên.

Anh Phan Minh Thiện sinh năm 1984 nhưng đã là một trong những người thầy dạy đàn ca tài tử online có tiếng với nhiều học viên. Phương châm của anh là “Tôi không giúp được bạn ca hay. Nhưng tôi sẽ giúp bạn ca đúng!”. Công việc bận rộn, nhưng khi có học viên nhắn hỏi thì anh sẽ xếp lịch dạy onine trên ứng dụng Skype, mỗi buổi học khoảng 2-3 tiếng.

Một học viên 36 tuổi chia sẻ: “Tôi thấy môn này rất lạ với giới trẻ, nếu mình có thể hát cũng tạo một nét riêng. Và biết đâu kết hợp với nhạc trẻ lại tạo ra trào lưu mới. Tôi thấy học không khó nhưng quan trọng là mình có kiên trì hay không. Tôi sẽ học đến khi ca đúng”.

Cùng với nhịp phát triển của xã hội hiện đại, cải lương dường như đã mất bóng trên các sân khấu lớn, chỉ còn những chương trình mang tính hoài niệm, lưu giữ giá trị tinh thần của dân tộc. Thế nhưng, dòng chảy cải lương vẫn âm thầm sinh sôi nảy nở, có thể không còn mang lớp áo hào nhoáng như xưa, nhưng vẫn giúp cho những người có tình yêu với môn nghệ thuật này có sân chơi, đặc biệt vẫn còn là một nghề có thể kiếm ra tiền.

Mai Thy

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Giới thiệu điểm đến du lịch bằng hát chặp cải lương

0
(SGTT) -  “Cười có tới 36 kiểu cười, khóc cũng có tới 36 kiểu khóc. Bản sắc văn hóa Việt Nam (trong cải lương)...

Người thổi hồn cho bộ môn cải lương giữa lòng xứ...

0
(SGTT) - Ông Phan Thanh Kính, sinh năm 1956, ở thôn Mỹ Thạnh Trung 1, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên có đam mê...

Đam mê giữ lửa đờn ca tài tử

0
(SGTT) - Vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Văn Hưng (nghệ danh là Sáu Hưng) và Đào Song Oanh đã chọn đờn ca tài tử...

Đầu tư nhiều hơn cho cải lương sử Việt

0
NGUYỄN HUY -  Đối với những người mê cải lương thì tuồng có màu sắc hương sa, tức tuồng cổ hấp dẫn hơn kịch bản...

Ông già chuyên… vai phụ

0
TẤN PHÚ - Hơn 40 năm đứng chân trên sân khấu cải lương với đủ các loại vai diễn, từ nhỏ đến lớn, thậm chí...

Khi cải lương tìm đề tài từ kịch nói

0
Nghệ thuật tuồng cải lương đang tiếp tục lay lắt trong giai đoạn khó khăn. Các đoàn hát ở các tỉnh ĐBSCL vẫn duy...

Kết nối