Mananya Techalertkamol (*) -
Cháu vẽ bức tranh nào? Cậu bé trước mặt tôi chỉ tay: “Đây là rừng, đây là cầu vồng, còn đây là cục đá làm con té”. Cháu gặp con rắn luôn à? – Tôi hỏi một cậu bé khác. “Không, con không gặp. Nhưng con nằm mơ thấy, nên con vẽ. Có cả con chim sau con rắn”.
Một cháu bé vẽ tranh được treo tại triển lãm.
Tôi bật cười, mẩu đối thoại ngô nghê đậm chất trẻ thơ, thích là vẽ, bộc lộ suy nghĩ không hề che giấu cảm xúc. Có khoảng 50 câu chuyện như thế được các bé hồn nhiên chia sẻ trong buổi khai mạc triển lãm tranh thiếu nhi Câu chuyện từ đôi bàn tay được tổ chức tại Viện trao đổi văn hóa Pháp (Idecaf) tại TPHCM chiều ngày 13-1.
Lần đầu tiên trong thời gian ở Việt Nam, tôi chứng kiến một cuộc triển lãm kỳ lạ đến vậy. Lạ vì các tác giả vẽ nên các bức tranh đang được treo trang trọng kia không phải họa sĩ chuyên nghiệp, cũng không phải người nổi tiếng, mà là bọn trẻ con đang chạy nhảy tung tăng, nô đùa khắp phòng. Dường như không gian triển lãm là sân chơi dành riêng cho trẻ nhỏ, ở đó, người lớn và khách tham quan chỉ là nhân vật phụ.
Những bức tranh nối những bức tranh dẫn tôi đến gặp người “phù phép” nên triển lãm này – anh Phùng Mỹ Trung, một công chức hải quan tỉnh Đồng Nai nhưng niềm đam mê của anh lại là nghiên cứu sinh vật rừng và có khá nhiều bài báo trong nước và quốc tế viết về anh. “Rừng là căn nhà bình yên của muôn loài và ngay cả với tôi. Chụp ảnh đẹp về sinh vật rừng là niềm đam mê của tôi”, anh chia sẻ. Niềm đam mê ấy đã nhen nhóm trong anh từ bé, cả ông ngoại và cha đều làm ngành kiểm lâm, nên anh tiếp xúc với rừng từ nhỏ, mỗi gốc cây, ngọn cỏ, mỗi tiếng kêu gọi bầy của muôn thú luôn làm anh tò mò. Anh yêu rừng từ đó và dẫu sau này tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế TPHCM, anh vẫn chọn rừng để quay về và gắn bó. Những chuyến lang thang rừng sâu đã dạy anh về thế giới tự nhiên rộng lớn hơn bất kỳ trường lớp nào.
Anh Phùng Mỹ Trung (áo trắng) cùng họa sĩ Trung Nghĩa tại triển lãm Câu chuyện từ đôi bàn tay.
Năm 2000, trong cuộc thi “Trí tuệ Việt Nam”, cùng với Võ Sỹ Nam – sinh viên ngành công nghệ thông tin, Phùng Mỹ Trung đã làm nên điều bất ngờ khi vượt qua nhiều tên tuổi nghiên cứu trẻ, giành giải nhất với phần mềm “Sinh vật rừng Việt Nam”. Cuộc thi đi qua, anh lại trở về với vị trí cán bộ kiểm lâm Đồng Nai, rồi cán bộ hải quan tỉnh này. Thời gian dần trôi theo bài toán cơm áo, cho đến khi thấy đồng nghiệp vất vả lục tìm sách vở để tra cứu các loại sinh vật rừng, thì giấc mơ kết nối tình yêu rừng trỗi dậy, anh quyết định sử dụng công nghệ để quản lý thông tin về sinh vật rừng bài bản và nhanh chóng. Trang web Sinh vật rừng Việt Nam (www.vncreatures.net) ra đời, giúp tra cứu thông tin các loài sinh vật cho công chúng quan tâm.
Trang web ấy đã lấy hết thời gian riêng và cả tiền lương nhưng anh vẫn vui vẻ vác ba lô vào rừng, chụp ảnh, tìm kiếm làm dày thêm thông tin cho trang web. Đến nay, trang web có hơn 8.000 lượt truy cập mỗi ngày với nội dung phong phú đa dạng, trên 3.000 hình ảnh loài sinh vật và hàng trăm bài viết.
Hầu hết các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam đều in dấu chân Trung, anh leo lên tận núi Fansipan chỉ để chụp hình một con ếch cây, ở cả tuần liền chỉ để rình chụp một con thú nhỏ, bất chấp rắn độc hay căn bệnh sốt rét luôn rình rập. Chính sự miệt mài bền bỉ đó đã giúp anh công bố 20 bài báo khoa học quốc tế cũng như cùng đồng nghiệp và chính cá nhân anh tìm ra 12 loài động vật mới được quốc tế công nhận cho Việt Nam.
Anh Phùng Mỹ Trung giới thiệu tranh với khách tham quan.
Yêu rừng đến vậy, xem rừng như cả cuộc đời, nên khi thấy môi trường rừng suy giảm, anh trăn trở, nghĩ suy và bắt đầu từ con mình, cùng bạn bè của con để truyền tình yêu và giáo dục ý thức bảo vệ, giữ gìn tự nhiên. Bạn bè của anh nhìn thấy, dẫn con đến tham gia. Tiếng lành đồn xa, những người bạn khích lệ, nhóm “Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam” ra đời, với mục đích mang chính những đứa con của mình ra khỏi bốn bức tường để có thể thân thiện hơn và gần gũi hơn với thiên nhiên. Hiện nay, nhóm đã có trên 2.600 thành viên trên mạng xã hội Facebook tại địa chỉ www.facebook.com/groups/giadinhemyeuthiennhienvietnam.
Và hơn một năm hoạt động, đã có 10 chương trình tìm hiểu về tự nhiên được tổ chức như Ẵm rùa con ra biển lớn, Em trồng cây vì thiên nhiên Việt Nam, Học và chơi trong Vườn quốc gia Cát Tiên, học vẽ trong thiên nhiên chủ đề Tiếng gọi núi rừng, học chụp hình trong thiên nhiên... Chương trình nhanh chóng trở thành sân chơi bổ ích, gắn kết cha mẹ con cái và chỉ dẫn về thế giới tự nhiên một cách trực quan sinh động với chi phí thấp, chủ yếu là tiền xe di chuyển, để các gia đình đều có thể tham gia và đã có hàng ngàn lượt phụ huynh cùng các bé tham gia. Anh hy vọng thời gian sắp tới, có thể mở rộng mô hình này cho cả học sinh, sinh viên và giới trẻ, cũng như những người đang đi làm.
Câu chuyện từ đôi bàn tay là triển lãm đầu tiên do nhóm Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam tổ chức, với các tác phẩm của các tác giả nhí 4-15 tuổi, sáng tác trực tiếp qua những chuyến đi học vẽ và tìm hiểu thiên nhiên tại Khu rừng phòng hộ đầu nguồn Thác Mai (Đồng Nai) và Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận) dưới sự cố vấn về mỹ thuật của họa sĩ Trung Nghĩa. Qua các chuyến đi, các em nhỏ được sống giữa thiên nhiên, học hỏi kiến thức và kỹ năng thực tế trong cuộc sống, tham gia các hoạt động nuôi dưỡng tình yêu và sự tôn trọng thiên nhiên. Được họa sĩ Trung Nghĩa hướng dẫn, các em dần tiếp xúc với các chất liệu acrylic, màu nước, chì màu… Dưới góc nhìn của các bé thiếu nhi, thiên nhiên hiện lên thật cụ thể, gần gũi nhưng cũng bay bổng. Mỗi bức tranh được bán 1-2 triệu đồng để gây quỹ xây dựng hai công trình gồm Trạm bảo tồn rùa đẻ tại khu vực bãi thịt thuộc Núi Chúa (Ninh Thuận) và khu cứu hộ động vật hoang dã ở Thác Mai (Đồng Nai).
Bước ra khỏi phòng triển lãm, nụ cười trong veo của cậu bé bị bệnh tự kỷ bên bức tranh cậu vẽ treo trong phòng đã níu chân tôi. Tôi nhớ khi mình trạc tuổi cậu bé ấy, tôi cũng được tham gia một chương trình về thiên nhiên do Liên hiệp quốc tổ chức tại Bangkok (Thái Lan). Đám trẻ chúng tôi được tham dự các tọa đàm về thiên nhiên, môi trường; được dẫn đi vườn quốc gia lớn nhất của Thái Lan, Kaeng Krachan National Park nằm ở tỉnh Phetchaburi, cách Bangkok khoảng 200 km, xem thú, xem cây, trekking trong rừng, tìm hiểu cách phân chia động thực vật theo môi trường khí hậu.
Hiện nay tại Thái Lan, các chương trình giáo dục về thiên nhiên xuất phát chủ yếu từ Hoàng gia Thái. Chương trình lớn nhất do Queen (Hoàng hậu) tổ chức cho trẻ em 10-12 tuổi hàng năm vào mùa hè tại mô hình công viên giáo dục Queen Sirikit Park. Ở đây trẻ em được học về cây cối, về các loài bướm và chim, được chỉ dẫn trồng cây. Chương trình không phải trả phí và mở rộng cửa cho mọi đứa trẻ, xét tham gia qua thư đăng ký và tinh thần học tập.
Khi cuộc sống ngày càng hiện đại hóa, trẻ thành phố càng khó thấy rừng, mối quan hệ cha mẹ con cái bị các thiết bị điện tử chen ngang thì các chương trình về với thiên nhiên là một tín hiệu tích cực, đáng mừng, khi mà cha mẹ nắm tay dạy con về những điều kỳ thú, cùng con trẻ bảo vệ sự sống. Tôi rất ấn tượng cũng như trân trọng trang web về sinh vật rừng mà anh Trung đã và đang làm. Tôi mong những điều tuyệt vời này lan tỏa, kết nối.
---------
(*) Mananya Techalertkamol, 24 tuổi, người Bangkok, Thái Lan. Cô tốt nghiệp trường Đại học Thammasat, Thái Lan, được cấp học bổng du học nước ngoài và cô chọn Việt Nam. Cô đã sống tại Việt Nam được 11 tháng qua và học tại Khoa Việt Nam học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Hiện cô tiếp tục đang đăng ký học thạc sĩ ngành Việt Nam học trường này, đồng thời đang thực hiện dự án giới thiệu văn hóa và du lịch Việt Nam đến người Thái qua fanpage Jee’s Journey.