Đề xuất về cơ chế du lịch an toàn theo kiểu "tắt - mở", tức các kịch bản ứng phó ngay khi dịch bệnh bùng phát hoặc tái dịch và cho du lịch lập tức trở lại khi dịch được kiểm soát đang thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), người đưa ra đề xuất này tại Hội nghị du lịch toàn quốc 2020, cho rằng cơ chế này không chỉ đảm bảo an toàn cho du khách mà còn cho cả doanh nghiệp. Điều này cũng rất quan trọng vì chỉ khi doanh nghiệp cảm thấy an toàn thì mới hết sức tập trung nguồn lực để thúc đẩy các hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn nhiều nguy cơ như hiện nay.
Hiện nay, cả nước đang thúc đẩy du lịch nội địa, tức đã cho du lịch "mở", tại sao ông lại đề xuất về cơ chế "tắt - mở" để du lịch có thể hoạt động?
Ông Võ Anh Tài: Hiện tại, dù mảng du lịch nội địa đã bắt đầu vận hành nhưng nguy cơ bùng phát dịch làm cho du khách và doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng bất cứ lúc nào. Chính phủ, cơ quan quản lý y tế đều nhận định nguy cơ tái bùng dịch rất cao nên đã có kịch bản phòng chống dịch với mục đích là để các thành phần liên quan được an toàn nhất. Du lịch cũng cần như vậy.
Chúng ta không mong dịch trở lại nhưng phải tính đến để chủ động ứng phó. Mục đích là vừa phòng dịch vừa giúp du khách, doanh nghiệp và chính quyền cảm thấy an toàn để thúc đẩy du lịch. Việc này cũng để tránh những lúng túng đã có khi ứng phó với các đợt dịch bùng phát dịch trước.
Theo tôi, khi bàn về du lịch an toàn trong thời kỳ đại dịch cần tính đến an toàn cho du khách, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước.
Du khách có cảm thấy an toàn, gồm cả an toàn về sức khỏe lẫn an toàn về tài chính (đảm bảo được giải quyết tốt chuyện hủy tour, hủy dịch vụ... trong trường hợp dịch bùng phát) và các quyền lợi khác thì mới quyết định đi du lịch.
Doanh nghiệp cũng vậy, chỉ khi thấy an toàn, có thể giải quyết những rắc rối phát sinh khi các lệnh đóng cửa điểm đến, ngừng bay (nếu có) khi dịch bùng phát thì mới tập trung nguồn lực để thúc đẩy kịp thời các hoạt động kinh doanh.
Các cơ quan quản lý nhà nước liên quan phải cảm thấy an toàn thì mới ra quyết định kịp thời cho ngành du lịch. Thực tế quản lý trong thời gian qua cho thấy, đã có sự bất cập giữa cơ quan này với cơ quan khác và sự bất cập này tác động tức thì đến hoạt động của doanh nghiệp. Vì thế, cần có cơ chế phối hợp và quy định pháp lý cần thiết để đảm bảo an toàn cho cả ba đối tượng trên.
Cơ chế đó sẽ vận hành như thế nào, thưa ông?
Cơ chế “tắt - mở” cần có các kịch bản ứng phó, sẵn sàng kích hoạt khi dịch bệnh bùng phát và khôi phục ngay trong thời gian ngắn nhất khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Các kịch bản cần thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, dành ưu tiên cho công tác phòng dịch nhưng phải tính đến các tác động đối với du khách và doanh nghiệp.
Cơ chế chủ động, có thể kích hoạt tức thì sẽ giúp chính quyền, cơ quan quản lý có các quyết định kịp thời, đảm bảo an toàn phòng dịch, giúp giảm thiểu tối đa thiệt hại, đem lại an toàn cao nhất cho du khách - doanh nghiệp, tránh bị động như đợt bùng phát dịch lần thứ hai tại Đà Nẵng và khu vực Trung Trung bộ hồi tháng 7 rồi.
Ở đây, tôi mới chỉ dừng ở mức kiến nghị chung, khi thực hiện cần phải đi vào các kịch bản cụ thể.
Chẳng hạn, khi tái dịch tại điểm đến A thì các sở ngành liên quan du lịch tại đây sẽ triển khai theo kịch bản, quy trình nào; các điểm B, C, D... trong khu vực và thậm chí toàn quốc như vụ Đà Nẵng vừa rồi sẽ có kịch bản chống dịch, đảm bảo an toàn, quyền lợi cho du khách cùng doanh nghiệp ra sao.
Thêm vào đó là phải chuẩn bị về cơ chế, quy trình, pháp lý để thực hiện cơ chế. Cơ chế này giúp du lịch không phải đợi đến khi hết dịch hoàn toàn mới có thể vận hành bình thường trở lại và giúp thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa tận dụng cơ hội kinh doanh để duy trì và phục hồi ở những nơi an toàn.
Những cơ quan nào sẽ phải hành động để thực hiện cơ chế "tắt - mở"?
Cần xác lập cơ chế phối hợp từ trung ương tới địa phương để giải bài toán an toàn của ngành du lịch, xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể giữa các bộ, ngành trung ương để hình thành các chương trình đảm bảo an toàn cho du khách trong nước và quốc tế.
Tôi cho rằng, cần xác lập các nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên liên quan và cơ chế phản ứng nhanh. UBND các tỉnh, thành cũng nên xây dựng và thi hành cơ chế phối hợp đảm bảo an toàn du lịch trên địa bàn.
Những kịch bản ứng phó cùng cơ chế này có áp dụng với mảng du lịch quốc tế hay không?
Cơ chế, kịch bản này cần trong điều kiện bình thường mới và khi tái bùng dịch. Theo tôi, có thể áp dụng cho cả hai mảng du lịch quốc tế và nội địa nhưng trong giai đoạn này thì tập trung cho thị trường nội địa.
Xin cảm ơn ông!
Khách quốc tế đến Việt Nam giảm 99%Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 11-2020, lượng khách quốc tế đến cả nước đạt 17.700 lượt người, tăng 19,6% so với tháng trước nhưng giảm đến 99% so với cùng kỳ năm ngoái.Do Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách đến chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án trong nước và lái xe vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ.Tính chung 11 tháng của năm nay, có khoảng 3,8 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 76,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Đào Loan
Theo TBKTSGO