Nguyễn Huy -
Cuộc phiêu lưu kỳ thú của ếch xanh của tác giả trẻ Lê Hữu Nam được giới thiệu vào cuối tháng 11 và hiện nay, tác giả đang trên hành trình về các tỉnh để giới thiệu tác phẩm của mình. Lê Hữu Nam hiện là tác giả được đánh giá đang viết sung sức cho dòng sách thiếu nhi trong nước, dòng sách có vị trí khá khiêm tốn trong các nhà sách mà người viết và nhà làm sách đều phải phiêu lưu.
Nhà văn trẻ Lê Hữu Nam (bên trái ảnh) giao lưu với độc giả nhí trong ngày ra sách.
Nếu lướt qua các nhà sách và tập trung vào mảng sách Việt để tìm kiếm thể loại sách văn học thiếu nhi do chính tác giả Việt sáng tác quả thật không dễ dàng gì. Bởi vì, các đầu sách này vẫn tồn tại nhưng luôn được đặt sau các thể loại sách khác. Lý do ngoài việc sách bán không chạy, tiêu thụ kém, còn có nguyên nhân sâu xa khác, theo nhiều nhà chuyên môn nhận định, là chất lượng sách văn học dành cho thiếu nhi do tác giả Việt chấp bút còn thiếu sức hấp dẫn độc giả nhí.
Ông Cao Xuân Sơn, đại diện phía Nam của Nhà xuất bản Kim Đồng cho biết: “Trẻ em ngày nay bị buộc học hành quá nhiều, không còn thời gian thư giãn thì làm sao có thể dành vài giờ trong ngày để đọc sách. Hơn nữa, ngày nay các em có quá nhiều trò giải trí khác để lựa chọn ngoài sách. Nhiều phụ huynh hầu như không xem trọng việc khuyến khích các em phát huy sở thích đọc sách để mở mang kiến thức và làm cho vẻ đẹp tâm hồn phong phú hơn”.
Theo ông, trong dòng sách văn hóa cho thiếu nhi thì nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hiện vẫn là cái tên chưa ai thay thế được. Đây là nhà văn hiếm hoi ở Việt Nam sống từ nhuận bút… viết văn. Còn viết sung sức cho dòng sách này hiện nay là tác giả trẻ Lê Hữu Nam nhưng lượng sách in ra tối đa cho mỗi tác phẩm khoảng 3.000 quyển để tiêu thụ suốt một năm. Đứng trước tình cảnh này, Nhà xuất bản Kim Đồng đã khuyến khích các nhà văn dấn thân vào mảng đề tài thiếu nhi bằng cách in ấn bìa sách đẹp, thường xuyên tổ chức giao lưu độc giả, tăng tiền nhuận bút. Thế nhưng lượng sách văn học thiếu nhi trong nước vẫn còn rất èo uột.
Nhà văn Lê Hữu Nam, người đoạt giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM năm 2015 qua tác phẩm văn học thiếu nhi Mật ngữ rừng xanh cho biết : “Viết cho thiếu nhi là một công việc khó nhọc. Chúng tôi phải đặt mình vào tâm lý trẻ nhỏ trong hoàn cảnh xã hội hiện tại để viết ra câu chuyện thật gần gũi với các em. Điều này khó làm tốt so với viết cho người lớn. Dù vậy chúng tôi cố gắng để tác phẩm đến được với các em. Buồn là chúng tôi không thể sống được bằng nghề viết văn. Xem ra cái sự khó này là cái vòng lẩn quẩn”.
Các nhà làm sách cho thiếu nhi đều thấy rõ đây là một thị trường đầy thách thức, đầu tư khó thu hồi vốn nhưng bất chấp điều đó, nhiều đơn vị vẫn kiên trì đeo bám, xoay trở đủ cách để tồn tại. Công ty sách Saigon Book đang lên kế hoạch khai thác mảng sách rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ nhỏ thông qua hình thức sách văn học, và nhiều hình thức khác. Nhà xuất bản Kim Đồng cũng triển khai kế hoạch tương tự và áp dụng thêm mảng sách ebook trên điện thoại và các thiết bị điện tử để tiếp cận với các em. Đây được xem là một phương cách đầy khả quan trong bối cảnh thói quen đọc sách in đã giảm sút và các em nhỏ ngày nay sớm tiếp cận với các thiết bị điện tử, việc ứng dụng công nghệ này duy trì thói quen đọc sách của các em là một bước đi cần thiết.
Ngoài ra, Kim Đồng thường xuyên mang sách đến trường học nhằm bổ sung và nâng cấp các thư viện còn quá nghèo nàn, thường xuyên tổ chức giao lưu sách và thông tin sách mới trên tất cả kênh thông tin đại chúng. Theo ông Cao Xuân Sơn, lúc tổ chức giao lưu tặng sách thì các em lẫn phụ huynh đến rất đông. Nhưng sau đó, lượng sách bán ra vẫn không tăng, điều này cho thấy rằng tình yêu sách của các em chưa đủ mạnh. Dù vậy, Kim Đồng vẫn không nản chí và hy vọng rằng những gì đầu tư hôm nay sẽ đạt được kết quả tốt đẹp trong tương lai.